Sâu cuốn lá lứa 2 đe dọa lúa hè thu Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Theo điều tra của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, từ ngày 10/7, sâu cuốn lá nhỏ đã nở rộ lứa thứ 2, xuất hiện ở các địa phương, cục bộ có những nơi đạt từ 50 - 100 con/m2…

Sâu cuốn lá lứa 2 đe dọa lúa hè thu Hà Tĩnh

Một số xã như Lâm Trung Thủy, Bùi La Nhân, An Dũng có nơi mật độ sâu cuốn lá nhỏ đạt từ 100 - 150 con/m2.

Thời điểm hiện nay, Đức Thọ đang là “điểm nóng” của sâu cuốn lá nhỏ. Sâu xuất hiện phổ biến ở hầu khắp các chân ruộng với mật độ từ 10 - 50 con/m2, đặc biệt một số xã như Lâm Trung Thủy, Bùi La Nhân, An Dũng… có nơi đạt từ 100 - 150 con/m2. Theo bà con nông dân, sâu chủ yếu đang ở tuổi 1, 2, 3, tuy nhiên lứa sâu này đang tăng nhanh về số lượng, đe doạ tấn công trực tiếp vào lá đòng, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất lúa cuối vụ.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Trung Tiến, xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ) cho biết: “Vụ này tôi sản xuất trên diện tích gần 1,5 mẫu. Lứa sâu non đã bắt đầu xuất hiện dày đặc ở nhiều chân ruộng của gia đình, nhất là ở các vùng trũng, lúa tốt, rậm rạp. Đây là giai đoạn quan trọng trong sinh trưởng của lúa nên không thể lơ là. Tôi đã tiến hành phun thuốc ở những ruộng nhiễm và theo dõi kỹ để xem sâu còn phát triển tiếp hay không ”.

Sâu cuốn lá lứa 2 đe dọa lúa hè thu Hà Tĩnh

Sâu non lứa tuổi 1, 2, 3 bắt đầu cắn phá lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - phân hóa đòng.

Trước diễn biến mới của sâu bệnh trên lúa, UBND huyện Đức Thọ đã có công điện đề nghị các xã, thị trấn khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ. Theo đó, từ ngày 13 - 17/7, bà con nông dân cần tiến hành phun thuốc phòng trừ theo hướng dẫn nếu không sâu sẽ tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại làm bạc trắng bộ lá, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Đồng thời, cán bộ kỹ thuật của Phòng NN&PTNT, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện cần phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên các trà lúa, tham mưu biện pháp chỉ đạo cho UBND xã để hướng dẫn cho bà con phòng trừ đạt kết quả.

Không chỉ ở Đức Thọ, bà con nông dân nhiều địa phương cũng đang lo lắng, thấp thỏm trước sự tấn công của sâu cuốn lá đợt 2. Bắt đầu xuất hiện và nở rộ từ ngày 12/7, lứa sâu thứ 2 đang nhanh chóng phát triển, gia tăng về số lượng trên các chân ruộng xanh tốt, những ruộng gieo sạ quá dày, ruộng gieo sạ muộn, cắn phá lúa, ảnh hưởng đến quá trình làm đòng của cây.

Sâu cuốn lá lứa 2 đe dọa lúa hè thu Hà Tĩnh

Nông dân Cẩm Xuyên phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2.

Ông Trần Văn Thịnh (thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Nhà tôi làm hơn mẫu ruộng, đợt 1 vừa rồi có 4 sào bị nhiễm sâu khá nặng. Bây giờ, bộ lá non đã lên mới, trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho lứa sâu thứ 2. Mấy hôm nay, ngày nào tôi cũng ra thăm đồng để vừa tiến hành bón thúc đòng vừa xem thuốc phun đã có hiệu quả hay chưa. Đây là thời kỳ sinh trưởng quan trọng nhất của cây lúa, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ làm tổn hại đến năng suất”.

Cách đó không xa, bà Phan Thị Nhân đang lo rằng sang tuần thời tiết xuất hiện nắng mưa xen kẽ, lúa được cung cấp thêm lượng đạm tự nhiên, xanh tốt hơn sẽ “kích” quá trình đẩy sức vào nhộng và vũ hoá của pha trưởng thành, chuẩn bị cho lứa sâu thứ 3, tấn công trực tiếp vào lá đòng. Điều đáng nói, sâu rải lứa, xen gối lứa ngay trong từng vùng, từng thôn, khiến cho công tác phòng trừ của bà con thêm phần khó khăn.

Hiện nay, lúa hè thu giai đoạn đứng cái, sinh trưởng phát triển tốt. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, sâu cuốn lá nhỏ tuổi 1, tuổi 2 đã xuất hiện ở các địa phương, mật độ trung bình 3 - 5 con/m2, nơi cao 10 - 30 con/m2, cục bộ có những nơi mật độ 100 - 150 con/m2.

Sâu chủ yếu tập trung tại Tùng Lộc, Kim Song Trường, Vượng Lộc, Thượng Lộc (Can Lộc); Cẩm Hưng, Cẩm Quang, Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên); Lâm Trung Thuỷ, Bùi La Nhân, An Dũng (Đức Thọ); các xã vùng bãi ngang, Thạch Long, Ngọc Sơn, Thạch Kênh (Thạch Hà)….; đặc biệt, đã xuất hiện trứng tại các điểm điều tra.

Sâu cuốn lá lứa 2 đe dọa lúa hè thu Hà Tĩnh

Bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Ngành đã sớm chỉ đạo, hướng dẫn bà con thực hiện công tác phòng trừ. Người dân nên phun thuốc tốt nhất vào lúc sâu đang ở tuổi 1, tuổi 2 (từ ngày 15 - 17/7). Khi phát hiện mật độ sâu cao (50 con/m2 ở giai đoạn đẻ nhánh – phân hóa đòng) thì có thể sử dụng một trong số các loại thuốc: Clever 150SC, Opulent 150S, Obaone 95WG, Virtako 40WG, Tasieu 1.9EC, Angun 5WG,...

Theo dự báo, sâu lứa 2 sẽ cắn phá mạnh nhất ở tuổi 3, tuổi 4, tuổi 5, tiếp tục tích lũy để chuẩn bị cho chu kỳ mới, dự kiến lứa sâu thứ 3 sẽ nở rộ vào ngày 10/8, trùng với giai đoạn cuối phân hóa đòng – trổ bông. Nếu không phun phòng triệt để, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất lúa hè thu".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.