Tiến sĩ Stanford Nguyễn Chí Hiếu: "Sắp 20/11, tôi đi trốn..."

TS. Nguyễn Chí Hiếu trăn trở và không chấp nhận cách nghĩ, cách làm “giáo dục như một dịch vụ”. Mỗi dịp 20/11, người đàn ông thường xuyên đứng trên bục giảng… đi trốn.

tien si stanford nguyen chi hieu sap 20 11 toi di tron

TS. Nguyễn Chí Hiếu – tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại ĐH Stanford (Mỹ) và thạc sĩ quản trị kinh doanh MBA tại ĐH Oxford (Anh).

Gần 10 năm thành công từ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á trên con đường học vấn và sự nghiệp trong lĩnh vực Kinh tế - Tài chính, TS. Nguyễn Chí Hiếu trở về Việt Nam năm 2012; sau đó lại tiếp tục sang Anh học thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) ở ĐH Oxford. Chàng trai Việt được mời giảng dạy các môn kinh tế tại Oxford từ học kỳ đầu tiên và được trường mời ở lại dạy sau khi tốt nghiệp thủ khoa. Nhưng TS. Hiếu từ chối.

Bỏ nhiều lời mời việc làm lương cao, kể cả vị trí giảng viên tại ĐH Oxford danh tiếng, TS.Nguyễn Chí Hiếu về nước lần thứ 2 vào tháng 10/2016. Ở tuổi 33, chàng trai Bình Đình chọn Hà Nội để thực hiện nhiều ấp ủ tâm huyết và kỳ vọng của mình trong lĩnh vực giáo dục phát triển tư duy và kỹ năng con người. Thường xuyên đứng trên bục giảng với những trăn trở và hoài bão vì các thế hệ học trò, TS. Nguyễn Chí Hiếu có những chia sẻ chân thật và đáng suy ngẫm khi ngày 20/11 đến gần.

Dân trí trân trọng giới thiệu bài viết “Sắp 20/11, tôi đi trốn..."của TS. Hiếu:

Giáo dục thời nay chẳng khác làm dịch vụ…

"Giáo dục giờ đây với nhiều người cứ y như là một cuộc chạy đua về chất lượng dịch vụ, làm tất cả miễn sao phụ huynh hài lòng là được, nhiều khi tôi có cảm giác chẳng khác gì thương mại.

Còn tôi, tôi hơi ngược đời và không chấp nhận cách nghĩ và cách làm đó. Nếu muốn làm phụ huynh hài lòng và cứ bỏ tiền túi ra cho con học quanh năm suốt tháng, thật ra dễ lắm. Làm cái gì cũng cho thật đẹp, cứ thoải mái khen mấy đứa trẻ cho nhiều, đốt cháy giai đoạn cho tụi nhỏ như gà công nghiệp hay cỗ máy luyện thi, và thậm chí phụ huynh đòi hỏi gì thì cứ làm nấy, nhiều khi cả việc phụ huynh muốn mình dạy trong lớp dạy cái này, làm cái kia, nói cái nọ phải theo cách này hay cách khác.

Nếu mình mà làm răm rắp 100% đòi hỏi của phụ huynh, rồi chỉ coi chất lượng dịch vụ thương mại là mục tiêu số 1 để tồn tại và phát triển, thì chắc chẳng thể nào có những tháng ngày vật vã, tìm cách chỉ đơn giản để những đứa trẻ thay đổi từ chỗ nói gì chúng cũng không làm - chắc vì nó quen được "dịch vụ" - để chuyển mình thành những đứa trẻ về nhà tự đọc sách và tự viết luận, cứ đúng hẹn thì nộp bài, trong lớp thì chịu tư duy, không chấp nhận rập khuôn và luôn luôn sáng tạo.

Vì tôi không phải đang làm hài lòng phụ huynh, mà tôi đơn giản đang chỉ muốn thay đổi những đứa trẻ. “Nếu tụi con không thay đổi, đừng đến lớp nữa, hay mai kia đừng gọi thầy là thầy”, tôi nói câu đó cũng không ít lần rồi. Vì thật ra tôi, cũng như nhiều thầy cô giáo mà tôi từng gặp và kính trọng, không phải vì tiền của phụ huynh mà nhận dạy tụi nhỏ.

Nếu lựa chọn giáo dục thì hãy lựa chọn một triết lý giáo dục. Nếu cứ chăm chăm vào chất lượng dịch vụ thì cứ hãy gửi con ở những nơi xa hoa, lộng lẫy, đầy tiền quảng cáo thương mại và sẵn sàng làm mọi thứ để chiều lòng phụ huynh. Còn nếu xem giáo dục là thay đổi những đứa trẻ một cách tích cực, dài hạn và có chiều sâu, thì hãy chung tay cùng nhau giúp tụi nhỏ thay đổi.

Năm nào đến 20/11, tôi đều đi trốn

Vì thường tôi không thích mấy cái nghi lễ của ngày này. Nếu đối xử tốt với thầy cô thì hãy nghĩ về họ quanh năm, chung tay và đồng hành cùng họ trong việc thay đổi con em mình. Không cần hoa quả hay quà cáp đâu. Tôi tin những thầy cô đã tâm huyết và đam mê chọn con đường này, họ cũng không nghĩ đến mấy cái nghi lễ này đâu.

Đừng làm khó thầy cô và khiến họ đã vất vả còn khổ tâm hơn vì không tập trung được vào chuyên môn, mà cứ phải gồng mình chạy theo mấy cái chất lượng dịch vụ thương mại, rồi ngày 20/11 chúng ta lại đi chăm chút cho thầy cô bằng ít món quà tri ân. Liệu có mấy ai biết để chạy theo mấy cái yêu cầu để phục vụ chất lượng dịch vụ không ngừng, họ đã hy sinh bao nhiêu thời gian và sức khỏe, kể cả lấy đi thời gian họ dành cho gia đình và cho chính những đứa con ruột của mình.

Tôi thấy sao mà "mặn chát" quá.

Tôi thương các thầy cô lắm. Lắng nghe họ tâm sự và chứng kiến không ít giọt nước mắt của họ khi phải hì hục chạy theo mấy cái "chất lượng dịch vụ", tôi càng không thích cái cách nhiều người coi ngày 20/11 so với 364 ngày còn lại. Ngược đời lắm. Chúng ta đang tri ân thầy cô ngày 20/11 thật sự là vì cái gì? Hy vọng không phải chỉ vì các thầy cô đang làm "dịch vụ" quá tốt.

Với tôi, tôi luôn cảm ơn những người thầy cô bao năm qua đã không coi tôi như là một món hàng và không xem công việc của mình như là đi làm dịch vụ hay thương mại. Em được cái gì thì thầy cô nhẹ nhàng khích lệ tiếp tục cố gắng, em không được cái gì thì thầy cô nghiêm khắc chỉ bảo, từ cách học đến suy nghĩ, thái độ và cách sống. Và bố mẹ em cũng chẳng bao giờ vặn vẹo, chất vấn, đòi hỏi thầy cô từ việc này đến việc khác, không bao giờ dứt.

Nhờ vậy, em mới có hôm nay.

Gửi bao thầy cô ở xa em ít khi được gặp và cả những người đã mãi mãi ra đi, em chọn con đường này và chỉ mong làm được một phần những gì thầy cô đã làm cho em.

Em yêu con đường mình đang đi, cũng chính vì em yêu cái cách thầy cô đã thay đổi em, không phải vì chất lượng dịch vụ thương mại mà vì một triết lý giáo dục chân chính.

Chính cái triết lý đó đã cho ra em của ngày hôm nay. Và vì vậy, với em, ngày nào cũng có thể là ngày 20/11 - ngày của thầy cô".

Đôi nét về TS. Nguyễn Chí Hiếu

- Học bổng toàn phần A-level của trường Cambridge Tutors College (nước Anh) năm 2001.

- Sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004.

- Học bổng toàn phần của Học viện Kinh Tế và Chính Trị London (LSE). Thủ khoa của khoa Kinh tế trong tất cả các năm học khóa 2004-2007.

- Một trong 100 sinh viên giỏi nhất thế giới năm 2006.

- Thủ khoa tốt nghiệp của toàn trường LSE. Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Kinh tế trong tất cả các trường đại học ở London năm 2007.

- Học bổng nghiên cứu sinh tiến sỹ Đại học Stanford (Mỹ). Học bổng của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) niên khóa 2007-2012.

- 5 lần đoạt giải thưởng dành cho trợ giảng và giảng viên xuất sắc tại ĐH Stanford.

- Học bổng toàn phần chương trình MBA, ĐH Oxford.

Theo Lệ Thu/dantri

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.