Thế giới ngày qua: Triều Tiên phát hành tem đánh dấu 1 năm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

(Baohatinh.vn) - Triều Tiên phát hành tem đánh dấu 1 năm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều; Sắp xét xử dựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir... là những thông tin nổi bật trên thế giới trong ngày 16/6 được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Triều Tiên phát hành tem đánh dấu 1 năm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều: Trong thông báo ngày 15/6, công ty lữ hành Koryo Tours chuyên tổ chức tour du lịch tới Triều Tiên, cho biết công ty phát hành tem Chosun của Triều Tiên ngày 12/6 vừa qua đã phát hành 10.000 con tem tựa đề “Hội đàm và gặp gỡ lần đầu tiên trong lịch sử giữa nguyên thủ hai nước Triều-Mỹ.”

Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên Triều Tiên thiết kế đồ lưu niệm liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong-un, diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 năm ngoái.

Theo Koryo Tours, bộ tem này gồm có 3 loại khác nhau, trong đó có loại tem có in toàn văn nội dung Tuyên bố chung 12/6 với giá 50 won (0,06 USD), loại tem in hình ảnh cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump có giá 200 won (0,22 USD) và loại tem in hình nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký Tuyên bố chung có giá 200 won.

Koryo tour cho biết thêm, tem được bán tại Bảo tàng Tem Chosun ở thành phố Bình Nhưỡng với giá 4,5 USD/ chiếc.

Ông Omar al-Bashir tại phiên họp nội các ở thủ đô Khartoum, Sudan ngày 14/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sắp xét xử cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir: Công tố viên trưởng của Sudan, ông Al-Waleed Sayyed Ahmed, ngày 15/6 cho biết Tổng thống bị phế truất Omar al-Bashir sẽ bị đưa ra xét xử trong tuần này với các cáo buộc tham nhũng và tàng trữ ngoại tệ bất hợp pháp. Thời điểm diễn ra phiên tòa chưa được công bố cụ thể.

Quyết định của cơ quan tư pháp Sudan được đưa ra hơn 2 tháng kể từ khi ông al-Bashir bị quân đội lật đổ sau một loạt cuộc biểu tình rầm rộ trên cả nước phản đối ông và chính phủ theo đường lối cứng rắn của ông.

Theo Tướng Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp, cơ quan chức năng đã thu giữ tổng số tiền trị giá hơn 113 triệu USD trong tư dinh của Tổng thống al-Bashir, bao gồm 7 triệu euro, 350.000 USD và 5 tỷ bảng Sudan.

Hiện, ông al-Bashir đang bị giam giữ tại nhà tù Kober ở thủ đô Khartoum. Dưới thời kỳ cầm quyền của ông al-Bashir từ năm 1989 đến đầu năm nay, Sudan là một trong những quốc gia có chỉ số tham nhũng cao nhất thế giới.

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Mudra, cách Ahmedabad của Ấn Độ 400km. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu đối với 29 mặt hàng của Mỹ: Tờ Economic Times số ra ngày 15/6 dẫn lời một quan chức Ấn Độ cho biết sẽ không có thêm bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc áp thuế trả đũa đối với Mỹ, theo đó, các mức thuế quan mới sẽ có hiệu lực từ ngày 16/6. Trong khi đó, hãng thông tấn Press Trust cho biết Bộ Tài chính Ấn Độ sẽ sớm đưa ra thông báo chính thức, mặc dù nước này đã thông báo quyết định của mình tới phía Mỹ.

Trước đó, tháng 6/2018, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa của Mỹ, trong đó có hạt hạnh nhân và táo. Động thái này được cho là nhằm đáp trả việc Washington từ chối miễn trừ New Delhi khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm. Tuy nhiên, Ấn Độ đã nhiều lần trì hoãn việc tăng thuế đối với Mỹ vì các cuộc đàm phán giữa hai nước đã làm dấy lên hy vọng về một giải pháp.

Mặc dù vậy, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) kể từ ngày 5/6 dường như đã châm ngòi cho động thái mới nhất của New Delhi.

Khói lửa bốc ngùn ngụt trên tàu chở dầu được cho là bị tấn công ngoài khơi vùng Vịnh Oman ngày 13/6/2019 (do Hãng tin Iran ISNA đăng phát). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai tàu chở dầu bị tấn công cập bến UAE để đánh giá mức độ hư hỏng: Ngày 16/6, hai tàu chở dầu Front Altair của Na Uy và Kokuka Courageous của Nhật Bản vừa bị tấn công tại Vịnh Oman đã cập bến an toàn ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Hai tàu này sẽ được đánh giá mức độ hư hỏng trước khi hàng hóa được bốc dỡ.

Việc đánh giá mức độ thiệt hại của hai tàu sẽ được bắt đầu sau khi nhà chức trách ở Sharjah, một trong 7 tiểu vương quốc của UAE, hoàn tất công tác kiểm tra an ninh.

Hiện Mỹ và Iran vẫn đổ lỗi cho nhau quanh vụ tấn công hai tàu chở dầu tại vùng Vịnh cho dù Chủ tịch Công ty vận tải Kokuka Sangyo của Nhật Bản hôm 14/6 cho rằng "vật thể bay" tấn công tàu chở dầu Kokuka Courageous ở Vịnh Oman. Ông Yutaka Katada cũng bác bỏ khả năng con tàu bị ngư lôi tấn công vì: "Hư hại nằm ở phía trên mặt nước biển. Nếu là ngư lôi thì nó sẽ phải nằm dưới mặt nước".

Các xe container rác bị gửi trả lại. (Ảnh: NAWACITA)

Tiếp bước các quốc gia ASEAN, Indonesia trả lại rác thải cho Mỹ: Cuối tuần qua, Indonesia đã tiếp bước các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Philipines, Thái Lan và Việt Nam, trả lại một lượng rác thải nhập khẩu lớn cho các nước phương Tây.

Theo các nhà chức trách Indonesia, 5 container rác mà họ trả lại cho Mỹ bên trong chứa đầy chai nhựa và cả tã trẻ em, thay vì chỉ chứa giấy tái chế theo tờ khai hải quan. Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, ông Sayid Muhadhar cho biết, nước này đã niêm phong toàn bộ số container rác thải nhập từ Bắc Mỹ và châu Âu để kiểm định và tuyên bố Indonesia “không phải là bãi rác”.

Năm ngoái, Việt Nam đã tạm ngưng cấp mới giấy phép nhập khẩu rác thải, trong khi Thái Lan đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa. Vào tháng trước, Philippines đã trả lại 69 container rác cho Canada sau căng thẳng ngoại giao kéo dài giữa hai nước liên quan đến rác thải. Gần đây nhất, Malaysia cũng tuyên bố sẽ trả lại hàng trăm tấn rác thải về lại nơi chúng đến.

Làn sóng trả lại rác thải nhập khẩu dấy lên sau khi Trung Quốc đóng cửa không nhận rác khiến cho các nước phương Tây vốn thiếu năng lực tái chế rác thải đổ xô vào thị trường mới ở khu vực Đông Nam Á.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói