67,18 là điểm số cao nhất của Hà Tĩnh đạt được trong 6 năm gần đây (2017 - 2022).
Thoát khỏi vùng “an toàn”
PCI 2022 được tiến hành khảo sát trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong và ngoài nước như căng thẳng Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính – ngân hàng, lạm phát tăng cao và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đó, Hà Tĩnh đã có sự vươn lên từ vị trí thứ 27 năm 2021 lên vị trí thứ 18 năm 2022; xếp thứ 2 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, sau Thừa Thiên Huế. Đây là vị trí cao nhất của Hà Tĩnh đạt được trong 6 năm trở lại đây (2017-2022), cũng là năm tỉnh ta thoát khỏi vùng “an toàn” sau 4 năm liên tục duy trì ở vị trí thứ 27 - 21.
Điểm số PCI của Hà Tĩnh ghi nhận tăng 2,31 điểm, từ 64,87 lên 67,18. Trong đó, có 4 chỉ số thành phần tăng điểm: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý. Riêng thiết chế pháp lý là chỉ số có sự cải thiện đáng kể nhất khi đạt 8,08 điểm (tăng 1,32 điểm so với năm 2021), đứng thứ 8 toàn quốc.
Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Tĩnh ngày càng được đầu tư về hạ tầng, nâng cao chất lượng về nhân lực và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chỉ số này thể hiện lòng tin của doanh nghiệp đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh; các thiết chế pháp lý để giải quyết bất đồng, tranh chấp phát sinh trong thực tiễn hoặc khiếu nại, tố cáo các hành vi sai phạm, nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương đang có những chuyển biến tích cực.
Năm 2022 cũng là lần đầu tiên chỉ số “Xanh cấp tỉnh” (PGI) được giới thiệu và công bố. Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Theo kết quả năm đầu tiên, Hà Tĩnh xếp thứ 23 với 15,14 điểm (tính theo thang điểm 40).
Thiết chế pháp lý là chỉ số có sự cải thiện đáng kể nhất của Hà Tĩnh khi đạt 8,08 điểm, tăng 1,32 điểm so với năm 2021. Theo pcivietnam
Ông Nguyễn Tiến Trình - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho biết: “Đây là lần đầu tiên chỉ số PGI được giới thiệu và công bố, Hà Tĩnh nằm ở top khá của cả nước, chứng tỏ hướng đi đúng đắn của tỉnh nhà.
Chúng tôi kỳ vọng chính những chính sách của địa phương nhằm hoàn thiện theo chỉ số này sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bền vững; lựa chọn được các nhà đầu tư, doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường”.
Formosa Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc các cam kết về bảo vệ môi trường để xây dựng một nhà máy xanh, sạch, thân thiện và bền vững trong sản xuất.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Qua việc phân tích các chỉ số thành phần trong chỉ số PCI của Hà Tĩnh, có thể nhận thấy môi trường đầu tư của tỉnh đã có những cải thiện trên nhiều mặt như: sự năng động của chính quyền, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh, cải cách hành chính, môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng...
Điều này cũng đã thể hiện được quyết tâm trong nâng cao chỉ số PCI và hiệu quả của các giải pháp đã được tỉnh triển khai trong thời gian qua.
Hà Tĩnh tập trung xây dựng Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics.
Tuy nhiên, theo đánh giá trong báo cáo CPI năm 2022, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp được phản ánh như, chất lượng thực thi chính sách ở cấp sở ngành và cấp huyện còn nhiều không gian để cải thiện: 45,2% doanh nghiệp đánh giá các sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố; 49% doanh nghiệp báo cáo gặp gặp vướng mắc với khâu quyết toán thuế; 60,81% doanh nghiệp gặp khó trong khi thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với các doanh nghiệp bên lề hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh và doanh nghiệp dịp 13/10/2022 sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19
Nhằm tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian tới, Hà Tĩnh cần tiếp tục kiên trì thực hiện những giải pháp cụ thể; đặc biệt, cần cải thiện các chỉ số thành phần còn thấp như: gia nhập thị trường, tính năng động, tính minh bạch...
Hiện nay, Hà Tĩnh đang tích cực triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã (DDCI), đây được xem là bộ PCI "thu nhỏ” do tỉnh xây dựng một cách bài bản.
Xếp hạng và điểm số chỉ số DDCI 2020-2021 khối địa phương.
Kết quả DDCI là cơ hội để các ngành, địa phương “tự soi” và “tự sửa”, chỉ số nào chưa tốt thì phải nghiêm túc nhìn nhận lại để cải thiện, khắc phục trong thời gian tới. Mục tiêu cũng chính là cải thiện sức cạnh tranh và thứ hạng của từng địa phương, đơn vị, qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thực tiễn cũng cho thấy, Hà Tĩnh cũng đang có nhiều động thái tích cực, quyết liệt để nâng cao lòng tin của doanh nghiệp đối với chính sách của tỉnh như: tổ chức hội nghị đối thoại, các cuộc xúc tiến đầu tư, gặp gỡ doanh nghiệp; tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đầu tư qua internet; tham gia nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư cấp cao trong nước, khu vực… nhằm chia sẻ, trao đổi giữa chính quyền và doanh nghiệp. Điều này mang lại hiệu quả tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc quan tâm tìm hiểu thông tin tại gian hàng Hà Tĩnh trong Hội chợ Vietnam Expo 2023.
Ông Trần Nguyễn Huỳnh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh cho biết: “Mặc dù tăng về điểm số và thứ hạng, PCI Hà Tĩnh vẫn còn nhiều điểm để cải thiện và cần được phân tích, đánh giá cụ thể hơn để đưa ra các giải pháp rõ ràng hơn nữa.
Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 (sau Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là tiền đề quan trọng để các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng định hướng rõ ràng hơn, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp từ đó nâng cao thứ hạng, chất lượng chỉ số PCI”.
Đồ họa: Lê Công Ngọc