Thế giới nổi bật trong tuần: Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6; .Indonesia tham gia điều tra vụ tai nạn máy bay Ethiopia.. là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 31/3 - 6/4/2019) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới nổi bật trong tuần: Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6

Ảnh minh họa: Expat

Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6: Thủ tướng Anh Theresa May ngày 5/4 gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, đề nghị châu Âu gia hạn Brexit thêm một lần nữa đến ngày 30/6/2019.

Trong lá thư, bà May cho biết chính sách nhất quán của chính phủ Anh vẫn là đưa nước Anh rời khỏi EU một cách có trật tự, tuy nhiên do Hạ viện Anh liên tiếp bác bỏ thảo thuận Brexit cũng như các giải pháp thay thế khác nên chính phủ của bà đề nghị Liên minh châu Âu đồng ý một sự gia hạn mới với Brexit, đến ngày 30/6/2019.

Đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6/2019 lần này giống hệt với đề nghị đầu tiên mà bà May đưa ra về việc tạm hoãn Brexit. Tuy nhiên, khi đó EU đã không đồng ý với mốc 30/6/2019 mà đưa ra cho phía Anh hai lựa chọn: hoặc phê chuẩn thoả thuận Brexit và được hoãn Brexit đến ngày 22/5/2019 hoặc sẽ phải rời EU vào ngày 12/4 mà không có thỏa thuận.

Đáp lại lời đề nghị mới từ nữ Thủ tướng Anh, nguồn tin phát đi từ Brussels cho biết Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vào tuần tới sẽ đệ trình lên các nhà lãnh đạo 27 nước EU kịch bản tạm hoãn Brexit trong vòng 1 năm, dài hơn nhiều so với đề nghị từ phía Anh. Theo kế hoạch, ngày 10/4 tới sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU để đưa ra quyết định mới về Brexit.

Thế giới nổi bật trong tuần: Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6

Một bộ phận của máy bay Boeing 737 MAX thuộc Hãng hàng không Ethiopian Airlines tại hiện trường vụ tai nạn gần thủ đô Addis Ababa, ngày 11/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Indonesia tham gia điều tra vụ tai nạn máy bay Ethiopia: Indonesia hôm 5/4 thông báo sẽ cử hai điều tra viên tới Ethiopia hỗ trợ công tác điều tra vụ tai nạn thảm khốc của hãng hàng không Ethiopia Airlines hôm 12/3 vừa qua khiến 157 người thiệt mạng và trao đổi dữ liệu về hai vụ tai nạn liên quan đến máy bay Boeing 737 MAX.

Hồi tháng 10 năm ngoái, máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) cũng gặp nạn sau ít phút cất cánh.

Thông báo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (KNKT) cho biết nhiệm vụ của hai điều tra viên nước này là hỗ trợ điều tra và xem xét dữ liệu để đánh giá sự tương đồng cũng như so sánh những điểm khác biệt trong hai vụ tai nạn.

Trước đó, trong báo cáo điều tra sơ bộ về vụ tai nạn máy bay Ethiopia công bố ngày 4/4, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ethiopia Dagmawit Moges cho biết các phi công lái máy bay gặp nạn đã tuân thủ đúng theo quy trình hướng dẫn do hãng sản xuất máy bay Boeing cung cấp, song vẫn không thể giành quyền kiểm soát để điều khiển máy bay.

Thế giới nổi bật trong tuần: Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6

Thái Lan đã quyết định bầu cử lại tại 6 điểm bầu cử. (Ảnh: AP)

Thái Lan tổ chức bầu cử lại ở 6 khu vực: Theo thông tin từ Uỷ ban bầu cử Thái Lan ngày 4/4, cử tri tại sáu khu vực bầu cử ở Thái Lan, trong đó có hai khu vực tại tỉnh Lampang và một ở thủ đô Bangkok sẽ phải đi bỏ phiếu lại để chọn ra hạ nghị sỹ. Nguyên nhân được Uỷ ban bầu cử nước (EC) này phát đi là do số lượng phiếu bầu không trùng khớp với số lượng cử tri mà không thể tìm ra lý do.

Việc ấn định ngày bầu cử lại sẽ được EC công bố cụ thể sau tết cổ truyền của Thái Lan, tức sau ngày 17/4.

Ngoài 6 khu vực phải bầu cử lại, EC cũng đưa ra quyết định kiểm phiếu lại với 2 khu vực bầu cử thuộc tỉnh Namphong và Khon Kaen. Như vậy, với việc phải bầu cử lại tại 6 khu vực và kiểm phiếu lại tại hai khu vực, nhiều khả năng danh sách hạ nghị sỹ trúng cử đã được công bố hồi cuối tháng 3 sẽ phải thay đổi.

Theo kết quả bầu cử sơ bộ được uỷ ban bầu cử Thái Lan công bố thì đảng Pheu Thai dẫn đầu, tiếp theo là Palang Pracharath về số ghế. Tuy nhiên, về số phiếu thì Palang Pracharath đứng trên Pheu Thai. Hiện tại, cả hai đảng đều tuyên bố sẽ giành quyền đứng ra kêu gọi liên minh để qua đó thành lập chính phủ.

Thế giới nổi bật trong tuần: Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6

Ông Juan Guaido. (Ảnh: Reuters)

Quốc hội lập hiến Venezuela tước quyền miễn trừ của “Tổng thống tự phong”: Quốc hội lập hiến Venezuela ủng hộ đề nghị của Tòa án Công lý Tối cao về việc tước quyền miễn trừ đối với ông Juan Guaido, mở đường cho việc truy tố nhà lãnh đạo phe đối lập được Mỹ ủng hộ này.

Quyết định tước quyền miễn trừ đối với ông Guaido – lãnh đạo phe đối lập đang kiểm soát Quốc hội – được đưa ra chỉ 1 ngày say khi Tòa án Công lý tối cao kêu gọi các nghị sỹ Quốc hội lập hiến có hành động đối với “Tổng thống tự phong”, do ông Guaido bị cáo buộc kích động bạo lực và có liên quan tới hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Việc mất quyền miễn trừ đồng nghĩa với việc ông Guaido có thể bị truy tố hình sự.

Ông Juan Guaido hiện là Chủ tịch Quốc hội Venezuela và được hưởng quyền miễn trừ truy tố đối với nghị sĩ theo luật định. Sau khi phe đối lập giành quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2017, những người ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã thành lập Quốc hội lập hiến nhằm vô hiệu hóa quyền lực của Quốc hội.

Thế giới nổi bật trong tuần: Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak. (Ảnh: CFR)

Malaysia mở phiên tòa đầu tiên xét xử cựu Thủ tướng Najib Razak: Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 3/4, Malaysia đã mở phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Najib Razak với các cáo buộc tham nhũng liên quan đến vụ bê bối Quỹ Đầu tư nhà nước 1Malaysia (1 MDB).

Trong phiên xét xử đầu tiên này, cựu Thủ tướng Najib phải đối mặt với 7 cáo buộc, gồm lợi dụng tín nhiệm, tham nhũng và rửa tiền, vốn được cho là giúp ông "bỏ túi" 42 triệu ringgit (khoảng 10,3 triệu USD).

Ngay sau khi bắt đầu phiên xét xử, cựu Thủ tướng Najib đã bác bỏ mọi cáo buộc trên.

Ban đầu phiên tòa này dự kiến diễn ra vào ngày 12/2 vừa qua, song đã bị hoãn lại theo đề nghị của các luật sư bào chữa.

Phiên tòa xét xử diễn ra gần 1 năm sau khi ông Najib thất bại trong cuộc tổng tuyển cử, vốn đưa cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, 93 tuổi, trở lại nắm quyền.

Thế giới nổi bật trong tuần: Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Ảnh: Al Jazeera)

Thủ tướng Hy Lạp có chuyến thăm lịch sử tới Bắc Macedonia: Ngày 2/4/2019, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tới Skopje trong chuyến thăm lịch sử tới CH Bắc Macedonia, trước đây là Macedonia, để tham dự buổi lễ đánh dấu chấm dứt tranh cãi về tên gọi kéo dài hàng thập kỷ qua giữa hai quốc gia láng giềng.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Hy Lạp tới Bắc Macedonia kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập vào năm 1991, khởi đầu cho cuộc tranh cãi về tên gọi khiến các mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước xấu đi trong gần 3 thập kỷ qua.

Chuyến thăm diễn ra một tháng sau khi Thủ tướng Tsipras và người đồng cấp Zoran Zaev hoàn tất thỏa thuận đổi tên, theo đó thêm chữ "Bắc" vào quốc hiệu của Macedonia để phân biệt với một tỉnh ở Hy Lạp. Sau khi đạt được thỏa thuận trên vào tháng 6/2018, hai nước cam kết thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế song phương.

Thế giới nổi bật trong tuần: Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6

Đoàn Thị Hương tươi cười rời tòa án sau khi được hủy tội giết người. (Ảnh: AFP)

Đoàn Thị Hương sẽ được trả tự do trong tuần đầu của tháng 5: Theo hãng AFP, Salim Bashir, luật sư của Đoàn Thị Hương ngày 1/4 cho biết, nữ bị cáo này sẽ được trả tự do trong tháng 5 tới.

Luật sư Bashir nêu rõ: "Trong tuần đầu tiên của tháng 5 Đoàn Thị Hương có thể về nhà".

Theo NST, mức án được áp dụng từ ngày Hương bị bắt vào tháng 2/2017. Theo hệ thống luật pháp Malaysia, các mức án thường được áp dụng giảm nhẹ, đồng nghĩa với việc nhiều khả năng Hương sẽ được trả tự do vào tháng 5 tới.

Trước đó, sáng cùng ngày, Thẩm phán Azmi Ariffin của Tòa Thượng thẩm Shah Alam ở bang Selangor của Malaysia, đã tuyên mức án 3 năm và 4 tháng tù giam đối với Đoàn Thị Hương, bị cáo bị tình nghi ám sát công dân Triều Tiên có tên Kim Jong-nam, được cho là anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đoàn Thị Hương bị cáo buộc tội danh gây thương tích bằng "các phương tiện nguy hiểm," thay vì tội danh giết người. Thẩm phán Ariffin đã chúc mừng Đoàn Thị Hương sau khi tuyên án.

Phát biểu sau khi tòa tuyên án, Đoàn Thị Hương đã gửi lời cảm ơn tới tòa, tới Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia cũng như giới báo chí đã dành sự quan tâm.

Thế giới nổi bật trong tuần: Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phát biểu tại Kiev ngày 7/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chấm dứt hiệu lực Hiệp ước hữu nghị Nga - Ukraine: Kể từ ngày 1/4, Hiệp ước về Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine đã chấm dứt hiệu lực do phía Ukraine không muốn gia hạn.

Theo đó, Ukraine không còn nghĩa vụ thực hiện Hiệp ước và được toàn quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình theo Thỏa thuận ngừng hiệu lực chiểu theo điều 70 Công ước Vienna về các thỏa thuận quốc tế.

Cuối tháng 9 năm ngoái, chính quyền Ukraine chính thức thông báo cho phía Nga về ý định rút khỏi hiệp ước hữu nghị. Sau đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký ban hành luật về việc ngừng hiệu lực trên, theo đó luật có hiệu lực từ ngày 12/12/2018.

Hiệp ước về Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine được ký ngày 31/5/1997 tại Kiev và có hiệu lực trong 10 năm, sau đó sẽ tự động được gia hạn nếu hai bên không phản đối. Năm 2019 là thời hạn để Hiệp ước được gia hạn lần thứ hai, song phía Ukraine đã ra luật chấm dứt hiệu lực văn kiện này.

Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác, công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau. Ngoài ra, Ukraine còn chấm dứt hiệu lực của 40 văn kiện khác ký với LB Nga.

Thế giới nổi bật trong tuần: Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6

Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga giơ tấm biển viết chữ "Reiwa", niên hiệu triều đại mới của Nhật Bản, tại văn phòng thủ tướng sáng 1/4 ở Tokyo. (Ảnh: Reuters)

Chính thức thông báo Niên hiệu mới cho thời kỳ mới của Nhật Bản: Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản đã chính thức thông báo niên hiệu mới của Nhật Bản là Lệnh Hòa (Reiwa).

Niên hiệu mới này sẽ chính thức bắt đầu từ sau ngày 30/4, khi Thiên Hoàng Akihito chính thức thoái vị và Hoàng Thái tử Naruhito đăng quang vào ngày 1/5.

Niên hiệu Nhật Bản là kết quả của một hệ thống hóa thời kỳ lịch sử do chính Thiên hoàng Kotoku thiết lập vào năm 645. Hệ thống niên hiệu của nước này vốn được coi là bất thường cho đến khi bắt đầu bước vào thế kỷ thứ 8. Chỉ từ sau năm 701 niên hiệu mới tuần tự phát triển mà không bị gián đoạn trong suốt mấy thế kỷ.

Tại Nhật Bản hiện nay, năm có thể được đánh số bằng niên hiệu của Thiên Hoàng tại vị. Niên hiệu lâu dài nhất của Nhật Bản là Chiêu Hòa (64 năm) của Thiên hoàng Hirohito (1926-1989). Hiện tại niên hiệu của Thiên hoàng Akihito là Bình Thành (Heisei).

Thế giới nổi bật trong tuần: Thủ tướng Anh đề nghị gia hạn Brexit đến ngày 30/6

Bà Zuzana Caputova. (Ảnh: Getty)

Slovakia có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử: Ngày 30/3, nữ luật sư Zuzana Caputova đã đánh bại đối thủ Maros Sefcovic, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, với khoảng cách khá cách biệt tại vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Slovakia, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử độc lập của nước này.

Với 98% số phiếu được kiểm, nữ luật sư Caputova, đồng thời cũng là nhà hoạt động môi trường, dành được sự ủng hộ của 58% số cử tri đi bầu, nhiều hơn 16% so với ông Sefcovic, người được đảng Dân chủ xã hội cầm quyền tại Slovakia ủng hộ.

Ngay khi biết tin về kết quả sơ bộ, ông Sefcovic thừa nhận thất bại và chúc mừng bà Caputova sẽ trở thành tổng thống thứ 5 của Slovakia kể từ khi nước Cộng hòa Trung Âu này tách ra khỏi Liên bang Tiệp Khắc cũ gần 3 thập kỷ về trước. Còn bà Caputova cảm ơn cử tri đã gửi gắm niềm tin vào bà và mong rằng xu thế tích cực này sẽ tiếp tục trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 5 năm nay và bầu cử Quốc hội Slovakia năm tới.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới tuần qua

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.