>> Lái xe taxi giết nữ giám thị, vứt xuống cầu phi tang
Lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh và Công ty Mai Linh Hà Tĩnh thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân Phạm Thị Oanh...
Xót xa cho số phận ngắn ngủi của nữ giám thị xấu số, dư luận càng phẫn nộ, lên án hành vi mất nhân tính của kẻ giết người máu lạnh. Chính vì vậy, Mai Linh nói riêng và các hãng taxi khác nói chung không tránh khỏi vạ lây khi dư luận đang nhìn với ánh mắt ái ngại. Không ít người chép miệng cảm thông “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng sau dư chấn từ vụ giết người dã man, liệu mấy ai có đủ can đảm để tiếp tục lựa chọn taxi là phương tiện di chuyển?.
... và trao tiền hỗ trợ
Năm 1993, taxi Mai Linh chính thức bước chân vào thị trường. Từ 1 cơ sở nhỏ với tài sản đầu tư ban đầu chỉ 300 triệu đồng, 20 đầu xe và 25 lao động tại TP. Hồ Chí Minh, đến nay, DN đã phủ sóng tại 54 tỉnh thành trên cả nước với trên 100 công ty thành viên và thu hút hơn 28.000 lao động. Riêng Mai Linh Hà Tĩnh, có 370 nhân viên, trong đó 250 người đảm nhận vị trí lái xe. Với mục tiêu phát triển bền vững, trở thành tập đoàn ngang tầm khu vực và đạt chuẩn quốc tế, Mai Linh tự hào khi được chọn là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển cho nhiều khách hàng khó tính với những yêu cầu nghiêm ngặt.
Trước khi DN ra đời, người khai sinh ra DN luôn đau đáu làm thế nào để có chỗ đứng và tạo dựng được thương hiệu. Ngay từ khi mới chân ướt chân ráo vào thị trường, Mai Linh đã tạo được hiệu ứng tốt và gây ấn tượng với hành khách. Đó chính là cơ sở để nuôi dưỡng Mai Linh trở thành tập đoàn taxi lớn mạnh vào hàng nhất nhì Việt Nam. Vậy nên, đánh mất hình ảnh của DN sau vụ việc đáng tiếc vừa qua để rồi “đốn củi 3 năm đốt 1 giờ” là điều tối kị.
Dù là kẻ từng có tiền sự về tội trộm cắp nhưng hồ sơ xin việc của kẻ sát nhân máu lạnh Nguyễn Văn Tiến vẫn rất "sạch"
Dư luận đang nghi ngờ chất lượng tuyển dụng lao động của Tập đoàn Mai Linh nói riêng và các DN taxi nói chung. Họ cũng cho rằng, DN đang dễ dãi đối với lao động khi xem nhẹ quy trình quản lý. Nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra chất vấn và yêu cầu DN phải có câu trả lời thấu tình, đạt lý nhằm thỏa mãn những hoài nghi trong lòng họ. Rõ ràng, dư luận được quyền đặt câu hỏi trước những vấn đề lớn. Tuy nhiên, dường như mọi người đang mải mê với những ý nghĩ tiêu cực mà vô tình quên rằng, việc có hay không sự cố đáng tiếc xảy ra còn phụ thuộc vào ý thức chủ quan của tài xế - đó là một phạm trù không một nhà lãnh đạo hay một bộ máy nào có thể kiểm soát.
Có lẽ chúng ta đang quên, không ít tài xế taxi Mai Linh từng là người hùng và trở thành ân nhân của nhiều gia đình. Anh Nguyễn Tiến Toàn buộc phải làm bà đỡ bất đắc dĩ khi chị N.T.P (Kỳ Ninh, Kỳ Anh) chuyển dạ ngay trên đường đến bệnh viện để rồi, dù chào đời trong tình cảnh khá… oái ăm, cháu bé vẫn an toàn và khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc, hân hoan của bao người. Tại buổi lễ khen thưởng ở trại giam Xuân Hà, vị giám thị bày tỏ niềm cảm kích trước sự dũng cảm của tài xế Nguyễn Viết Hòa khi anh cùng lực lượng công an truy bắt phạm nhân bỏ trốn. Hay như, một hành khách ở Hương Khê sau nhiều năm vẫn chưa thể quên hành động đẹp của anh Nguyễn Hữu Nghĩa khi tài xế này trả lại cho chị túi tiền trị giá hàng chục triệu đồng. Và còn rất nhiều những hành động đẹp khác của tài xế taxi Mai Linh đáng được tán thưởng!.
Kết quả xét nghiệm sức khỏe và sơ yếu lý lịch cho thấy, Tiến không có biểu hiện bất thường
Thế nhưng, giờ đây, Giám đốc Công ty CP taxi Mai Linh lại phải thốt lên đầy chua chát: “Chúng tôi xấu hổ đến mức không dám ngẩng cao đầu khi ra đường”. Liệu có công bằng khi cái nhìn tiêu cực của dư luận đang làm ảnh hưởng đến những lái xe chân chính?.
Nhớ sâu những chuyện không hay và quên bao việc làm tốt dường như đã trở thành bệnh cố hữu của dư luận. Đó là một thực tế đáng buồn!. Điều đáng nói, thực tế đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý con người và “giết” chết một DN.
Vậy nên, chúng ta - những người cầm cân nảy mực trước mọi vấn đề của xã hội - hãy trở thành những người phán xét đa chiều và văn minh nhất!.