Ảnh minh họa: AFP
Mỹ liệt quân đội Iran vào danh sách tổ chức khủng bố: Ngày 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nước này đã liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố.
Đây là lần đầu tiên Washington chính thức coi lực lượng quân đội của một quốc gia khác là tổ chức khủng bố, động thái bị cho là sẽ làm phức tạp thêm tình hình Trung Đông. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết quyết định này sẽ có hiệu lực trong vòng 1 tuần tới.
Hiện IRGC là tổ chức an ninh quyền lực nhất ở Iran hiện nay, đồng thời có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống chính trị cũng như kinh tế nước này.
Trong một diễn biến khác, tại Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 8/4, các Ngoại trưởng EU đã quyết định gia hạn thêm 1 năm lệnh cấm vận đối với Iran tới ngày 13/4/2020 do "những vi phạm nghiêm trọng của nước này về nhân quyền."
Lệnh cấm vận này được EU đưa ra từ năm 2011 nhằm nghiêm cấm mọi hoạt động xuất khẩu vào Iran “các trang thiết bị có thể được sử dụng vào mục đích trấn áp nội bộ” và các thiết bị giám sát viễn thông.
Lệnh cấm cũng nhằm vào 82 nhân vật, đặc biệt là các thành viên của lực lượng IRGC và một đơn vị cảnh sát Iran chuyên trách về tội phạm mạng.
Ửng cử viên đảng “Người phục vụ nhân dân” Vladimir Zelensky. (Ảnh: AFP)
Ukraine chính thức công bố kết quả bầu cử Tổng thống vòng 1: Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine ngày 7/4 đã công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine diễn ra hôm 31/3 vừa qua.
Kết quả chính thức như sau: ứng cử viên đảng “Người phục vụ nhân dân” Vladimir Zelensky nhận được 30,24% phiếu bầu trong khi Tổng thống đương nhiệm Ukraine Petro Poroshenko về thứ 2 với 15,95% số phiếu. Số cử tri đi bỏ phiếu đạt 62,8%.
Kết quả chính thức được cho là trùng với kết quả sơ bộ công bố ngày 4/4 vừa qua, theo đó, ông Zelensky giành được số phiếu ủng hộ nhiều gấp đôi, so với Tổng thống Poroshenko. Theo luật pháp Ukraine, nếu không có ứng cử viên nào giành được hơn 50% số phiếu ủng hộ trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, vòng 2 cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 21/4 tới. Với kết quả trên, hai ứng cử viên đều có quyền vận động chiến dịch tranh cử cho vòng 2.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ từ chức: Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen hôm 7/4 cho biết, bà sẽ rời nhiệm sở ngay lập tức.
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã xác nhận việc từ chức của bà Nielsen, đồng thời cám ơn sự phục vụ của bà Nielsen trong thời gian qua.
Trong 1 dòng tweet khác, Tổng thống Mỹ cho biết thêm, ông Kevin McAleenan - người đứng đầu Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, sẽ trở thành Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa.
Bà Nielsen, năm nay 46 tuổi, giữ cương vị Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ từ tháng 12/2017. Bà là người chịu trách nhiệm về việc thực thi chính sách chống người di cư của chính quyền Tổng thống Trump, như việc chia tách trẻ em di cư với bố mẹ. Hồi tháng trước, bà cũng bảo vệ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đảm bảo ngân sách cho việc xây dựng bức tường an ninh ở khu vực biên giới với Mexico.
Người biểu tình "Áo vàng" tập trung tại thủ đô Paris, Pháp. (Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN)
Thủ tướng Pháp kêu gọi cắt giảm thuế để đối phó với làn sóng biểu tình: Chính phủ Pháp cần thực thi các biện pháp cắt giảm thuế táo bạo là lời kêu gọi của Thủ tướng Edouard Philippe đưa ra ngày 8/4, sau khi các cuộc tranh luận được tiến hành trên cả nước trong bối cảnh làn sóng biểu tình của phong trào "Áo vàng" làm chao đảo chính quyền trong nhiều tuần qua.
Các cuộc biểu tình của lực lượng "Áo vàng" bùng phát vào trung tuần tháng 11/2018, ban đầu với mục đích là phản đối tăng thuế nhiên liệu nhưng sau đó đã biến thành làn sóng phản đối các chính sách của Tổng thống Macron. Ông Macron lên nắm quyền điều hành nước Pháp hồi tháng 5/2017 với cam kết thực hiện các biện pháp cải cách có lợi cho doanh nghiệp cũng như đã chú trọng cắt giảm thuế đối với các công ty và người lao động có thu nhập cao trong nỗ lực tăng đầu tư và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Dự kiến, Tổng thống Macron sẽ công bố các chính sách mới trong bài diễn văn vào giữa tháng này.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Pháp là nước có mức thuế cao nhất trong số các quốc gia phát triển.
Cựu chủ tịch Nissan - Carlos Ghosn. (Ảnh: Reuters)
Cổ đông tập đoàn Nissan loại ông C.Ghosn khỏi ban quản trị: Trong cuộc họp bất thường ngày 8/4, các cổ đông của hãng chế tạo ôtô Nissan đã nhất trí loại ông Carlos Ghosn, cựu chủ tịch liên minh gồm Nissan và các đối tác Renault và Mitsubishi, khỏi ban quản trị.
Cũng tại cuộc họp kéo dài khoảng 3 giờ tại một khách sạn ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản), hơn 4.200 cổ đông cũng đã nhất trí loại ông Greg Kelly, từng là "cánh tay phải" đắc lực của ông Ghosn, khỏi ban quản trị, đồng thời nhất trí bổ nhiệm Chủ tịch Renault Jean-Dominique Senard thay thế vị trí của ông Ghosn trong hội đồng quản trị của Nissan. Hiện Renault đang kiểm soát 43% cổ phần tại Nissan.
Trước đó, Giám đốc điều hành Hiroto Saikawa và các lãnh đạo của tập đoàn Nissan đã xin lỗi hàng nghìn cổ đông vì vụ bê bối xảy ra tại Nissan. Ông Saikawa cũng đã có bài phát biểu nêu rõ những cáo buộc mà ông Ghosn đang phải đối mặt, trong đó có việc lạm dụng các quỹ của tập đoàn cũng như tìm cách che giấu các khoản bồi thường. Giám đốc điều hành Nissan thừa nhận "có vấn đề nghiêm trọng" trong công tác quản trị của công ty.