Zing tổng hợp và lược dịch từ bài viết trên trang Asia Nikkei và HBR.
Gần đây, nhiều thông tin cho rằng Apple có thể sẽ lấn sân sang lĩnh vực ôtô với việc sản xuất xe điện, và Hyundai là hãng xe được cho là sẽ hợp tác với Apple trong dự án này.
Tuy nhiên, chúng ta khoan bàn về chuyện có hay không một chiếc Apple Car, hãy cùng thảo luận về điều gì sẽ xảy ra nếu Apple thực sự “làm” xe?
Theo Asia Nikkei, Táo khuyết sẽ hợp tác với nhà sản xuất ôtô truyền thống trong một thỏa thuận mang tính ràng buộc giữa hai bên, chiến lược tương tự được dùng để làm ra iPhone.
Nếu điều này thực sự diễn ra, Apple chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến bối cảnh cạnh tranh của ngành công nghiệp ôtô.
Làm xáo trộn chuỗi cung ứng linh kiện
Theo Asia Nikkei, sau khi truyền thông đưa tin về khả năng gia nhập thị trường ôtô của Apple, một loạt công ty công nghệ cao của Mỹ và Trung Quốc đã tăng trưởng vượt bậc.
Tại Mỹ, các công ty như Velodyne LiDAR, một đơn vị sản xuất cảm biến phát hiện ánh sáng và LiDAR cho xe tự lái, đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của các nhà đầu tư.
Với nền tảng công nghệ vượt trội, Apple nhiều khả năng sẽ nhượng quyền sản xuất cho các bên thứ ba. Ảnh: Foxbusiness
Hoặc như ở Trung Quốc, các nhà đầu tư đổ xô vào Contemporary Amperex Technology, công ty xuất pin cho xe điện và các linh kiện liên quan khác lớn nhất thế giới.
Các công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ và châu Âu cho biết, Apple Car sẽ mang trong mình “khối lượng” công nghệ cao đáng nể. Đường lối kinh doanh của các nhà cung cấp linh kiện ôtô lớn có thể bị thay đổi.
Apple EV (dự án sản xuất xe điện) sẽ gây tác động lớn đến ngành qua việc ứng dụng công nghệ sản xuất điện thoại vào xe và phân chia sản xuất theo chiều ngang.
Cụ thể, Apple có thể sẽ tập trung hoàn toàn vào thiết kế và công nghệ, sau đó chuyển lại phần gia công sản xuất cho các công ty đối tác mà Hon Hai Precision Industry, một nhà sản xuất điện tử hàng đầu của Đài Loan, là một ứng viên tiềm năng.
Cách tiếp cận này khả năng sẽ làm lung lay mô hình kinh doanh hiện tại của ngành, vốn thường đi theo chiều dọc, trong đó các nhà sản xuất truyền thống tham gia vào toàn bộ quá trình từ thiết kế đến lắp ráp.
Sản xuất theo chiều ngang không còn lạ lẫm ở Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực phương tiện đi lại.
Baidu, một công ty Internet hàng đầu của Trung Quốc, dẫn đầu về công nghệ tự lái, đã thông báo hôm 11/1, rằng họ sẽ hợp tác sản xuất xe điện với Zhejiang Geely Holding Group, một nhà sản xuất xe hơi lớn ở Trung Quốc, trên cơ sở sản xuất thiết bị gốc.
Ngoài ra còn có Didi Chuxing Technology, nền tảng gọi xe lớn nhất Trung Quốc với 550 triệu khách hàng trên toàn thế giới, vừa nhận một chiếc xe điện được sản xuất bởi BYD Auto, một nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.
Didi đặt ra mục tiêu đưa 1 triệu chiếc xe vào sử dụng năm 2025.
Hãng công nghệ Didi Trung Quốc nhận xe được gia công sản xuất bởi BYD Auto. Ảnh: Sourci
Với Apple EV, ngoài Hon Hai Precision Industry, Magna International, một nhà cung cấp phụ tùng hàng đầu của Canada, cũng sẽ là ứng cử viên hàng đầu để sản xuất xe cho Apple.
Hoặc Foxconn của Đài Loan, công ty đã hợp tác với Apple trong lĩnh vực sản xuất điện thoại thông minh, cũng đang ráo riết lên kế hoạch nhằm giành lấy đơn đặt hàng từ ông lớn công nghệ.
Các hãng ôtô truyền thống sẽ mất “cái tôi” vì Apple?
Mặt tốt của dự án Apple EV là tạo thêm nhiều doanh thu cho các nhà sản xuất ôtô. Hyundai Motor cho biết hôm 8/1 rằng họ đang đàm phán với Apple cho mối quan hệ hợp tác tương lai. Nếu suôn sẻ, Hyundai sẽ nâng cao lợi nhuận, công suất và cả tiếng tăm của mình.
Tuy nhiên, mặt trái của dự án là có thể làm mất đi cá tính và sự vượt trội của các đơn vị sản xuất xe đầu ngành. Tức là, các hãng sản xuất ôtô có thể sẽ trở thành nhà thầu phụ và tập trung quá nhiều nguồn lực vào sản xuất linh kiện cho Apple mà quên mất đi nhiệm vụ ban đầu của mình là chiếm lĩnh thị trường, giám đốc điều hành một hãng xe lớn của Nhật cảnh báo.
BYD quyết định sản xuất xe điện cho Didi với mục đích duy nhất là thu được lợi nhuận thông qua việc tăng sản lượng, họ ít chú ý đến sự sáng tạo và tính độc quyền, một chuyên gia phân tích trong ngành công nghiệp ôtô cho biết.
Tim Cook trong một lần đến thăm Foxconn, đơn vi sản xuất linh kiện điện thoại cho Apple. Ảnh: CNBC
Tiền không còn là tất cả
Apple không chỉ áp đặt luật chơi của mình lên các hãng ôtô truyền thống bằng cách khiến các công ty này tranh nhau trở thành thầu phụ của Apple, mà còn khiến cho việc cạnh tranh với Apple Car thật sự khó khăn cho những hãng không hợp tác với Táo khuyết.
Theo bài phân tích trên trang HBR, nếu gia nhập ngành ôtô, Apple có thể tập trung vào hai lĩnh vực: trải nghiệm người dùng và hệ thống phân phối, điều mà các hãng xe truyền thống dường như đang còn yếu.
Apple sẽ làm điều tương tự như họ đã từng làm với iPhone khi mở ra vô số Apple Stores năm 2011 và đánh bại Nokia và Blackberry. Trải nghiệm và mạng lưới hỗ trợ “genius bar” rộng khắp là những điều làm cho iCar trở thành sản phẩm và dịch vụ của thế kỷ.
Không cần đến yếu tố thương hiệu, Apple với thế mạnh về trải nghiệm người dùng và nền tảng công nghệ sẽ làm thay đổi quan điểm và nhu cầu của khách hàng của ngành công nghiệp này.
Việc sản xuất một chiếc xe chỉ là điều tối thiểu Apple đang làm, tái cấu trúc lại ngành, làm những điều mà các ông lớn đương nhiệm đang chưa làm: mô hình mua sắm “end to end”, trải nghiệm người dùng và chứng minh tiền không còn là tất cả mới thực sự là những gì Apple quan tâm.
Toyota chắc hẳn sẽ “đau đầu” nhất nếu Apple gia nhập ngành ôtô. Ảnh: Autoinfluence
Hãy kết lại bài viết này bằng ví dụ của Toyota, nếu Apple lấn sân sang thị trường ôtô, Toyota chắc chắn sẽ là người mất nhiều nhất.
So với các hãng xe châu Âu như BMW hay Mercedes, Toyota tuy có thị phần dẫn đầu nhưng lại luôn quá tôn trọng các nguyên tắc cơ bản về thiết kế và chiến lược kinh doanh, ngay cả thị trường đang đổi mới.
Điều này ở khía cạnh nào đó trở thành điểm yếu nguy hiểm của Toyota, và Apple ngay cả khi chưa từng chế tạo một chiếc xe nào, vẫn có thể chứng minh mình là đối thủ nặng ký và xứng tầm nhất mà Toyota từng đối đầu.
Toyota hiểu rằng Apple có thể thiết kế, chế tạo và cung cấp những trải nghiệm mà những khách hàng trung nhất của Toyota mong muốn.
Đó có thể không còn là câu chuyện làm ra một chiếc “ôtô”, mà sẽ là tạo ra một định nghĩa mới, giúp xác định lại cách mọi người nghĩ và cảm nhận về ý nghĩa của việc mua, sở hữu và lái một chiếc ôtô.