Xe ô tô đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40 tấn trở lên chịu phí 1,43 triệu đồng/tháng. Ảnh: Đức Minh
Theo quy định của Thông tư 293, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự (gọi chung là xe ô tô) đã đăng ký lưu hành là đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ.
Điểm đáng lưu ý, trước đây quy định có 5 chủng loại xe ô tô được miễn phí sử dụng đường bộ (Xe cứu thương; xe chữa cháy; xe chuyên dùng phục vụ tang; xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng; xe chuyên dùng phục vụ an ninh của các lực lượng công an), nay Thông tư 293 quy định bổ sung thêm 7 loại xe vào diện không phải nộp phí sử dụng đường bộ, bao gồm:
Xe bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai; xe bị tịch thu hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; xe bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên.
Xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên.
Xe ô tô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã như: nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, nông, lâm nghiệp và xe ô tô dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo dạy nghề lái xe.
Xe ô tô đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam nhưng hoạt động tại nước ngoài liên tục từ 30 ngày trở lên.
Xe ô tô bị mất trộm trong thời gian từ 30 ngày trở lên.
Thông tư cũng hướng dẫn rõ về các hồ sơ cần thiết để các trường hợp trên không chịu phí đường bộ.
Thông tư nêu rõ, trường hợp xe ô tô đó đã được nộp phí sử dụng đường bộ, chủ phương tiện sẽ được trả lại số phí đã nộp (áp dụng cho xe ô tô bị hủy hoại; bị tịch thu hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe không tiếp tục lưu hành) hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau (áp dụng đối với xe ô tô vẫn tiếp tục được lưu hành) tương ứng với thời gian không sử dụng đường bộ.
Thông tư 293/2016/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017 và thay thế Thông tư 133/2014/TT-BTC, Thông tư 78/2016/TT-BTC.