Tháng 5 trên quê hương Anh hùng Phan Đình Giót

(Baohatinh.vn) - Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang nỗ lực bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để xứng danh quê hương Anh hùng Phan Đình Giót.

Người Anh hùng “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”

Trong những ngày cuối tháng 4 - đầu tháng 5 lịch sử, tuyến đường gom cao tốc đi qua thôn Vĩnh Phú, xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) chính thức thông tuyến đã đưa nhiều đoàn khách về tham quan nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót.

Bên trong nhà tưởng niệm, thân nhân của Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót vừa túc trực hương khói, vừa trông nom công trình và tiếp đón các đoàn khách vào tham quan.

Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót tại xã Cẩm Quan.

Bà Phan Thị Nhự - cháu ruột của Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót chậm rãi kể: “Ông bà nội của tôi sinh được 2 người con là bác Giót và cha tôi - Phan Đình Giát. Bác Giót trước khi đi bộ đội có lấy vợ, sinh được một người con trai nhưng đã mất khi mới 7 tháng tuổi do dịch bệnh, sau khi bác hy sinh thì vợ cũng tái giá. Còn cha tôi cũng chỉ sinh được mình tôi nên lâu nay việc chăm lo hương khói do tôi đảm nhiệm. Năm 2025, nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót được xây dựng trên nền ngôi nhà cũ của gia đình, giúp cho việc hương khói được tươm tất, chu đáo hơn”.

Theo các tư liệu lịch sử, Anh hùng Phan Đình Giót sinh năm 1922 ở làng Vĩnh Yên, xã Tam Lộng, tổng Mỹ Duệ (nay là thôn Vĩnh Phú, xã Cẩm Quan) trong một gia đình nghèo. Bố mất sớm, 2 anh em Phan Đình Giót và Phan Đình Giát sống cùng mẹ trong cảnh nghèo khó. Từ năm 7 tuổi, 2 anh em phải đi ở đợ cho địa chủ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Phan Đình Giót tham gia lực lượng tự vệ chiến đấu. Năm 1950, ông xung phong vào bộ đội chủ lực và được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bà Phan Thị Nhự (bên phải ảnh - PV) là người trông nom, gìn giữ những tư liệu về Anh hùng Phan Đình Giót.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc ấy, Phan Đình Giót là Tiểu đội phó Tiểu đội bộc phá, thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 đã cùng đồng đội hành quân cấp tốc lên Tây Bắc, vượt qua 500 km đường rừng, vừa hành quân vừa mở đường. Đúng 17h ngày 13/3/1954, được chi viện 80 khẩu pháo và súng cối, Đại đoàn 312 đồng loạt tấn công vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tiểu đội của Phan Đình Giót có nhiệm vụ dùng bộc phá mở cửa, tạo điều kiện cho quân ta đánh chiếm mục tiêu số 2 của địch. Kẻ thù chống trả quyết liệt, ta và địch giành giật với nhau từng mét hàng rào. Phan Đình Giót đánh đến quả bộc phá thứ 9 thì bị thương ở đùi nhưng vẫn nén đau, lao lên đánh quả thứ 10. Vết thương chảy máu nhiều làm ông lịm đi và được đưa về tuyến sau băng bó. Thấy địch tập trung hỏa lực cản đường tiến của quân ta, đồng đội bị thương nhiều, tình thế vô cùng nguy nan, Phan Đình Giót sôi sục ý chí tiến lên. Anh ép mình xuống sát đất rồi nhích dần, nhích dần về phía hỏa lực địch.

Đoàn viên thanh niên quét mã QR tìm hiểu về cuộc đời của Anh hùng Phan Đình Giót.

Đạn trong lô cốt địch bắn ra sáng rực cả màn đêm. Anh nhoài người lên đánh tiếp 2 quả bộc phá, phá toang hàng rào cuối cùng. Bọn địch tập trung hỏa lực bịt bằng được cửa mở. Lợi dụng góc chết, Phan Đình Giót tiêu diệt lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho bộ đội ta tiến lên. Lúc này, anh bị thương ở vai, máu chảy đầm đìa, hỏa lực lô cốt số 3 bắn xối xả vào đội hình của ta. Quân ta không tiến được.

Trong giây phút quyết định, Phan Đình Giót đã dùng hết sức bình sinh, nâng tiểu liên bắn vào lỗ châu mai và hô vang: “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân!”. Sau đó, anh lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai, dập tắt hỏa điểm của địch. Hành động của anh đã giúp đơn vị tiến lên, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Phan Đình Giót hy sinh ở tuổi 32, lúc đó là 22h30’ ngày 13/3/1954. Ngày 31/8/1955, đồng chí Phan Đình Giót được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân theo Quyết định số 714/SL. Ông là một trong 16 anh hùng LLVT nhân dân được tuyên dương vì thành tích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Viết tiếp truyền thống cách mạng

71 năm trôi qua, câu chuyện về người anh hùng “lấy thân mình lấp lỗ châu mai” vẫn còn được lớp lớp người sau kể lại với tất cả niềm tự hào, cảm phục và biết ơn sâu sắc. Để tưởng nhớ và tri ân Anh hùng Phan Đình Giót, Bộ TN&MT (nay là Bộ NN&MT) phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên đã phát tâm huy động 25 tỷ đồng xây dựng khu nhà tưởng niệm. Công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng vào tháng 3/2025 đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, lý tưởng cộng sản cho thế hệ trẻ.

Xã Cẩm Quan rải thảm carbon tuyến đường thôn Chi Quan.

Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cẩm Quan chia sẻ: “Những ngày này, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 71 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót cũng đón đông đảo các đoàn khách tham quan, nhất là các đoàn học sinh trên địa bàn tỉnh về dâng hương, tìm hiểu lịch sử. Hướng về sự kiện lớn của dân tộc, chính quyền địa phương cũng tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường và phát động thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào xây dựng NTM”.

Đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2023, thời điểm này, xã Cẩm Quan đang tăng tốc hướng đến mục tiêu về đích NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2025. Ngang qua Trường Mầm non Cẩm Quan, công nhân đang khẩn trương xây dựng nhà học, nhà đa năng, nhà hiệu bộ. Kế đó không xa, nhà thầu cũng tập trung thi công đường trục xã lên nhà máy nước. Toàn xã tập trung rà soát, chuẩn bị thi công mới 1,6 km đường bê tông xi măng, 0,31 km kênh mương nội đồng, rải thảm carbon hơn 4,6 km. Tại thôn Vĩnh Phú - quê hương Anh hùng Phan Đình Giót, địa phương cũng đang dồn sức để xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng xã Cẩm Quan.

Ông Phạm Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan cho biết: “Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, xã Cẩm Quan sẽ sáp nhập với thị trấn Cẩm Xuyên và xã Cẩm Quang để hình thành đơn vị hành chính mới, lấy tên là xã Cẩm Xuyên. Xã mới có diện tích 82,98 km2, dân số 33.977 người, quy mô gấp 1,5 lần so với quy định của Trung ương. Bởi vậy, sau sáp nhập, quê hương Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót sẽ rộng lớn hơn, tạo không gian phát triển KT-XH và nâng cao đời sống cho Nhân dân. Hiện nay, địa phương đang triển khai rà soát các văn bản, niêm yết để thực hiện bàn giao khi có quyết định sáp nhập”.

Đường lớn đã mở, tin tưởng rằng, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với tinh thần đồng lòng, quyết tâm cao của Nhân dân và khí thế vùng quê cách mạng, xã Cẩm Quan sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng là quê hương của Anh hùng “lấp lỗ châu mai” Phan Đình Giót.

Chủ đề 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Chủ đề 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói