Triển khai Luật BHYT sửa đổi: Người dân còn nhiều bỡ ngỡ

(Baohatinh.vn) - Vào ngày làm việc đầu tiên của năm 2015 (5/1) các bệnh viện trên cả nước tiến hành áp dụng Luật BHYT sửa đổi. Lần sửa đổi này đã mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật BHYT được áp dụng trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên do chưa phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân nên có nhiều điểm mới sửa đổi khi đưa vào áp dụng đang khiến người dân gặp nhiều lúng túng, bỡ ngỡ.

Những điểu mới trong Luật BHYT sửa đổi khiến nhiều người dân bỡ ngỡ

Tại BVĐK Hà Tĩnh, sau 2 ngày làm việc đầu tiên của năm 2015, có khá đông người dân đến khám và điều trị. Sau khi khám xong, rất nhiều người có thẻ BHYT nhưng không có giấy giới thiệu chuyển viện đúng tuyến và không phải nhập viện điều trị nội trú đã thắc mắc khi phải nộp 100% tiền khám bệnh.

Bởi lẽ, bình thường dù bệnh nhân không có giấy giới thiệu chuyển tuyến của bệnh viện tuyến dưới mà lên thẳng BVĐK Hà Tĩnh để khám bệnh thì cũng chỉ phải nộp 50% lệ phí khám, còn 50% còn lại do BHYT chi trả.

Tuy nhiên, theo Luật BHYT sửa đổi thì những bệnh nhân đi khám trái tuyến, nếu không phải nhập viện điều trị nội trú sẽ phải thanh toán 100% tiền viện phí; nếu nhập viện điều trị, sẽ được bảo hiểm chi trả 60% chi phí khám chữa bệnh theo mã thẻ bảo hiểm.

Nhân viên BVĐK Hà Tĩnh hướng dẫn, giải thích kỹ lưỡng cho người dân về những nội dung sửa đổi

Khi phải thanh toán 100 % các chi phí xét nghiệm, bác Hoàng Văn Lộc (47 tuổi, trú tại Lộc Hà) ngỡ ngàng: "Bình thường tôi vào BVĐK Hà Tĩnh khám, điều trị đều được giảm tiền vì gia đình có thẻ BHYT dành cho hộ nghèo. Nhưng hôm nay tôi đưa thẻ BHYT ra nhưng vẫn không được bệnh viện giảm trừ khiến tôi và rất nhiều bệnh nhân ở đây thắc mắc, khó hiểu?".

Theo anh Trần Như Long, chuyên viên Phòng Giám định BHYT tại BVĐK Hà Tĩnh thì không chỉ riêng bác Lộc thắc mắc, mà từ ngày 5/1/2015 đến nay có rất nhiều người dân có thẻ BHYT vượt tuyến lên đây khám, điều trị cũng có tâm lý như vậy. Phần đa người dân chưa nắm kỹ các nội dung sửa đổi của Luật BHYT vừa có hiệu lực.

"Khi gặp phải các trường hợp khám vượt tuyến, chúng tôi đã cho các nhân viên của bệnh viện hướng dẫn, giải thích tận tình để người dân hiểu được những điểm mới trong Luật BHYT sửa đổi đồng thời tạo điều kiện tối đa để người dân được hưởng các chế độ, chính sách theo luật mới" - anh Long cho biết thêm.

Theo thống kê, từ ngày 5/1 đến nay, BVĐK Hà Tĩnh đã có khoảng trên 40 người đến khám, điều trị trái tuyến. Do được hướng dẫn, giải thích kịp thời, kỹ lưỡng nên người dân đều chấp hành nghiêm quy định mới là về lại tại các bệnh viên tuyến dưới khám theo tuần tự.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân vượt tuyến đang điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương trước ngày 31/12/2014 cũng gặp một chút khó khăn. Hiện nay có rất nhiều bệnh nhân do tình trạng, mức độ nghiêm trọng của bệnh nên đang phải khám và điều trị trái tuyến ở các bệnh viện Trung ương, nhưng khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực thì các bệnh nhân trái tuyến này phải về lại bệnh viện tỉnh để xin giấy chuyển tuyến.

Cần có sự tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung của Luật BHYT sửa đổi đề người dân được nắm rõ

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (BVĐK Hà Tĩnh), sau 2 ngày áp dụng Luật BHYT sửa đổi, đã có tới 147 bệnh nhân từ các tuyến trên trở về xin giấy chuyển tuyến.

Đang điều trị bệnh tiểu đường mãn tính ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Phan Bá Hùng (Can Lộc) cho biết: “Tôi vừa trở về BVĐK Hà Tĩnh để xin giấy chuyển tuyến để tiếp tục ra Hà Nội điều trị. Nếu không, gia đình tôi khó lòng mà chi trả được tiền viện phí.”

Có thể nói, Luật BHYT sửa đổi với các điểm mới đã góp phần tạo điều kiện cho người dân, nhất là người nghèo, người mắc bệnh nặng tiếp cận được với các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao. Tuy nhiên, để luật thật sự đi sâu vào cuộc sống, bảo đảm được quyền lợi, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân được biết, đặc biệt là đối với người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo quy định mới từ ngày 1/1/2015, có nhiều loại thuốc chữa ung thư, viêm khớp, viêm gan… sẽ không nằm trong danh mục được BHYT chi trả 100%. Trong đó, có 4 loại thuốc điều trị ung thư gồm Doroxubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib sẽ không được chi trả. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân đã điều trị từ trước thời điểm 1/1/2015 vẫn được Quỹ BHYT thanh toán 100% cho đến hết liệu trình điều trị.

Chủ đề Bảo hiểm xã hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói