Chương trình này tiếp tục được đẩy mạnh, tạo đà cho mục tiêu giảm sinh trên địa bàn tỉnh trong năm 2020.
Chị Trần Thị Kim Hoa - nữ hộ sinh, cán bộ dân số xã Xuân Hồng tư vấn cho người dân về việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình tại trạm y tế xã
Từ những tháng đầu năm, đội ngũ viên chức làm công tác dân số tại các trạm y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường các hoạt động tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Làm công tác nữ hộ sinh kiêm nhiệm dân số đã trở thành lợi thế cho các chị trong truyền thông và giúp người dân thực hiện các biện pháp ngay khi có nhu cầu.
Chị Trần Thị Kim Hoa - nữ hộ sinh Trạm Y tế Xuân Hồng (Nghi Xuân) cho biết: “Điều thuận lợi của tôi là kết hợp được tư vấn tuyên truyền cho bà con khi đi khám sức khỏe tại trạm y tế. Bản thân tôi cũng là người có kinh nghiệm trong việc thực hiện các thủ thuật đặt vòng, tiêm, cấy thuốc tránh thai nhiều năm nay nên người dân cũng rất tin tưởng. Đó cũng là yếu tố quan trọng để xã Xuân Hồng duy trì tỷ lệ người sử dụng các biện pháp tránh thai ổn định ở mức gần 70%”.
Chị Hoa cũng là người có kinh nghiệm trong việc thực hiện các thủ thuật đặt vòng, tiêm cấy tránh thai nên có thể phục vụ người dân đến thực hiện dịch vụ ở trạm.
Cũng phát huy lợi thế từ vị trí công tác, từ đầu năm đến nay, chị Nguyễn Thị Hường - nữ hộ sinh Trạm Y tế thị trấn Xuân An đã thực hiện các biện pháp tránh thai, trong đó chủ yếu là đặt vòng cho gần chục phụ nữ trên địa bàn.
Chị Hường cho biết: “Công tác tuyên truyền qua mọi hình thức, tuyên truyền ở chợ, đến từng nhà, tư vấn tại trạm y tế đã giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Giải pháp mà hầu hết chị em hướng đến đó là đặt vòng, tiêm, cấy thuốc, bởi đây là những giải pháp mang tính lâu dài. Chính vì thế, năm 2019, trong tổng số hơn 100 người mới thực hiện biện pháp tránh thai, có gần 80 người chọn đặt vòng”.
Cùng với Nghi Xuân, đội ngũ viên chức trạm y tế được phân công kiêm nhiệm công tác dân số trên địa bàn Hà Tĩnh cũng nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp với triển khai các biện pháp KHHGĐ.
Chị Hường - nữ hộ sinh trạm Y tế Xuân An (bên trái) đến tận tuyên truyền vận động người dân thực hiện KHHGĐ.
Chị Phan Thị Huyền ở thị trấn Nghèn (Can Lộc) chia sẻ: “Sau khi được nghe tư vấn của cán bộ dân số về việc kéo dài thời gian giữa các lần sinh, đảm bảo có thể nuôi con, chăm sóc con tốt hơn, tôi đã lựa chọn đặt vòng ngay tại trạm y tế. Theo tôi, đây là giải pháp an toàn, mang tính lâu dài, kinh phí rẻ và cũng không lo ảnh hưởng đến con trong thời kỳ chưa cai sữa”.
Từ việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền song song với đáp ứng nhu cầu dịch vụ của người dân ngay khi cần, Hà Tĩnh đã hoàn thành kế hoạch, đảm bảo chất lượng và vượt chỉ tiêu đặt dụng cụ tử cung từ chương trình “Tăng cường năng lực y tế công trong lĩnh vực KHHGĐ”.
Theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ Hà Tĩnh, năm 2019, toàn tỉnh có 12.775 phụ nữ đặt dụng cụ tử cung, đạt 106,45% kế hoạch. Đây cũng được xem là giải pháp nền tảng để ngành dân số Hà Tĩnh hướng đến mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.