Thanh long ruột đỏ dễ trồng, dễ bán

(Baohatinh.vn) - Dịp tháng 4 tới tháng 10 âm lịch cũng là lúc sắc hồng của những vườn thanh long ruột đỏ “nhuộm” kín cánh đồng xanh. Trên các nẻo đường, bao chuyến xe tất bật chở trái ngọt đi muôn nơi. Sức hấp dẫn từ hương vị ngọt thanh, thơm mát của “đặc sản” vùng đất đồi Ngọc Sơn (Thạch Hà) khiến người ta dẫu mới chỉ một lần thưởng thức cũng không thể nào quên.

Năm nay, bà con càng phấn khởi khi thanh long cho ra những lứa quả đều và đẹp dù điều kiện thời tiết không thuận lợi. Không chỉ thương lái nhỏ lẻ trên địa bàn mà các nhà buôn từ TP Hà Tĩnh đều tìm về tận vườn để mua được thanh long “chính hãng”.

thanh long ruot do de trong de ban

Vườn thanh long ruột đỏ của anh Lê Đăng Hưng ở xã Ngọc Sơn (Thạch Hà)

Vừa nhanh tay thu hoạch thanh long, anh Lê Đăng Hưng (thôn Trung Tâm, xã Ngọc Sơn) - Giám đốc HTX Hưng Thịnh - người có công đưa loại quả mang tên “rồng xanh” về với đất Hà Tĩnh chia sẻ: “Tính đến thời điểm này, khu vườn rộng 2,5 ha của HTX đã cho thu hoạch hơn 1 tấn. Tuy nhiên, năm nay, do điều kiện thời tiết mưa nhiều nên trọng lượng quả có giảm (từ 0,4 -0,5 kg). Thanh long ruột đỏ có mức giá khởi điểm tại vườn từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi đó, tại các chợ, giá bán được nâng lên gần 60.000 đồng/kg”.

Thanh long ruột đỏ có hương vị ngọt thanh, đậm, mát nên được rất nhiều khách hàng ưa thích. Gần 1.200 trụ thanh long của HTX mỗi năm thu hoạch hơn 20 tấn, với tổng thu nhập gần 300 triệu đồng. Nhờ đó, 7 thành viên trong HTX có thu nhập dao động từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi cây thanh long ruột đỏ cho thu hoạch khoảng 10-12 kg quả, mỗi vụ kéo dài từ tháng 4 đến hết tháng 10 âm lịch và cứ 25 ngày lại cho một đợt thu hoạch.

Không chỉ vậy, thanh long ruột đỏ được đánh giá khá “dễ tính”. Ngoài yếu tố phù hợp với mọi vùng đất, đây cũng là loại cây có tuổi đời kéo dài tới 20 năm, chịu hạn tốt, sạch sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc khi chỉ cần tưới tiêu với chu kỳ 15 ngày/lần. Với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg (đối với quả nhỏ), 50.000 đồng/kg (đối với 3 quả/kg), một sào thanh long ruột đỏ cho thu nhập gần 20 triệu đồng, giá trị thu nhập gấp 3-4 lần các loại cây nông nghiệp khác. Theo tính toán, nếu cây sinh trưởng và phát triển tốt, sẽ cho năng suất và giá trị kinh tế tăng dần trong các năm tiếp theo.

Tiếp nối những thành công của mô hình thanh long ruột đỏ tại Ngọc Sơn, loại cây này đã mở rộng “tầm phủ sóng” ra các vùng lân cận khác của huyện Thạch Hà như: Thạch Ngọc (0,8 ha), Phù Việt (0,5 ha), Thạch Văn (2 ha)…, trở thành điểm nhấn trong lộ trình phát triển kinh tế vườn đồi của địa phương. Đặc biệt, mảnh đất vùng cao Hương Sơn còn ghi nhận tên tuổi của “vua thanh long” Nguyễn Tiến Dũng (xóm 7, xã Sơn Tây - Hương Sơn).

“1 ha thanh long với 1.000 gốc của gia đình tôi mỗi năm cho thu hoạch hơn chục tấn, tương đương 300 triệu đồng. Do thị trường đầu ra nhỏ lẻ nên giá thành sản phẩm ở mức 30 ngàn đồng/kg (giá buôn), cao nhất chỉ lên tới 45 ngàn đồng/kg. So với các loại cây ăn quả khác, trồng thanh long ruột đỏ khá “lãi” bởi chỉ sau 2 năm đã thu hồi được vốn. Ngoài 4 trại vệ tinh hiện tại (mỗi trại 1 ha - P.V), sắp tới, tôi tiếp tục nhân rộng mô hình tại các trại trên địa bàn” - anh Dũng cho hay.

Khi “cơn sốt” thanh long ruột đỏ dần len lỏi khắp những khu vườn đồi, nuôi ý chí làm giàu cho người nông dân, cũng là lúc khát khao được nhân rộng mô hình trong anh Lê Đăng Hưng (xã Ngọc Sơn, Thạch Hà) ngày càng lớn. Anh Lê Đăng Hưng bày tỏ: “Tôi mong muốn mở rộng thêm 4 ha cho thanh long sinh sôi nảy nở; có như vậy, giấc mơ trở thành “vựa” thanh long ruột đỏ cung ứng cho các siêu thị lớn từ Thanh Hóa tới Quảng Bình mới thành hiện thực. Song, ngoài 2 ha đất được Sở KH&CN hỗ trợ, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là quỹ đất của xã đang hạn hẹp. Chính vì vậy, rất mong các cấp, ngành tạo điều kiện để tôi sớm có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ, giúp kinh tế địa phương phát triển ổn định, bền vững”.

Mùa thanh long ruột đỏ tới, hàng trăm lượt xe từ xa tới lần lượt về “mua tận gốc”. Về vùng đất đồi Hương Sơn, Thạch Hà vào mùa thanh long, ai cũng mang bên mình một vài túi làm quà cho người thân. Dư vị trái ngọt đã đi vào đời sống thường nhật bắt đầu từ những vùng đất chắt chiu cho bao mùa thanh long trĩu quả.

Chủ đề Cây trồng - Mùa vụ

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.