Số ca mắc cúm, viêm phổi gia tăng: Nhiều người tự ý mua thuốc điều trị tại nhà

(Baohatinh.vn) - Tại các bệnh viện ở Hà Tĩnh, số ca mắc cúm, viêm phổi và các bệnh đường hô hấp đang tăng cao, đa số bệnh nhân còn chủ quan, tự mua thuốc uống điều trị ở nhà.

Những ngày qua, tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do vi-rút gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.

.

Người dân đến khám, chữa bệnh đều được cán bộ y tế hướng dẫn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam phải đối mặt với tình hình bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm cuối năm 2024 cao hơn nhiều lần so với 2023. Đặc biệt là các bệnh đường hô hấp, ghi nhận bệnh cúm có 287.548 trường hợp, trong đó 8 ca tử vong (so với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 18,6% nhưng số ca tử vong tăng 5 ca). Một số địa phương có số mắc cao như: Thanh Hóa 46.600 ca; Thái Bình 26.345 ca; Nghệ An 17.949; Hà Tĩnh 12.807, Sơn La 10.162. Thống kê cho thấy, các trường hợp tử vong do cúm chủ yếu ở người già, có bệnh nền, tiểu đường, huyết áp.

Cán bộ Trung tâm Y tế Thạch Hà hỗ trợ bệnh nhân thở khí dung.

Tại Hà Tĩnh, ghi nhận ở các bệnh viện trên toàn tỉnh cũng cho thấy số ca mắc cúm A và B, viêm phổi tăng cao. Ở Trung tâm Y tế Thạch Hà, bình quân mỗi ngày, Khoa Cấp cứu - Nhi và Khoa Truyền nhiễm có 45 - 50 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó có đến trên 80% bị nhiễm trùng đường hô hấp, cúm A và B, viêm phổi, tăng 30% so với cùng kỳ tháng trước. Ngoài ra, mỗi ngày còn có 45 - 60 bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp đến khám và điều trị ngoại trú.

Tại Trung tâm Y tế Cẩm Xuyên cũng ghi nhận bệnh nhân nhập viện tăng cao do viêm phổi, sốt, cúm A và B, đa số là người già, người có bệnh lý nền, trẻ em. Mỗi ngày có trên 40 bệnh nhân điều trị nội trú (tăng 30% so với cùng kỳ năm trước).

Bác sỹ CKI Nguyễn Hữu Thạch, Trưởng khoa Cấp cứu - Nhi, Trung tâm Y tế Thạch Hà tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về cách phòng, chống bệnh và tuân thủ phác đồ điều trị của cán bộ y tế.

Điều đáng nói, rất nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh, trở nặng do tự điều trị tại nhà. Bệnh nhi L.P.H, 9 tuổi ở thị trấn Thạch Hà vào nhập viện trong tình trạng ho, sốt, nôn, khó thở. Bà L.T.C, 53 tuổi (bà của bệnh nhân H.), cho biết: “Thấy cháu ho, sốt, gia đình đã mua thuốc tây tại hiệu thuốc gần nhà cho uống. Sau 3 ngày, cháu không đỡ mà ho nhiều, sốt cao, nôn, khó thở nên người nhà mới đưa vào Trung tâm Y tế Thạch Hà. Nhờ các y, bác sỹ tiến hành cấp cứu, điều trị kịp thời nên sau 2 ngày, bệnh của cháu đỡ hơn nhiều; không còn tình trạng nôn, sốt, khó thở nữa, triệu chứng ho cũng đã giảm nhiều.”

Còn bệnh nhân N.V.H (60 tuổi), trú tại xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) nhập viện trong tình trạng ho, sốt, mệt, khó thở. “Trước khi vào viện, tôi đã tự mua thuốc tây uống tại nhà hơn 1 tuần không thấy đỡ mà bệnh lại nặng hơn nên được vợ, con khuyên đưa vào viện. Được các y, bác sỹ tận tình cứu chữa nên sức khỏe của tôi dần hồi phục, sau 3 ngày điều trị tôi đã khỏe hơn”, ông N.V.H cho hay.

Bác sỹ CK1 Đậu Văn Đường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Cẩm Xuyên hướng dẫn, động viên bệnh nhân yên tâm điều trị.

Theo BS.CKI Nguyễn Hữu Thạch - Trưởng khoa Cấp cứu - Nhi, Trung tâm Y tế Thạch Hà, gần đây số ca mắc cúm A và B, viêm phổi, viêm phế quản do các loại vi khuẩn, vi-rút nhập viện tăng cao, chủ yếu là các bệnh nhi, người lớn trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, người có bệnh nền.

Diễn tiến ban đầu là nhiễm siêu vi, cảm, sốt thông thường nhưng do người bệnh chủ quan, không đến các cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị đến khi bệnh nặng mới đến bệnh viện, lúc đó bệnh bội nhiễm thêm các loại vi-rút, vi khuẩn khác gây nhiễm trùng, viêm phổi, phải nhập viện, thậm chí thở oxy.

Bác sỹ Trung tâm Y tế Cẩm Xuyên khám chữa bệnh về đường hô hấp cho bệnh nhân.

Ở các bệnh viện tuyến trên cũng ghi nhận số người già, trẻ em, người có bệnh lý nền nhập viện tăng cao vì các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi, cúm A và B.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày, Khoa Nhi có 80 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó có đến 90% bệnh nhân bị viêm phổi. Còn tại Bệnh viện Phổi, hiện có 108 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó đến 90% bệnh nhân bị các bệnh về hô hấp như: hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản. Nhiều bệnh nhân nặng phải thở oxy.

Các bác sỹ cảnh báo có nhiều nguyên nhân "cộng hưởng" khiến tình hình dịch bệnh hô hấp diễn biến phức tạp như: thời tiết lạnh, giao thương, du lịch cuối năm tăng cao là điều kiện thuận lợi lây lan mầm bệnh hô hấp, một số trẻ em và người lớn chưa đi tiêm phòng vắc-xin.

Các chuyên gia y tế Hà Tĩnh khuyến cáo: tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả, tiết kiệm, tạo miễn dịch chéo, tránh dịch chồng dịch. Do đó, người dân không nên lơ là, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế. Sau lịch tiêm cơ bản, cần chú ý tiêm nhắc nhằm tăng cường kháng thể.

Ngoài tiêm đầy đủ các loại vắc-xin, người dân cần phòng bệnh bằng cách rửa mũi, súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý hằng ngày; rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi tiếp xúc đông người; nâng cao sức đề kháng bằng dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tập thể dục. Giữ ấm cơ thể, khi thời tiết trở lạnh cần mặc đủ ấm, phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài. Mặc thêm áo ấm, mũ len, mang thêm bao tay, tất, khăn, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũ kín tai, sử dụng nước ấm.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc các bệnh về đường hô hấp, tuyệt đối không nên tự mua thuốc điều trị ở nhà mà cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh và xác định các bệnh căn bệnh kèm theo (nếu có) nhằm có hướng điều trị thích hợp. Điều trị sớm các bệnh về đường hô hấp sẽ giúp kiểm soát và loại bỏ nhanh chóng bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói