Sâu cuốn lá nhỏ “đột kích” lúa hè thu

Sau một thời gian “im ắng”, các loại sâu bệnh đang “rục rịch” công kích đồng ruộng hè thu. Tuy mật độ phát sinh đang trong tầm kiểm soát, song thời tiết mưa, ẩm có vẻ như đã tạo điều kiện cho sự sinh trưởng và bùng phát của loài dịch hại…

Gần một tuần lễ nay, bà con nông dân xã Cẩm Hà (Cẩm Xuyên) xuống đồng phun đợt 2 trừ sâu cuốn lá nhỏ. Nằm trong vùng nhạy cảm của ổ dịch cũ, mặt khác, bài học đắng lòng sau đại dịch năm 2010 đã khiến người nông dân ở đây chủ động hơn trong công tác phòng ngừa.

Ông Nguyễn Đình Công - Trưởng ban Khuyến nông xã cho biết: “Ngay sau khi kiểm tra phát hiện dấu hiệu trở lại của sâu cuốn lá nhỏ, xã đã tuyên truyền qua loa phát thanh chỉ đạo bà con ra đồng phun thuốc phòng trừ. Hiện nay, sâu chủ yếu là ở tuổi 1, tuổi 2, mật độ rất khó phát hiện, tuy nhiên, bướm sâu khá dày, đây sẽ là nguồn sâu dồi dào đe dọa lúa hè thu. Vấn đề đáng lo là đợt phun này thường gặp mưa giông vào cuối chiều nên rất khó để hoàn thành trước 25/7 như kế hoạch”.

Bón thúc đạm không đúng thời điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, gây hại.
Bón thúc đạm không đúng thời điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, gây hại.

Tình hình này diễn ra khá phổ biến ở các địa phương của huyện Cẩm Xuyên. Nhất là các xã vùng trong (Cẩm Lĩnh, Cẩm Trung, Cẩm Lạc, Cẩm Sơn…), nơi tập trung lớn ổ dịch cũ của sâu cuốn lá nhỏ. Rất nhiều ổ bướm sâu có mật độ cao, cục bộ có nơi 15-20 con/m2, trong khi khả năng sinh nở của nó cũng khoảng từ 15-20 trứng trên mỗi con bướm sâu.

Thực ra, lứa sâu cuốn lá nhỏ đầu tiên đã xuất hiện từ đầu vụ, tuy nhiên, do cây lúa mới bắt đầu thời kỳ sinh trưởng nên mật độ sâu thấp, mức độ gây hại không đáng lo ngại. Vào giai đoạn này, lúa hè thu bắt đầu phân hóa đòng, cũng là thời điểm đánh dấu sự phát sinh mạnh của loài dịch hại này. Bởi thế, đồng ruộng Thạch Hà cũng đang chứng kiến sự nở rộ của lứa sâu non thứ 2 hại lá đòng.

Ông Lê Văn Thuận, Phó phòng Nông nghiệp huyện cho hay: “Thường ở những ruộng xanh non, bón thừa đạm hoặc ở ổ dịch cũ vẫn thu hút nhiều bướm sâu hơn, do đó, dự báo số ruộng này sẽ bị gây hại nặng nề. Một nguyên nhân khác nữa là do tập quán gieo sớm của một số địa phương đã khiến cho lúa phát triển sớm, thời vụ bón thúc đạm trùng với thời điểm sâu nở nên càng tạo điều kiện cho chúng phát sinh. Phần lớn diện tích này xảy ra ở các xã vùng biển ngang của huyện”.

Bao giờ cũng thế, song hành với sự ủng hộ của thời tiết đối với sản xuất là sự sinh trưởng của các loài sâu bệnh. Qua điều tra của ngành chuyên môn, từ ngày 17/7 đã xuất hiện một số đối tượng dịch hại số 1 trên ruộng lúa hè thu. Trong đó, rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại với mật độ trung bình 30-50 con/m2, nơi cao 150-200 con/m2, cục bộ có dạng ổ mật độ 1.000-1.500 con/m2, chủ yếu rầy tuổi 3, tuổi 4 phân bố ở Đức Thọ, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên...; sâu cuốn lá nhỏ mật độ trung bình 5-7 con/m2, chủ yếu sâu tuổi 1, tuổi 2 (Cẩm Xuyên, Hồng Lĩnh, Kỳ Anh); sâu đục thân; bệnh khô vằn và chuột.

Hiện nay, thường xuất hiện mưa rào, không khí ẩm ướt trở thành điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh tiếp tục sinh sôi và bùng phát gây hại. Việc kịp thời thực hiện công tác phòng trừ sâu bệnh trở nên cấp bách nhằm diệt tận gốc đối tượng khi đang còn trong trứng nhộng, vừa kiểm soát một cách hiệu quả quá trình phát sinh, vừa tiết kiệm công sức và tiền bạc của bà con nông dân.

Ông Nguyễn Tống Phong - Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Dự kiến, lứa sâu cuốn lá nhỏ sẽ bùng phát từ sau 25/7, do đó, trước hết, các địa phương cần tổ chức kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phun trừ kịp thời khi sâu non đang ở tuổi 1, tuổi 2. Lưu ý, cần sử dụng đúng hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật về loại thuốc và chỉ phun ở những diện tích có mật độ sâu có thể gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của lúa. Đối với các loại sâu bệnh khác, cũng cần tiếp tục theo dõi và triển khai phòng trừ theo khuyến cáo”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast