Trái tim người lính mang nặng ân tình

(Baohatinh.vn) - “Nợ ân tình” là món nợ của một trái tim nhân hậu, đầy yêu thương với cuộc đời, con người. Đọc cuốn hồi ký, chúng ta càng hiểu hơn trái tim mang nặng ân tình của một người cựu binh, càng yêu thêm những người lính, yêu thêm đất nước Việt Nam một thời đạn lửa, gian lao khó nhọc nhưng anh hùng, vinh quang.

z5781155941762_e92eca39d3d1a35422b97720c21e1e2d.jpg

Tôi may mắn là người thuộc quyền hơn 20 năm của anh, nhà báo - nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Lê Hữu Quý, người cựu binh đã từng trải qua cuộc chiến khốc liệt với vết thương hằn trên gương mặt và nụ cười đôn hậu như tính cách, con người của anh.

f8-1241.jpg
f1-8807.jpg
Nhà báo Lê Hữu Quý thời làm Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh và lúc trẻ.

Dẫu nhiều lần được nghe anh kể về vùng đất phương Nam có Long An, Tháp Mười, nơi anh đã trải qua những trận chiến sinh tử nhưng khi đọc cuốn tự truyện “Nợ ân tình”, tôi mới thật sự tường tận về những năm tháng chiến đấu gian khổ, những giờ phút đối mặt với cái chết của anh và đồng đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi cũng hiểu rõ hơn những năm tháng làm báo sôi nổi của anh cùng đồng nghiệp trên mảnh đất Lam Hồng.

f5.jpg
Những ngày ở chiến trường là chất liệu để tác giả viết phần "5 năm đời quân ngũ" trong cuốn hồi ký Nợ ân tình.

Cuốn hồi ký có 5 phần rất rõ: Tuổi thơ vất vả; 5 năm đời quân ngũ; 9 năm học ở Hà Nội; 30 năm làm báo; Những năm tháng còn lại.

Những dòng chữ như thước phim quay chậm hiện ra trước mắt: Thị xã “phố làng” những năm 1960 nghèo đói, một gia đình đông con, bố mẹ và các con làm nông vất vả. Nhưng đó là một gia đình yêu nước, có tinh thần cách mạng, sẵn sàng động viên các con lên đường đi đánh giặc, ngày tháng khắc khoải chờ mong tin con. Hình ảnh chàng thiếu niên theo cha đi làm ruộng, chàng thanh niên Lê Hữu Quý cần cù lao động, xông pha cứu người và tài sản sau những trận bom Mỹ, sẵn sàng gác bút nghiên lên đường, cùng đồng đội quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… khiến ai đọc cũng liên tưởng đến một thế hệ thanh niên Việt Nam tràn đầy khát vọng, hoài bão cứu nước, không quản ngại gian khổ hy sinh.

f4.jpg
Nhà báo Lê Hữu Quý chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân Nguyễn Hồng Vinh.

Mỗi vùng đất anh từng đi qua, từ Bắc vào Nam, sang Campuchia, vòng lên Tháp Mười, Long An, nơi diễn ra những cuộc chiến ác liệt giữa ta và địch, những phút giây giữa lằn ranh sinh tử, những ngày bị thương vẫn phải tránh càn, những ngày tháng về an dưỡng ở Campuchia rồi qua Lào để trở về Việt Nam v.v… được anh kể lại khá chi tiết, tỉ mỉ, nhất là tên người, tên đất, những gương mặt đồng đội cùng chiến đấu, hy sinh… giúp ta hình dung một Lê Hữu Quý dũng cảm chiến đấu, hết lòng thương yêu đồng đội và mang nặng ân tình với Nhân dân đã cưu mang, che chở các anh. Qua những câu chuyện của anh cũng thấy rõ quân đội ta tuy thiếu thốn nhiều thứ nhưng luôn tràn đầy tinh thần chiến đấu, lạc quan cách mạng, dũng cảm kiên cường, có tính kỷ luật cao, đùm bọc thương yêu nhau, quân với dân là tình cá nước. Đúng như Tố Hữu viết: “Ta hiểu vì sao ta chiến đấu/ Ta hiểu vì ai ta hiến máu”.

Đọc cuốn hồi ký của anh, ta hiểu hơn về tình hình đất nước, tỉnh Nghệ Tĩnh, Hà Tĩnh những năm sau khi nước nhà thống nhất. Dù đói khổ, thiếu thốn trăm bề, Đảng và dân vẫn chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, bước vào công cuộc xây dựng CNXH và đổi mới đất nước. Trong khó khăn, chàng sinh viên Lê Hữu Quý dù đã lập gia đình vẫn học xong 2 bằng đại học: đại học tổng hợp và đại học báo chí. Những năm trên giảng đường đại học, người cựu binh, người đảng viên vẫn luôn mẫu mực, đầu tàu. Trở về quê nhà Nghệ Tĩnh công tác, rồi tách tỉnh trở về Hà Tĩnh, anh đã cùng tập thể cán bộ, phóng viên Báo Nghệ Tĩnh, Báo Hà Tĩnh xây dựng tờ báo tỉnh Đảng bộ ngày càng phát triển, trở thành tiếng nói tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân 2 tỉnh Nghệ - Tĩnh.

z5780022295802_e46e2c024d547750201d61cc9dbeff03.jpg
f7.jpg
Một số hoạt động trong cuộc đời làm báo của nhà báo Lê Hữu Quý.

“Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”, người lính năm xưa từng vào sinh ra tử, nay cùng đội ngũ những người làm báo trở thành người chiến sĩ trên mặt trận báo chí, phản ánh trung thực công cuộc đổi mới diễn ra từng ngày trên mảnh đất Lam Hồng, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tôn vinh truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân đóng góp sức mình xây dựng quê hương. Qua tự truyện của anh, người đọc cũng có thể hiểu được từng giai đoạn đi lên của tờ báo tỉnh nhà, nhiều gian khó và cũng rất đỗi vinh quang. Những nhà báo trẻ hôm nay có thể từ đó rút ra cho mình nhiều bài học bổ ích trong nghề.

f12.jpg
Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh chụp ảnh cùng một số cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh.

Nhưng có lẽ, lắng đọng nhất, gây xúc động, lay thức lòng người nhất trong tự truyện là những trang anh viết về đồng đội của mình, về những người dân đã che chở, cưu mang anh nơi đóng quân, nơi chiến trận giao tranh ác liệt hằng ngày. Những đồng đội bị thương, hy sinh được anh kể lại tỉ mỉ, chi tiết, rõ ràng, đầy đủ cho thấy dù bao nhiêu mùa cây thay lá, đông qua xuân tới, anh vẫn không nguôi nhớ thương đồng đội, vẫn nặng ân tình với Nhân dân.

Hình ảnh hai má con ở vùng địch chiếm đóng mang ra vườn bát cháo thịt chuột giúp anh cầm hơi lúc đói lả, cô đơn cùng cực, vết thương chưa lành phải chạy càn khắc sâu vào tâm trí anh ân nghĩa chưa đáp đền được vì khi trở lại không tìm được má. Những chuyến đi tìm mộ bạn, những cuộc trùng phùng ở nhiều miền quê mà anh có dịp đi công tác và mới đây nhất, chuyến thăm Côn Đảo vào tháng 8/2023, trở về Long An - Tháp Mười của anh, cuộc hội ngộ với nữ giao liên Bé Ba làm tôi rơi nước mắt vì xúc động.

Đúng như anh viết: “Những tình cảm thiêng liêng cao quý đó không cân đong đo đếm được, không bút mực nào tả nổi!”; “43 năm công tác, tôi đã có mặt ở 63 tỉnh, thành,… 6 lần trở lại Kinh Bắc, 5 lần trở lại vùng Đồng Tháp, 3 lần trở lại Lào, 1 lần trở lại Campuchia và nhiều lần đến thăm các gia đình liệt sĩ bạn tôi. Là người làm báo nên đi đến đâu, ngoài việc thu thập tài liệu viết bài, tôi tìm cách gặp gỡ tri ân những người đã cưu mang giúp đỡ bản thân trong quá trình học tập, chiến đấu, công tác”. Dẫu hiện nay anh đã có cuộc sống đủ đầy sung túc trong một gia đình êm ấm, hạnh phúc nhưng niềm thương, nỗi nhớ đồng đội vẫn không hề nguôi ngoai. Đó cũng chính là lý do anh đặt tên cuốn tự truyện là “Nợ ân tình”.

f2.jpg
Nhà báo Lê Hữu Quý chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Báo Hà Tĩnh qua các thời kỳ dịp kỷ niệm 60 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu (năm 2022).

“Nợ ân tình” là món nợ của một trái tim nhân hậu, đầy yêu thương với cuộc đời, con người. Món nợ lớn ấy không làm ai nặng gánh thêm, mệt mỏi thêm. Trái lại, qua mỗi lần đọc, chúng ta càng hiểu hơn về đất nước Việt Nam một thời đạn lửa, gian lao khó nhọc nhưng anh hùng, vinh quang. Chúng ta càng thấy phải sống có trách nhiệm hơn với đất nước, quê hương, với xã hội, càng mong muốn thể hiện sự tri ân những lớp người đi trước đã cống hiến xương máu, tuổi trẻ, sức lực cho đất nước tự do, độc lập, càng trân quý hơn cuộc sống hòa bình hạnh phúc mà mình đang có.

Đọc thêm

Trẩy hội ngày xuân

Trẩy hội ngày xuân

Khi những cánh mai, đào dần phai, mùi trầm hương đã vãn, là lúc tiếng trống mùa lễ hội vang lên trên khắp các vùng quê Hà Tĩnh. Trong sắc xuân mới, các nẻo đường lại rộn rã, náo nức bước chân của người dân tứ xứ về trẩy hội.
“Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân...”

“Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân...”

Mỗi khi nghe nhạc phẩm “Lá xanh” trong tôi lại rạo rực, bồi hồi. Bài hát là bản tình ca về những người lính dũng cảm, kiên cường trong chiến tranh và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều hoạt động tại lễ hội đền Linh Nha

Nhiều hoạt động tại lễ hội đền Linh Nha

Lễ hội đền Linh Nha (thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh) được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước cho Nhân dân.
Đi trong mùa lộc biếc

Đi trong mùa lộc biếc

Tháng Giêng - trong thao thiết gọi mời, hơi ấm từ ngọn gió xuân thức dậy cả đất trời những miền quê Hà Tĩnh, làm thắm tươi những lộc non, chồi biếc, mang theo bao niềm ước vọng về sự thịnh vượng của đất nước, quê hương.
Du lịch Hà Tĩnh rộn rã khởi động năm 2025

Du lịch Hà Tĩnh rộn rã khởi động năm 2025

Phát huy kết quả trong năm 2024, từ đầu xuân Ất Tỵ 2025, ngành du lịch Hà Tĩnh đã khởi động một cách tích cực, mạnh mẽ bằng nhiều chương trình, hành động thiết thực nhằm thu hút du khách.
Bản “hòa tấu” của các di sản văn hóa

Bản “hòa tấu” của các di sản văn hóa

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” được Hà Tĩnh phối hợp tổ chức cuối năm 2024 đã để lại trong lòng các nghệ nhân mọi miền những ấn tượng mạnh mẽ về "bản hòa tấu" di sản văn hóa dân tộc.
Nỗ lực tôn vinh văn hóa, con người Hà Tĩnh

Nỗ lực tôn vinh văn hóa, con người Hà Tĩnh

Bằng sự nghiên cứu, sáng tạo, nhiều văn nghệ sỹ, chuyên gia nổi tiếng cả nước đã dành nhiều tâm huyết để lan tỏa, nhân lên những giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh tới bạn bè muôn phương.
Kẻ sỹ Ngàn Hống - dấu ấn trăm năm

Kẻ sỹ Ngàn Hống - dấu ấn trăm năm

Sau hơn 30 năm đam mê, kiên nhẫn, miệt mài, nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy đã để lại một di sản hàng ngàn trang viết về địa chí, lịch sử, văn hóa, con người… của vùng đất Nghệ - Tĩnh.
Náo nức hội xuân

Náo nức hội xuân

Đến với Hà Tĩnh vào dịp xuân về, du khách sẽ được hòa mình vào không khí rộn ràng của các lễ hội, được khám phá cảnh sắc và nét độc đáo của văn hóa, con người vùng đất núi Hồng - sông La.
Náo nức xuân sang

Náo nức xuân sang

Khi những cành đào bật nụ hồng tươi, mai vàng bung hoa rực rỡ và trên phố phường, đường quê tấp nập người đi lại, ấy là khi ngày tết Nguyên đán cận kề.
Hân hoan “chào” Tết

Hân hoan “chào” Tết

Khi những cây mai, cành đào “đua nhau” xuống phố, cũng là lúc người dân Hà Tĩnh trên mọi miền quê chung niềm háo hức chờ đón xuân mới ấm áp, an lành, hạnh phúc cùng niềm tin thắng lợi mới.
Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen (Hà Tĩnh) hân hoan chào đón năm mới với cờ đỏ sao vàng tung bay, muôn hoa khoe sắc thắm, sắc xuân hiện lên trong từng ánh mắt, nụ cười rạng ngời của người dân.
Gìn giữ phong vị Tết

Gìn giữ phong vị Tết

Với người Việt, phong tục Tết cổ truyền không chỉ là “di sản” văn hóa vô giá mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giúp mỗi người hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.