Cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương là 2 địa điểm có tàu thuyền vào đánh bắt đông nhất.
Tại KKT Vũng Áng, ngoài 2 cảng lớn là Vũng Áng và Sơn Dương còn có một số cảng nhỏ đang hoạt động như: cảng than của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, cảng của Tổng kho xăng dầu Vũng Áng... Nhà đầu tư, DN đều lo ngại trước tình trạng ngư dân đánh bắt tại các cảng biển.
Được biết, thời gian gần đây, mỗi ngày có rất nhiều tàu thuyền vào khu vực các cảng để khai thác, đánh bắt hải sản trái phép. Trong đó, riêng cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương là 2 địa điểm có số lượng tàu thuyền vào đánh bắt đông nhất.
Việc ngư dân đánh bắt trong khu vực cảng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn hàng hải.
Lý giải về tình trạng này, ông Phạm Minh Tuấn - Phó Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp - BQL KKT tỉnh cho biết: Vị trí các cảng, cầu cảng là ngư trường truyền thống của ngư dân, khi xây dựng cảng, có hệ thống đê chắn sóng, nước lại sâu nên tạo ra nơi trú ẩn lý tưởng cho hải sản. Chính vì vậy nguồn lợi hải sản trong khu vực cảng là lớn.
Mặt khác, hiện nay công tác đền bù, quy hoạch cảng biển vẫn chưa xong, giữa các cảng còn nhiều khu dân cư xen dắm như thôn Hải Phong, Hải Thanh (xã Kỳ Lợi) với gần 700 hộ sinh sống. Do đó, những tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt lân cận và trong khu vực cảng vẫn tồn tại.
Nhiều thuyền của ngư dân còn vào sát tận cầu cảng.
Việc vào khu vực cảng đánh bắt đã gây nguy cơ mất an toàn giao thông hàng hải, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của cảng như: ắch tắc luồng tàu, tắc nghẽn đối với các phương tiện vận tải hàng hóa đến cảng, đe dọa tính mạng con người và nguy cơ gây hư hại hàng hóa, thiết bị, phương tiện... Bên cạnh đó còn làm hư hại các ngư cụ, nhất là lưới đánh bắt, lồng cá của bà con đang thả tại khu vực cảng, gây thiệt hại hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Đặc biệt, theo thông tin từ BQL KKT tỉnh, thời gian qua, khi tàu thuyền vào đánh bắt ở các khu vực cảng còn xảy ra tình trạng trộm cắp, phá hoại tài sản của cảng và nổ mìn gần khu vực cầu cảng.
Cần có các giải pháp xử lý quyết liệt để đảm bảo an toàn cho cả ngư dân, ngư cụ lẫn hoạt động của hệ thống cảng.
"Sắp tới khi Formosa vận hành lò cao số 2 cùng với đó là cầu cảng số 3,4 hoạt động, cầu cảng số 5, số 6 triển khai thi công, số lượng tàu thuyền cập các cảng sẽ rất lớn, nếu không có giải pháp quyết liệt thì nguy cơ mất an toàn hàng hải sẽ rất lớn" - ông Trương Minh Tuấn cho biết thêm.
Ông Trần Văn Lâm – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi cho rằng, để bà con yên tâm đánh bắt ở ngoài khu vực cảng, ngoài việc tập trung hoạt động tuyên truyền, vận động, các lực lượng chức năng cần có giải pháp ngăn chặn trình trạng tàu một số địa phương vào vùng lộng đánh bắt bằng giã cào, nổ mìn làm cạn kiệt nguồn hải sản phía ngoài cảng.
Trước tình trạng đánh bắt trái phép tại các khu vực cảng diễn ra ngày một nghiêm trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đã chủ trì làm việc với BQL KKT tỉnh và các đơn vị liên quan và chỉ đạo thực hiện các để có giải pháp chấn chỉnh, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải cho cho tàu thuyền vùng cảng biển KKT Vũng Áng. Theo đó, các doanh nghiệp, chủ cảng xây dựng quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và báo cáo thường xuyên cho tình hình khu vực cảng cho biển cho các đơn vị chức năng để ngăn chặn vi phạm; tăng cường trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ và kinh phí để duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát. Lực lượng Biên phòng cần thống nhất cụ thể, chi tiết với các doanh nghiệp, chủ cảng về phương án tuần tra, lịch tuần tra, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm; phối hợp với các chủ cảng xây dựng các bốt trực và mua sắm phương tiện, dụng cụ để kiểm soát, xử lý các vi phạm của ngư dân. |