Singapore thử nghiệm giai đoạn cuối kháng thể chống virus SARS-CoV-2

Nếu các cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công, loại kháng thể này sẽ được Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS) và các cơ quan quản lý khác trình lên để xem xét như một loại thuốc điều trị mới.

Singapore thử nghiệm giai đoạn cuối kháng thể chống virus SARS-CoV-2

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 10/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 do công ty công nghệ sinh học Tychan của Singapore phát triển đã bắt đầu được thực hiện từ ngày 11/12.

Loại kháng thể này có thể giúp bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 phục hồi nhanh hơn đồng thời làm chậm quá trình lây nhiễm.

Có 1.305 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ tình nguyện tham gia thử nghiệm.

Nếu các cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công, loại kháng thể này sẽ được Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS) và các cơ quan quản lý khác trình lên để xem xét như một loại thuốc điều trị mới.

Hồi tháng 10 vừa qua, HAS đã “bật đèn xanh” cho Tychan bắt đầu tiến hành các thử nghiệm giai đoạn cuối.

Theo ông Ooi Eng Eong, đồng sáng lập công ty Tychan, giai đoạn một thử nghiệm kéo dài 6 tuần hồi tháng Sáu với 23 tình nguyện viên khỏe mạnh đã mang lại kết quả tốt về độ an toàn.

Công ty Tychan đang tìm kiếm sự hợp tác với các cơ sở y tế khác tại các quốc gia có tỷ lệ nhiễm COVID-19 vẫn còn cao.

Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và Ban Phát triển kinh tế của Singapore nằm trong số các đối tác mà Tychan hợp tác để phát triển loại kháng thể này.

Các cuộc thử nghiệm lâm sàng thường được thực hiện theo 4 giai đoạn, bắt đầu với một nhóm nhỏ để kiểm tra độ an toàn và các tác dụng phụ của thuốc, sau đó được tiến hành với các nhóm lớn hơn để quyết định về tính hiệu quả.

Cùng ngày, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo nhằm tăng mức độ hiệu quả của vaccine thử nghiệm phòng COVID-19 của mình, hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng việc kết hợp vắcxin này với vắcxin Sputnik V của Nga.

Theo thông báo của RDIF, các cuộc thử nghiệm sẽ được khởi động vào cuối năm nay.

Trong khi đó, AstraZeneca cho biết đang cân nhắc kết hợp các loại vaccine khác nhau và sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm với vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya của Nga phát triển.

Sự hợp tác giữa một trong những công ty dược phẩm hàng đầu của Anh với viện nghiên cứu khoa học được Chính phủ Nga bảo trợ càng cho thấy tính cấp bách trong việc phát triển một vắcxin hiệu quả để đẩy lùi dịch COVID-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người.

Các nhà phát triển vắcxin Sputnik V cho biết hiện các thử nghiệm lâm sàng, vẫn đang được tiến hành, cho thấy vắcxin này có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm COVID-19 lên tới hơn 90%, cao hơn vắcxin của AstraZeneca và tương đương với vắcxin của Moderna (Mỹ) và của hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.

Cũng trong ngày 11/12, công ty dược phẩm hàng đầu của Thụy Sĩ Roche Holding AG thông báo đã khởi động chương trình xét nghiệm tìm kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 mới nhằm hỗ trợ cho việc xét nghiệm số lượng lớn bệnh nhân nghi mắc COVID-19.

Roche cho biết xét nghiệm Elecsys tìm kháng nguyên SARS-CoV-2 là một hệ thống xét nghiệm tự động trong phòng thí nghiệm được sử dụng như một công cụ hỗ trợ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo Roche, xét nghiệm Elecsys tìm kháng nguyên SARS-CoV-2 đã cho thấy độ nhạy lên tới 94,5% trên 200 đối tượng mắc COVID-19 có triệu chứng và có độ đặc hiệu lên tới 99,9% trên 2.747 cá nhân có kết quả PCR âm tính.

Roche đặt mục tiêu có thể thực hiện hàng chục triệu xét nghiệm mỗi tháng vào năm 2021.

Hãng cũng đã nộp đơn lên Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ để được cấp phép sử dụng khẩn cấp./.

Theo Nguyễn Thúy-Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.