Hành nghề câu mực đã lâu nhưng đây là năm đầu tiên, ngư dân Nguyễn Xuân Hải (trú thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, Lộc Hà) trúng đậm “lộc biển”. Gần 2 tháng nay, thuyền của ông ra khơi lúc nào trở về cũng đầy khoang mực. Trung bình mỗi ngày, ông Hải thu về từ 2-3 triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Xuân Hải (xã Thạch Kim, Lộc Hà) chuẩn bị ngư cụ cho chuyến câu mực trong đêm
“Những tháng đầu năm giá nhiên liệu tăng nhưng bù lại, chúng tôi khai thác được nhiều loại hải sản có giá trị, nhất là các loại mực ống, mực nang, mực tua... Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt so với năm ngoái cao hơn nhiều. Đầu năm đến nay, tôi thu về hơn 120 triệu đồng từ đánh bắt hải sản” - ngư dân Nguyễn Xuân Hải phấn khởi chia sẻ.
Cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà tấp nập mỗi sớm mai
Cùng với “tín hiệu vui” từ ngư trường, thời điểm này, giá xăng dầu giảm mạnh là động lực để ngư dân tự tin bám biển, vươn khơi. Tại cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh - cảng Cửa Sót ở xã Thạch Kim (Lộc Hà), từ 3h sáng, hàng chục chuyến tàu đã nối đuôi nhau cập bến, mang về đầy ắp “lộc biển”… Bình quân mỗi ngày, cảng cá Cửa Sót đón trên 50 lượt tàu thuyền trong và ngoài tỉnh, mang về đất liền khoảng 20 tấn hải sản các loại.
Ông Trần Đình Hưng - Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Không chỉ tích cực vươn khơi, thời gian qua, nhiều ngư dân còn chủ động chuyển đổi hình thức đánh bắt từ nghề câu sang nghề vó ánh sáng để nâng cao năng suất và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Nhằm khuyến khích ngư dân, xã hỗ trợ mỗi chủ tàu 20 triệu đồng đầu tư ngư lưới cụ thực hiện chuyển đổi. Với nhiều giải pháp tích cực, 7 tháng năm 2022, toàn xã khai thác đạt 813 tấn thủy hải sản các loại với tổng giá trị hơn 66 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch năm 2022”.
Ngư dân xã Cẩm Nhượng trúng đậm cá mờm trong những chuyến biển đầu năm
Cũng như ngư dân Thạch Kim, các đội tàu thuyền đánh bắt hải sản của các xã vùng biển trên địa bàn Hà Tĩnh đều đang nỗ lực khắc phục khó khăn để bám biển, duy trì sản xuất. Vừa trở về từ chuyến săn ghẹ hơn một tuần, ngư dân Nguyễn Văn Tư (trú thôn Vinh Lộc, xã Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Vất vả nhưng đi biển trúng đậm nên mọi người phấn khởi và càng quyết tâm vươn khơi. Giá hải sản dịp này tăng 15-20% so với cùng kỳ năm trước nên chúng tôi càng kiên trì bám biển. Đầu năm đến nay, bình quân mỗi lao động trên thuyền thu về hơn 150 triệu đồng từ nghề bóng ghẹ”.
Ngư dân mang lộc biển về cập bến Cồn Gò, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Hương Thành
Theo ngư dân vùng biển Hà Tĩnh, năm nay, ngư trường xuất hiện nhiều luồng tôm, cá, mực các loại nên rất thuận lợi cho việc khai thác, đánh bắt. Vào giữa tháng 6 âm lịch, con nước quay chiều (hay còn gọi là thủy triều dâng - P.V), cá mực dồn về vùng lộng nên ngư dân đánh bắt được nhiều “lộc biển” có giá trị như: mực, ghẹ, cá cơm, cá đù, cá bạc má, tôm, ruốc…
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động du lịch - dịch vụ sôi động trở lại kéo theo nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân cũng tăng lên. Đánh bắt được mùa, hải sản được giá, ngư dân có thêm động lực để duy trì sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, ngư dân Hà Tĩnh khai thác đạt 23.477 tấn hải sản các loại
Theo thống kê từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 3.522 tàu thuyền tham gia đánh bắt hải sản, tăng hơn 100 tàu thuyền so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đánh bắt vùng khơi có 116 tàu, đánh bắt vùng lộng 585 tàu, còn lại là tàu thuyền đánh bắt ven bờ. Đến thời điểm này, toàn tỉnh khai thác đạt 23.477 tấn hải sản, đạt 63,4% kế hoạch năm 2022 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm 2021.
Những tháng đầu năm vật giá leo thang, đặc biệt là giá xăng dầu tăng chóng mặt đã tác động lớn đến hoạt động khai thác, phát triển kinh tế biển. Chi cục thường xuyên theo dõi diễn biến ngư trường và tình hình thời tiết để tham mưu, chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng triển khai các chính sách phát triển khai thác thủy hải sản, ổn định đời sống và khuyến khích ngư dân vươn khơi. Đặc biệt, ngư dân trên toàn tỉnh đã hăng say bám biển đem về sản lượng bội thu, giúp Hà Tĩnh duy trì đà tăng trưởng trong lĩnh vực khai thác và phát triển kinh tế biển