Thiếu kỹ năng, lao động mất cơ hội khi tuyển dụng việc làm

(Baohatinh.vn) - “Để mở cánh cửa vào đời, đừng quên 2 chìa khóa cơ bản: kỹ năng mềm và kiến thức mới”. Đó là lời khuyên của các nhà tuyển dụng đối với sinh viên (SV), những người đang chuẩn bị lựa chọn con đường tương lai của mình.

Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng tại Trường Đại học Hà Tĩnh.

Mất cơ hội

Tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng với tấm bằng loại khá, nhưng ròng rã suốt 2 năm trời, Phan Trọng Vĩnh (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) vẫn chưa tìm được công việc ổn định.

“Mình vừa tham gia đợt tuyển dụng của Vietcombank và hết sức vui mừng khi đạt kết quả khá cao trong vòng thi thứ nhất. Tuy nhiên, bước vào vòng phỏng vấn, mọi thứ hoàn toàn trái ngược. Chứng kiến sự lúng túng của mình trước những câu hỏi mang tính thử thách, nhà tuyển dụng tỏ rõ vẻ thất vọng. Do thiếu kỹ năng mềm nên cơ hội chạm tới ước mơ là hết sức khó khăn…” - Vĩnh trải lòng.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng - hiện là nhân viên bán hàng tại showroom Hyundai Dũng Lạc (Thạch Long, Thạch Hà) cho biết, công việc của anh không yêu cầu nhiều về tiếng Anh, tin học nhưng lại đòi hỏi rất nhiều về kỹ năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng.

“Chỉ đến lúc bước vào công việc, mới vỡ ra mình còn thiếu sót rất lớn về kỹ năng mềm. Chính vì vậy, mình xác định, muốn làm tốt công việc, phải học hỏi từ những đồng nghiệp trong công ty” - anh Hoàng bộc bạch.

Cách đây không lâu, Công ty TNHH Khánh Giang (TX Hồng Lĩnh) mở đợt tuyển dụng với nhu cầu 15 người. Kết thúc vòng phỏng vấn, chỉ có 7 trong số hơn 100 ứng viên đạt yêu cầu. Điều khiến nhà tuyển dụng lắc đầu là hầu hết ứng viên thiếu các kỹ năng như: Ứng xử, tham gia hội thảo, làm việc nhóm, thuyết trình trước đám đông… mặc dù nhiều người trong số họ có bảng điểm rất “đẹp”.

Anh Nguyễn Khắc Tuấn - Trưởng phòng Luật sư An Phát cũng bày tỏ nỗi băn khoăn khi tuyển dụng các vị trí làm việc tại văn phòng: “Đối với nghề luật sư, ngoài phẩm chất đạo đức và khả năng chuyên môn, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải có kỹ năng thuyết trình, phản biện trước đám đông. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không ít SV luật dù có tấm bằng tốt nghiệp loại ưu trong tay nhưng lại tự đánh mất cơ hội bởi thiếu đi những kỹ năng đặc thù”.

Trong 4 yếu tố đánh giá điểm mạnh bản thân (kiến thức, kỹ năng, thái độ, tính cách), thái độ và kỹ năng được xem là “chìa khóa” ghi điểm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, thất bại của SV sau khi ra trường chủ yếu do thiếu định hướng và yếu kỹ năng. Phần lớn SV khi còn ngồi trên ghế nhà trường thường coi trọng trau dồi kiến thức trong sách vở mà vô tình quên lãng việc rèn luyện kỹ năng.

Các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp sinh viên nâng cao kỹ năng mềm.

Hành trang không thể thiếu

“Hãy tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm việc nhóm, đó là cách chứng minh cho các nhà tuyển dụng thấy bạn thực sự là đối tượng họ đang tìm kiếm”, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh đưa ra lời khuyên.

Thời gian qua, Trường Đại học Hà Tĩnh đã cải tiến và xây dựng chương trình đào tạo theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, dựa trên phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn CDIO làm nền tảng cơ sở cho việc cải tiến chương trình đào tạo. Đây được xác định là quy trình đào tạo chuẩn căn cứ đầu ra để thiết kế đầu vào, tăng cường giáo dục năng lực, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng sống.

Nhà trường cũng chủ động giao cho Đoàn thanh niên, Câu lạc bộ SV tổ chức các hoạt động xã hội, các hội thi thu hút đông đảo SV tham gia nhằm tăng cường tính chủ động, gạt đi sự rụt rè khi đứng trước đám đông. Đặc biệt, 34 SV được tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, học thuật tại Thái Lan vào ngày 1/4 vừa qua đã giúp các em có cơ hội trau dồi, thể hiện bản thân để rồi 100% lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, để có kỹ năng mềm tốt, SV phải là người chủ động để luôn tự tin trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Các trường đào tạo nghề trên địa bàn như: Cao đẳng nghề Công nghệ, Cao đẳng nghề Việt Đức cũng đã chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho SV như: Phỏng vấn, tìm việc, tác phong làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng giữ việc và phát triển công việc… SV được khuyến khích, tạo điều kiện để chủ động trao đổi với các giảng viên về các vấn đề liên quan tới học tập thông qua thảo luận, thuyết trình. Đây là cơ hội rất tốt để các em bày tỏ hiểu biết, quan điểm, cách tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Nhà trường cũng khuyến khích các em tham gia các hoạt động bề nổi, bởi đây chính là môi trường lý tưởng giúp SV năng động, tự tin hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói