Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn có truy xuất nguồn gốc

(Baohatinh.vn) - Chưa bao giờ vấn đề kiểm soát giết mổ, kiểm tra thú y lại “nóng” như bây giờ. Giữa lúc dịch tả lợn châu Phi đang uy hiếp mạnh mẽ đến Hà Tĩnh thì việc đòi hỏi được sử dụng nguồn thực phẩm an toàn vệ sinh là quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng...

Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn có truy xuất nguồn gốc

Tiểu thương chợ TX Hồng Lĩnh công khai biên lai thu phí kiểm soát giết mổ cho người tiêu dùng ngay tại quầy bán

Điều khiến nhiều người lo lắng nhất vẫn là nguồn gốc thực phẩm từ thịt lợn trên thị trường hiện nay. Chị Nguyễn Thị Thả (xã Thạch Tân, Thạch Hà) cho hay: “Đọc trên báo, nghe đài, biết dịch tả lợn châu Phi không lây sang người thì yên tâm hơn chút ít. Song, tôi vẫn băn khoăn, không biết nguồn thực phẩm từ thịt lợn ra đến chợ hiện nay có được an toàn 100% không?”.

Có người lại “chỉ cách” cho nhau bằng những kinh nghiệm khi mua thịt lợn như: Thịt tươi, mỡ trong, trắng, không có mùi... Theo chị Trần Thu Trang (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) thì: “Sợ dịch bệnh là tâm lý chung, nhưng không nhất thiết phải bài xích thịt lợn. Tôi vẫn dùng thịt lợn cho bữa ăn gia đình, miễn là miếng thịt chọn phải đảm bảo tươi, mua ở nơi có uy tín để đảm bảo không mua nhầm thịt bệnh, thịt bẩn”.

Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn có truy xuất nguồn gốc

Công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi được tăng cường tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh).

Dịch tả lợn châu Phi đang có nhiều diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh; trong đó, tỉnh giáp ranh Hà Tĩnh là Nghệ An đã xuất hiện dịch khiến cho người tiêu dùng bất an. Điều này đã khiến cho thị trường thực phẩm từ thịt, nhất là lợn “lao dốc”, giá sụt giảm liên tục trong khoảng một tuần lại nay.

Tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) thời điểm này mỗi ngày chỉ còn giết mổ khoảng 20 - 24 con lợn (bằng khoảng 50% trước đây) nhưng công tác kiểm soát giết mổ cũng đang được siết chặt. Ông Lê Văn Thanh - Trạm trưởng Trạm Thú y TX Hồng Lĩnh cho biết: “Ở các cơ sở giết mổ tập trung, trạm cử cán bộ trực 2 kíp, ngày và đêm. Theo quy định, lợn đưa vào lò trước 6 tiếng và lưu lại không quá 48 tiếng để theo dõi sức khỏe, kiểm tra nguồn gốc. Lợn khỏe, có nguồn gốc và được mua từ vùng an toàn dịch bệnh mới được đưa vào giết mổ.

Cán bộ thú y phải trực tiếp kiểm soát trong quá trình giết mổ, kiểm tra chất lượng thành phẩm thịt và lăn dấu trước khi ra chợ. Quá trình này được ghi chép vào sổ theo dõi trước, trong và sau khi giết mổ nhằm kiểm soát tốt từ đầu vào - đầu ra nguồn thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn có truy xuất nguồn gốc

Người tiêu dùng cần lựa chọn điểm mua thực phẩm có sự quản lý của cơ quan chức năng về kiểm soát thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ở các chợ, tiểu thương còn cất giữ biên lai thu phí kiểm soát giết mổ (đây là một trong những cơ sở chứng minh lợn được kiểm soát nguồn gốc, kiểm dịch thú y - P.V) thành từng tập và treo trước cửa hàng. Việc làm này không chỉ để cho các lực lượng chức năng kiểm tra, mà còn là “tấm lệnh bài” phân biệt thịt lợn sạch với thịt không qua kiểm soát ngoài thị trường.

Chị Vũ Thị Hoan - tiểu thương chợ TX Hồng Lĩnh, cho hay: “Giết mổ con nào là có biên lai đầy đủ được cơ quan thú y cấp. Tôi tập hợp lại để làm “chứng” với khách hàng về nguồn thịt đảm bảo có truy xuất nguồn gốc. Thịt lợn giảm giá là do thị trường chứ không phải do chất lượng của thịt”.

Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh: “Hiện nay, các ngành chức năng và các cấp chính quyền đang tập trung cho công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Trong đó có việc tăng cường cao nhất cho việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động giết mổ, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở các lò giết mổ tập trung và chợ, siêu thị. Người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín, có sự quản lý, kiểm soát của cơ quan thú y và không nên sử dụng thịt không rõ nguồn gốc”.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, không nên tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Ông Trần Đắc Phu giải thích thêm, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Một đặc điểm nữa là virus trong bệnh tả lợn này chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt hoàn toàn dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C...

Nguồn: Dangcongsan.vn

Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn có truy xuất nguồn gốc

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast