Tổng thống Macron - Napoleon thứ hai của nước Pháp

Macron đánh bại những chính trị gia lão luyện để trở thành nhà lãnh đạo của nước Pháp bằng cách mà chưa ai ngoài Napoleon làm được.

tong thong macron napoleon thu hai cua nuoc phap

Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters

Emmanuel Macron, ứng cử viên theo chủ nghĩa tự do, đã đánh bại thủ lĩnh phong trào cực hữu Marine Le Pen để giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, trong bối cảnh phong trào chống tự do đang trỗi dậy ở châu Âu. Với chiến thắng này, Macron đã giúp nước Pháp thoát khỏi cơn ác mộng của chủ nghĩa cực hữu bằng một hành trình thần kỳ biến ông trở thành một "Napoleon thứ hai", theo Foreign Policy.

Đảng En Marche của ông Macron mới chỉ được thành lập vào tháng 4/2016, quá mới mẻ so với các chính đảng được thành lập từ lâu và kiểm soát nền chính trị nước Pháp suốt nhiều thập kỷ qua. Thế nhưng chỉ một năm sau, kết quả các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy đảng của ông sẽ giành được 249-286 trong tổng số 577 ghế của Quốc hội, trong khi đảng Xã hội cánh tả lâu đời chỉ có thể giành được 28-43 phiếu.

Đây là kết quả thăm dò đáng ngạc nhiên, khi một "tân binh" lại có thể đánh bại cả một đảng chính trị được thành lập từ sau Thế Chiến II của Pháp và quy tụ gần như toàn bộ giới trí thức nước này. Bình luận viên James Traub cho rằng trước Macron, nước Pháp mới chỉ có một người làm được như vậy, đó chính là Napoleon Bonaparte.

Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, nước Pháp bị chia rẽ sâu sắc bởi nỗi sợ hãi trước tương lai toàn cầu hóa mà họ có thể là kẻ thua cuộc, cũng như niềm hy vọng mong manh về khả năng thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị kéo dài nhiều năm qua. Laurent Bigorgne, giám đốc Viện tư vấn Montaigne ở Paris, cho rằng trong bối cảnh đó, Macron có thể là "nhà tiên tri Moses" dẫn dắt nước Pháp tới Miền đất Hứa của thế kỷ 21.

"Macron là một phần trong nhóm rất nhỏ người Pháp có thể đối phó với toàn cầu hóa, người có thể giải thích với dân chúng Pháp về cách chúng ta hưởng lợi từ toàn cầu hóa", Bigorgne nói.

Một khảo sát năm 2016 cho thấy 89% người được hỏi cho rằng khả năng nói tiếng Anh trôi chảy là tiêu chuẩn quan trọng của một tổng thống Pháp lý tưởng, quan trọng hơn cả kinh nghiệm chính trị hay quản lý. Macron từng khiến cả nước Pháp bị sốc khi phát biểu trước Liên minh châu Âu bằng tiếng Anh hồi tháng 1. Trong khi các chính trị gia đối lập chỉ trích, cho rằng ông không tôn trọng tiếng Pháp, nhiều người dân tỏ ra ngưỡng mộ ông về khả năng này.

Macron nói tiếng Anh trong một cuộc phỏng vấn

Theo Traub, "chất Napoleon" trong Macron chính là khả năng làm việc không ngơi nghỉ, niềm đam mê với lý tưởng chính trị, cảm nhận về định mệnh và cách mà ông đã cuốn cả nước Pháp vào tham vọng của riêng mình.

"Từ rất lâu, tôi luôn có niềm tin rằng không gì quý giá hơn quyền tự do được làm những gì bạn muốn, được theo đuổi mục tiêu bạn đã đề ra, được thừa nhận tài năng của bạn, dù trong bất cứ lĩnh vực gì", Macron đã viết trong cuốn sách vận động tranh cử mang tên "Cách mạng".

Macron nói rằng chính tiếng gọi này đã thôi thúc ông bước vào chính trị, giúp ông "nhạy cảm với những bất công trong một xã hội", biến ngọn lửa tham vọng cá nhân rực cháy này thành chương trình chính trị để "giải phóng người dân khỏi xiềng xích của xã hội ràng buộc bởi đẳng cấp".

Trong khi các nhà chính trị lão luyện thường dùng những lời lẽ hoa mỹ, ẩn ý để lôi kéo cử tri, Macron chỉ sử dụng phép ẩn dụ rất đơn giản, được thể hiện trong tên của chính đảng: En Marche (Tiến lên).

Người ta có thể cảm nhận được tiếng bước chân hành tiến trong mỗi bài phát biểu của ông. "Cánh tả và cánh hữu thay nhau cầm quyền hơn 20 năm qua đã phân chia nội tình đất nước theo phe của mình. Đó là 20 năm cản trở đất nước. Chúng ta cùng nhau phấn đấu cho sự đổi mới thực sự, ở mọi cấp độ. Đổi mới gương mặt, đổi mới biện pháp, đổi mới tư duy". Thay đổi, tiến lên, mới mẻ, đó chính là biểu hiện của "chủ nghĩa Macro".

Thử thách chờ đón

tong thong macron napoleon thu hai cua nuoc phap

Macron là người có tư tưởng thân EU, ủng hộ toàn cầu hóa. Ảnh: Reuters

Chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại, người Pháp lại lựa chọn một nhà lãnh đạo có tư tưởng tự do về kinh tế và chính trị hài hòa như Macron. Thắng lợi của ông trước bà Le Pen được coi là biểu tượng cho các "giá trị của nền cộng hòa" Pháp, dù ông vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều chông gai phía trước, khi nhiều cử tri bỏ phiếu cho ông chỉ đơn giản là vì họ mối chối bỏ Le Pen.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong dư luận Pháp hiện nay là liệu nước này có nên duy trì chế độ làm việc 35 giờ mỗi tuần hay không. Trong khi bà Le Pen và ứng viên đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất Jean-Luc Melenchon ủng hộ chương trình này, còn ứng viên đảng Cộng hòa Francois Fillon cho rằng người Pháp cần làm 39 giờ một tuần, Macron tuyên bố: Tất cả đều sai. Ông cho rằng các quy định về việc làm, trong đó có số giờ làm, cần phải được quyết định bởi giới chủ và công nhân thông qua đàm phán, chứ không phải giữa nhà nước và các nghiệp đoàn lớn. Hệ thống như vậy sẽ vừa tạo sự linh hoạt cho giới chủ, vừa không gây bất lợi cho công nhân, điều mà các hệ thống trước đây chưa làm được.

Là một nhà kỹ trị, từng là bộ trưởng tài chính, Macron chủ trương theo đuổi chính sách kinh tế rất tham vọng. Ông muốn đầu tư 50 tỷ euro trong 5 năm để đầu tư cho dạy nghề, công nghệ xanh, hiện đại hóa hệ thống y tế, nông nghiệp, nền hành chính công và cơ sở hạ tầng. Ông muốn giảm thuế cho doanh nghiệp, hứa hẹn hãm đà tăng chi phí bảo hiểm y tế, cải cách bảo hiểm thất nghiệp và áp dụng công nghệ số cho các cơ quan nhà nước.

Ông cũng muốn cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, chẳng hạn như đơn giản hóa quy trình xin giấy phép lái xe, vốn kéo dài tới một năm cùng khoản chi phí 3.000-4000 euro, khiến nhiều thanh niên không có bằng lái để đi làm ở xa.

Macron tin rằng ông có thể xây dựng một nước Pháp mới mẻ mà không làm tổn thương đến ai. Nhưng thực tế mà ông đối mặt sau khi trở thành Tổng thống có thể phũ phàng hơn nhiều. Kết quả bầu cử vòng một cho thấy rất nhiều cử tri Pháp không hề tin vào thị trường tự do. Với nhiều người dân Pháp, "chủ nghĩa tự do" vẫn là một thứ gì đó rất xa vời. Trong vòng một, ông Macron đạt được 23,9% số phiếu trong khi bà Le Pen giành 21,4% phiếu bầu.

Theo Bruno Cautres, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị ở Sciences Po, uy tín của Macron sau khi cầm quyền có thể tăng hay giảm tùy theo khả năng giải quyết những trở ngại lớn về kinh tế của ông, trong đó nổi bật nhất là tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25% trong giới thanh niên.

Nhưng kinh tế chỉ là một trong hai trụ cột của Macron trong chiến dịch tranh cử, phần còn lại chính là bản sắc quốc gia. 35% cử tri Pháp bỏ phiếu cho bà Le Pen, vì họ tin rằng bản sắc của nước Pháp đang bị xâm hại bởi người nhập cư, người tị nạn, bởi giới quan liêu của EU ở Brussels và tầng lớp tinh hoa tại Paris.

Thật khó để hình dung một Tổng thống 39 tuổi sẽ lèo lái con thuyền nước Pháp vượt qua những bão tố đã vần vũ trên đầu nước Pháp suốt nhiều năm như thế nào. Không có được sức hấp dẫn như Tổng thống Mỹ John F. Kennedy hay khả năng hùng biện như Barack Obama, nhưng Macron mang trong mình nhiệt huyết thay đổi của những nhà lãnh đạo trẻ như họ. "Đây có thể là điều người Pháp trông mong ở tân tổng thống của mình. Ông ấy là người sẵn sàng để lãnh đạo, giống như Charles De Gaulle, người giữ chức tổng thống Pháp giai đoạn 1959-1969", Laurent Bigorgne, chuyên gia phân tích quen biết Macron nhiều năm, nhận định.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.