Thế giới tiếp tục ghi nhận những bước tiến lớn trong sản xuất vaccine Covid-19

Nga hôm qua (5/12) đã trở thành quốc gia đầu tiên bắt đầu triển khai tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân.

Cùng với việc một số nước bắt đầu cấp phép lưu hành vaccine, thì đây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, đánh dấu bước tiến lớn trong cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19. Được đánh giá là một trong những cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại, đại dịch Covid-19 tới nay đã khiến gần 67 triệu người mắc bệnh và hơn 1,5 triệu người tử vong trên khắp thế giới.

Thế giới tiếp tục ghi nhận những bước tiến lớn trong sản xuất vaccine Covid-19

Vaccine Sputnik-V của Nga. Ảnh: Prensa Latina

Giới chức y tế thủ đô Moscow của Nga hôm qua bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V cho người dân thông qua hệ thống 70 cơ sở y tế, đánh dấu đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên của nước này nhằm ngăn ngừa bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2.

Bà Natalia Kuzenkova, một quan chức bệnh viện Moscow cho biết: “Chúng tôi đã thu thập đủ các nghiên cứu để hiểu rằng vaccine có hiệu quả lên tới 92%. Chúng ta đang trong đại dịch và chúng tôi muốn bảo vệ người dân khỏi một trong những căn bệnh nguy hiểm. Và nếu có sự lựa chọn giữa ốm đau và tiêm chủng, thì ưu tiên rất rõ ràng”.

Sputnik V, vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa Covid-19 do Trung tâm Gamaleia của Nga phát triển và đã được đăng ký ngày 11/08. Theo lực lượng chuyên trách chống dịch của Moscow, Sputnik V sẽ được ưu tiên cho các bác sĩ, nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên làm công tác xã hội, tức là những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Thống kê cho thấy, trong 5 giờ đầu tiên đã có 5.000 người thuộc các diện này đăng ký tiêm phòng.

Chị Natalia Svecova, làm nghề y tá chia sẻ: “Tôi chưa từng bị mắc Covid-19. Nhưng tôi muốn bảo vệ bản thân và những người thân yêu. Đó là lý do tại sao tôi quyết định đăng ký tiêm phòng. Hiệu quả vaccine sẽ được chứng minh theo thời gian và tôi tin rằng càng nhiều người tiêm vaccine, thì điều này sẽ càng tốt cho sức khỏe của chúng tôi”.

Cùng với việc Nga bắt đầu tiêm đại trà vaccine ngừa Covid-19 cho người dân, cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch trong tuần qua cũng ghi nhận những bước tiến đáng khích lệ. Anh hôm 2/12 và sau đó là Bahrain hôm 4/12 đã trở thành những nước đầu tiên phê duyệt lưu hành vaccine ngừa Covid-19 do liên danh Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế.

Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, các bệnh viện tại nước này đã sẵn sàng tiếp nhận vaccine và Anh sẽ khởi động chương trình tiêm vaccine ngay đầu tuần tới: “Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới có vaccine ngừa Covid-19 được phê duyệt lâm sàng. Và bây giờ nhiệm vụ của chúng tôi là tận dụng thành quả của nỗ lực khoa học này để cứu sống người dân. Anh đã đặt mua tổng cộng 40 triệu liều vaccine đủ để tiêm cho 20 triệu người và lô đầu tiên gồm 800.000 liều sẽ có mặt vào tuần tới. Mục tiêu cao nhất của vaccine là bảo vệ mọi người khỏi Covid-19 và để giúp cuộc sống có thể sớm trở lại bình thường”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 51 vaccine Covid-19 đang được thử nghiệm trên người, 13 trong số này đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn. Trong khi đó, còn khoảng 163 vaccine đang được nghiên cứu và phát triển tại các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, khi vaccine bước vào giai đoạn lưu thông trên thị trường cũng là lúc đặt ra vấn đề khả năng tiếp cận bình đẳng vaccine giữa các nước. Theo thống kê, nhóm các nước giàu đã đặt mua hết khoảng 80% nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 được các hãng dược cho ra thị trường trong thời gian tới, đặt các nước đang phát triển vào thế khó, phải chạy đua để có chỗ đứng trong khoảng 18%-20% thị phần còn lại.

Theo VOV

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.