Ngày 4/8, phường Kỳ Phương xuất hiện những ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên. Từ đó đến nay, trên địa bàn phường, số ca mắc SXH đã tăng lên 114. Hiện nay, 5/7 tổ dân phố (TDP) có ca mắc SXH, trong đó có 4 ổ dịch.
Bác sỹ thăm khám cho một bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (BVĐK thị xã Kỳ Anh).
Ông Hoàng Văn Thắm - Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Phương cho biết: “Dịch SXH bùng phát trên địa bàn xuất phát từ một trường hợp đi từ TP Hồ Chí Minh về. Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh, trường hợp này lại tự điều trị tại nhà, khiến dịch lây lan rộng. Khi xuất hiện các ca bệnh, chính quyền phường đã tập trung vào cuộc, triển khai khoanh vùng dập dịch song do sự chủ quan của người dân trong công tác vệ sinh môi trường và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch cộng với thời tiết mưa nắng thất thường nên dịch bệnh diễn biến phức tạp”.
Trước đó, tại địa bàn xã Kỳ Nam xuất hiện 2 ổ dịch SXH với 15 ca mắc; trên địa bàn phường Kỳ Liên cũng xuất hiện rải rác một số ca bệnh. Thống kê từ Bệnh viện Đa khoa TX Kỳ Anh, từ đầu tháng 8/2022 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 139 ca mắc SXH. Tại Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện hiện vẫn còn 22 bệnh nhân SXH đang được điều trị.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế làm việc với UBND thị xã và phường Kỳ Phương để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch SXH.
Bác sỹ Lê Thị Nguyệt Linh - phụ trách Khoa Truyền nhiễm (BVĐK thị xã Kỳ Anh) cho biết: “So với năm trước, năm nay, số lượng bệnh nhân mắc SXH vào điều trị đông hơn rất nhiều. Điều đáng lưu ý là đa số các ca mắc khi có các dấu hiệu nặng lên như: nôn nhiều, bứt rứt khó chịu trong người, đau đầu, đau vùng gan… mới đến bệnh viện để điều trị, điều này sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho người bệnh”.
Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, số ca bệnh gia tăng, vừa qua, UBND thị xã Kỳ Anh đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/UBND về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH.
Phường Kỳ Phương ra quân phun thuốc diệt muỗi tại 100% hộ dân trên địa bàn.
UBND thị xã Kỳ Anh đã yêu cầu Trung tâm Y tế thị xã, UBND các xã, phường tập trung triển khai có hiệu quả chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh. Huy động các ngành, đoàn thể và cộng đồng, đặc biệt là lực lượng đoàn thanh niên, xung kích phối hợp ngành y tế triển khai chiến dịch. Trạm y tế các xã, phường tăng cường, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Trung tâm Văn hóa - Thông tin phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch SXH theo khuyến cáo của Bộ Y tế; hướng dẫn các địa phương trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người dân theo quy định.
Người dân lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước không cần thiết để phòng SXH.
Bác sỹ Võ Văn Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh cho biết: “Việc ban hành chỉ thị là một trong những giải pháp quyết liệt của thị xã để khống chế, kiểm soát dịch SXH. Chỉ thị ra đời sẽ giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc đồng bộ của các phòng, ban, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các xã, phường, các thôn, TDP, trường học trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch”.
Nhờ triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch nên cho đến nay, 2 ổ dịch tại xã Kỳ Nam đã được khống chế, các ca bệnh mắc rải rác tại phường Kỳ Liên không bùng phát thành ổ dịch. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn phường Kỳ Phương vẫn đang còn 4 ổ dịch SXH hoạt động nên công tác phòng, chống vẫn đang được ngành y tế thị xã cùng cấp ủy, chính quyền phường triển khai quyết liệt, rốt ráo.
Ngành chuyên môn tuyên truyền người dân tự giác vệ sinh môi trường và phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thị xã, phường đã tổ chức đồng loạt ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy phòng, chống dịch SXH trên địa bàn với sự tham gia của trên 1.200 người. Trong những ngày gần đây, phường tổ chức phun thuốc diệt muỗi ở 100% hộ dân trên địa bàn. Mỗi TDP có 3 tổ phun, mỗi tổ phun gồm 1 người phun thuốc, 1 người đi sau lật úp các vật dụng chứa nước, phế thải, 1 cán bộ trạm y tế pha chế thuốc và 1 cán bộ TDP dẫn đường. Các điều kiện về vật tư, hóa chất, nhân lực đều được UBND phường đảm bảo đầy đủ và vào cuộc với tinh thần quyết liệt nhất để khoanh vùng, dập dịch. Điều lo ngại nhất hiện nay là thời tiết mưa nắng rất thất thường, nguy cơ dịch còn rất lớn nên nếu người dân vẫn không nêu cao ý thức tự giác và còn chủ quan thì công tác phòng, chống dịch sẽ còn khó khăn.