Sức mua giảm, thị trường bán lẻ tại Hà Tĩnh ế ẩm từ sau tết

(Baohatinh.vn) - Trái với sự sôi động mua sắm trong dịp tết Nguyên đán, thị trường bán lẻ tại Hà Tĩnh hiện nay khá ảm đạm, thưa vắng khách. Nhu cầu mua sắm của người dân giảm mạnh nên hàng hóa tiêu thụ chậm.

Sức mua giảm, thị trường bán lẻ tại Hà Tĩnh ế ẩm từ sau tết

Đình chợ TP Hà Tĩnh vắng khách, không khí mua sắm ảm đạm.

Từ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, không khí mua sắm tại đình chợ TP Hà Tĩnh khá vắng vẻ. Tại các quầy quần áo, giày dép, vải và các mặt hàng tiêu dùng khác, người mua thưa thớt, người bán ngồi trò chuyện với nhau và “ngóng” khách.

Bà Phan Thị Hồng - tiểu thương bán quần áo tại chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Mấy năm nay, người dân vào chợ mua quần áo đã giảm hẳn thì hiện nay, chợ lại càng ế ẩm. Thỉnh thoảng mới có vài khách ghé quầy nhưng không phải khi nào khách cũng mua được hàng, có hôm tôi ngồi cả buổi sáng chỉ bán được 1 - 2 sản phẩm”.

Trong khi đó, ở khu vực các quầy thực phẩm, hoa quả tươi, dù lượng khách khá hơn nhưng so với nhiều thời điểm khác trong năm, sức tiêu thụ cũng kém hơn nhiều.

Sức mua giảm, thị trường bán lẻ tại Hà Tĩnh ế ẩm từ sau tết

Tại khu vực hàng thực phẩm chợ TP Hà Tĩnh, sức mua cũng giảm so với nhiều thời điểm khác trong năm.

“Tôi bán hải sản ở chợ TP Hà Tĩnh đã hơn 10 năm nay. Năm nào cuối tháng Giêng, đầu tháng 2, tôi cũng giảm nguồn hàng vì bán chậm. Nếu như ngày thường, tôi nhập hàng khoảng 3 - 4 triệu đồng các loại cá từ cảng cá Thạch Kim thì giai đoạn sau tết, tôi chỉ nhập hàng trị giá khoảng 2,5 triệu đồng” - bà Dương Thị Xuân, tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Thăng Long - Trưởng ban quản lý chợ TP Hà Tĩnh, chợ hiện có khoảng 1.800 quầy kinh doanh, khu vực đình 2 tầng có khoảng 800 quầy. Sau tết là thời điểm lượng khách giảm mạnh so với những thời điểm khác trong năm nên sức mua tại chợ giảm, đặc biệt là trong đình chợ kinh doanh các mặt hàng quần áo, giày dép, vải... Ngoài ra, hiện nay, các hình thức kinh doanh hiện đại phát triển, thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi cũng là nguyên nhân khiến lượng khách hàng vào chợ ngày càng giảm.

Ở các tuyến phố tại TP Hà Tĩnh như Xuân Diệu, Lý Tự Trọng, Trần Phú, Nguyễn Huy Tự…, nhiều cửa kinh doanh thời trang cũng chung cảnh ngộ đìu hiu, vắng vẻ.

Sức mua giảm, thị trường bán lẻ tại Hà Tĩnh ế ẩm từ sau tết

Cửa hàng kinh doanh thời trang trên phố Xuân Diệu cũng rơi vào tình trạng thưa thớt khách.

Chị Trần Thị Hòa - chủ một shop thời trang trên đường Xuân Diệu chia sẻ: "Thời điểm này, không chỉ riêng shop tôi mà thị trường thời trang nhìn chung là vắng khách. Bởi lẽ, khách vừa mua sắm nhiều vào dịp tết nên sẽ hạn chế mua sắm dịp này. Dự kiến khoảng một vài tháng nữa, hàng thời trang sẽ nhộn nhịp hơn vì khi thời tiết chuyển mùa, người dân mới bắt đầu mua sắm hàng hè”.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng kinh doanh lớn, sức mua cũng giảm so với nhiều thời điểm khác trong năm. Theo số liệu thống kê từ Sở Công thương, doanh thu bán lẻ từ siêu thị, trung tâm thương mại trong tháng 2/2023 ước đạt hơn 23 tỷ đồng, giảm gần 44% so với tháng 1/2023.

Anh Trần Đình Chung - phụ trách marketing siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: “Từ đầu tháng 2 (thời điểm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán) đến nay, sức mua tại siêu thị giảm khoảng 10% so với nhiều thời điểm khác trong năm. Đây cũng là mùa “thấp điểm” nhất của thị trường bán lẻ do trước tết, người dân mua sắm lượng lớn hàng hóa mà chưa sử dụng hết. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng sẽ cân đối, tính toán chi tiêu hơn do trước tết đã “mạnh tay” chi khoản tiền lớn cho mua sắm”.

Sức mua giảm, thị trường bán lẻ tại Hà Tĩnh ế ẩm từ sau tết

Sau tết, sức mua hàng hóa tại siêu thị Co.opmart giảm khoảng 10% so với nhiều thời điểm khác trong năm.

Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Hà Thị Ngọc Ánh (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Nhiều sản phẩm tiêu dùng như nước giặt, giấy vệ sinh, nước mắm, dầu ăn..., đợt tết nhà tôi mua số lượng lớn nên sẽ sử dụng trong khoảng vài tháng nữa mới phải mua tiếp. Còn với những hàng không quá thiết yếu, chúng tôi cũng cắt giảm chi tiêu vì tết đã tiêu tốn khá nhiều tiền”.

Theo thông tin từ Sở Công thương, trong tháng 1/2023 trùng với cao điểm tháng mua sắm tết, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt cao. Song tháng 2/2023, sức mua giảm kéo theo doanh thu chỉ ước đạt 4.667 tỷ đồng, giảm 11,3% so với tháng 1.

Trong 12 nhóm ngành hàng bán lẻ, chỉ có 2 nhóm (gỗ, vật liệu xây dựng và xăng dầu các loại) có doanh thu ước tăng nhẹ so với tháng 1. Các nhóm hàng có sức mua trong tháng 2 giảm mạnh so với tháng trước như: hàng may mặc (giảm 35%); đồ dùng dụng cụ, thiết bị gia đình (giảm 14%); hàng lương thực, thực phẩm (giảm 13%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (giảm 20%)...

Sức mua giảm, thị trường bán lẻ tại Hà Tĩnh ế ẩm từ sau tết

Doanh thu bán lẻ hàng may mặc tháng 2/2023 ước giảm 35% so với tháng trước.

Các chủ kinh doanh cho rằng, như đã thành thông lệ, dịp tết sức mua tăng mạnh bao nhiêu thì sau kỳ nghỉ lớn nhất trong năm kết thúc, thị trường thường ảm đạm kéo dài khoảng 1 - 2 tháng tiếp đó vì nhu cầu tiêu dùng giảm. Người dân chủ yếu mua các nhu yếu phẩm cần thiết, thậm chí sau tết, nhiều gia đình còn đang trong tình trạng “dọn tủ lạnh” nên sức mua hàng thực phẩm cũng giảm.

Sức mua giảm khiến hoạt động kinh doanh rơi vào tình trạng khó khăn. Bởi vậy, các tiểu thương đều kỳ vọng thời gian tới, sức mua bật lên, thị trường sớm trở lại ổn định để thuận lợi cho việc kinh doanh.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast