10 năm xung đột không hồi kết: Hòa bình vẫn là giấc mơ xa vời của Syria

Sau 10 năm nội chiến với khoảng 600.000 người thiệt mạng và 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, những triển vọng hòa bình của Syria vẫn vô cùng mờ mịt.

Tiến trình đàm phán rơi vào bế tắc

Sự thất bại của vòng đàm phán cuối cùng trong các cuộc trao đổi do Liên Hợp Quốc chủ trì ở Geneva, Thụy Sĩ giữa chính phủ Syria và phe đối lập đã khiến cho các nhà ngoại giao và các nhà phân tích cân nhắc về việc làm thế nào để nối lại những nỗ lực ngoại giao giữa bối cảnh lực lượng trung thành với chính phủ ở Damascus từ chối tham gia vào các quy trình đàm phán đã được thỏa thuận.

10 năm xung đột không hồi kết: Hòa bình vẫn là giấc mơ xa vời của Syria

Sau 10 năm nội chiến, tương lai của Syria vẫn vô cùng mờ mịt. Ảnh: Reuters

Việc hai bên không thể đạt được bất kỳ tiến triển đáng kể nào trong cuộc họp thứ 5 đã khiến đặc phái viên của Liên Hợp Quốc Geir Pedersen tạm dừng đàm phán vô thời hạn. Nhà ngoại giao Na Uy này đổ lỗi cho các đại diện của chính phủ Syria vì đã từ chối các đề xuất được đưa ra.

Sau 15 tháng và 5 cuộc họp kể từ khi tiến trình này bắt đầu, ủy ban trên vẫn chưa nhất trí được những vấn đề thủ tục cơ bản và không có kế hoạch thúc đẩy quy trình này.

Sự sụp đổ của tiến trình đàm phán Geneva diễn ra không phải là điều bất ngờ nhưng có một thực tế là phía Syria và đặc phái viên của Liên Hợp Quốc sẽ không đạt được bất kỳ tiến triển nào nếu không có cam kết ủng hộ tiến trình chính trị này từ cộng đồng quốc tế.

Chỉ riêng Liên Hợp Quốc sẽ không thể điều phối toàn bộ tiến trình chính trị trên, vốn bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như: nguyện vọng của người dân Syria, mục tiêu của chính phủ Syria, tham vọng của các phe phái đối lập và những chính sách đối lập của ít nhất 7 bên trong khu vực và trên quốc tế liên quan đến cuộc xung đột ở Syria.

Phạm vi hạn chế của tiến trình Astana

Tiến trình Astana được khởi động vào năm 2017 do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đề xướng đã chứng minh được tính hiệu quả của cơ chế làm giảm xung đột quân sự tại Syria nhưng nó không thể trở thành một diễn đàn thay thế cho những sắp xếp về mặt chính trị.

“Astana có phạm vi hạn chế và chúng tôi không đặt kỳ vọng quá cao vào những điều có thể đạt được”, Andrey Kortunov, giám đốc Hội đồng các vấn đề đối ngoại Nga nhận định.

Nga đã sử dụng tiến trình Astana để đặt ra những mục tiêu ngắn hạn về mặt quân sự, phù hợp với các mục tiêu chiến thuật của Nga nhằm giúp chính quyền Tổng thống Syria Assad bảo vệ phần lãnh thổ giành lại được từ các nhóm đối lập.

Tiến trình Astana cũng đưa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga xích lại gần nhau trong khi khiến Ankara xa rời các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ.

Tuy nhiên, ngoài những tuyên bố chính thức về việc ủng hộ tiến trình của Liên Hợp Quốc trong vấn đề Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tồn tại những quan điểm chia rẽ về một số vấn đề chính trị.

“Có một sự hiểu sai về tiến trình Astana, Đây là kênh đối thoại giữa 3 quốc gia có những chính sách vô cùng khác nhau. Họ gặp nhau trong khi luôn xem xét và tìm cách cân bằng với các nhân tố khác”, Murat Aslan, một nhà nghiên cứu an ninh tại SETA, một think tank về chính sách tại Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.

Nếu tiến trình Astana không đưa đến một thỏa thuận chính trị, những câu hỏi về vai trò của Nga và kế hoạch của chính quyền Tổng thống Assad đối với tương lai của Syria sẽ ngày càng gia tăng.

Vai trò của Nga và Mỹ ở Syria

Các nhà phân tích đều nhất trí rằng Moscow muốn thấy một Syria đoàn kết và ổn định. Tuy nhiên, trong mắt của Nga, các phe phái đối lập khác nhau là những “con tin” của các nhà tài trợ nước ngoài và do đó, không có một đại diện đàm phán đáng tin.

Sự chia rẽ về lợi ích giữa các nhóm ở Syria khiến cho điện Kremlin sẽ tiếp tục duy trì tình trạng hiện tại nhằm hướng đến một giải pháp đạt được lợi ích nhiều nhất về mặt kinh tế và hạn chế tối đa sự gián đoạn.

Moscow hiện vẫn chưa sẵn sàng thay đổi cán cân quyền lực mong manh giữa những lợi ích chiến lược của mình với lợi ích của các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và ở một mức độ nào đó là cả Mỹ.

“Tôi không nhận thấy bất kỳ chiến lược rút lui rõ ràng nào cho Nga hiện nay. Sau 5 năm tiến hành các chiến dịch ở Syria thì tình hình hiện nay có vẻ phù hợp với các mục tiêu của Nga về mặt tài chính và quân sự. Đây không phải là tình hình hoàn hảo nhưng có thể chấp nhận được”, chuyên gia Kortunov cho hay.

Hiện nay, Syria đang đặt kỳ vọng rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ có một chính sách chủ động hơn ở quốc gia Trung Đông này so với những người tiền nhiệm.

Lãnh đạo phe đối lập ở Syria al-Hariri nhận định với Al Jazeera rằng ông hy vọng sẽ có chuyến thăm tới Washington vào tháng 3 này để thảo luận về giải pháp pháp vỡ thế bế tắc hiện nay.

“Thời gian đã chín muồi cho sự tái can thiệp của Mỹ nhằm cân bằng với các chính sách của Nga và Iran tại Syria”, nhà phân tích Aslan bình luận, đồng thời cho rằng Mỹ nên trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga để đạt được sự nhất trí tối thiểu về các điều khoản có thể chấp nhận được.

Một điểm bế tắc hiện nay trong tiến trình hòa giải ở Syria là lập trường của Mỹ về vấn đề người Kurd. Ông Biden từng chỉ trích rằng việc Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria sẽ “bật đèn xanh” cho các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

SDF do Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) lãnh đạo, một lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là có liên hệ với lực lượng PKK mà nước này coi là một tổ chức “khủng bố”.

“Sự ủng hộ của YPG là một làn ranh đỏ với Thổ Nhĩ Kỳ”, nhà phân tích Aslan đánh giá.

Việc ông Biden bổ nhiệm ông Brett McGurk là điều phối viên phụ trách khu vực Trung Đông trong Hội đồng An ninh Quốc gia đã cho thấy sự mở đầu của một mối quan hệ không dễ dàng với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông McGurk là một người có quan điểm cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy liên minh giữa Mỹ và lực lượng người Kurd trong suốt cuộc chiến chống IS dưới thời Tổng thống Obama. Năm 2018, ông đã từ chức sau khi Tổng thống Trump rút quân Mỹ khỏi phía bắc Syria.

Năm 2019, ông McGurk cho rằng sự vắng mặt của Mỹ sẽ khiến người Kurd tìm kiếm một thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Assad và Nga nhằm đổi lại một hình thức tự trị nào đó về mặt chính trị.

Tuy nhiên, đề xuất của ông McGurk rằng, sự can thiệp của Mỹ vào Syria nên diễn ra hạn chế để bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công của Iran và đối phó với IS, có lẽ là dấu hiệu cho thấy Mỹ không muốn can thiệp sâu vào các vấn đề ở Syria.

Mỹ đã suy giảm đáng kể ảnh hưởng ở Syria trong những năm qua và một số nhà ngoại giao cho rằng thay vì cố gắng bắt kịp với các đối thủ trong khu vực, Washington nên chấp nhận vai trò bên lề của mình hoặc sẽ không nhận được bất kỳ điều gì.

Một bài bình luận của cựu đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford đã làm dấy lên cuộc tranh luận về đề xuất của ông rằng liệu Mỹ có nên chấp nhận thất bại ở Syria hay không.

Lối thoát nào cho Syria?

Hiện vẫn chưa rõ chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden với Syria là gì giữa bối cảnh vị trí đặc phái viên Mỹ về Syria vẫn bỏ trống. Tuy nhiên, Syria không còn được coi là một ưu tiên của Washington bởi chính quyền Mỹ đang bận đối phó với những vấn đề khẩn cấp khác, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Các nhà phân tích cũng cho rằng Trung Quốc và thỏa thuận hạt nhân Iran hiện nay đều là những vấn đề cấp bách hơn Syria.

Tuy nhiên, một hướng tiếp cận đang được cân nhắc là sáng kiến của Trung tâm Carter ở Atlanta, theo đó đề xuất chính phủ Syria nên tiến hành một số cải cách nhằm đổi lấy các khoản hỗ trợ tài chính nhằm tái thiết đất nước và giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.

Hrair Balian, giám đốc chương trình giải pháp xung đột ở Trung tâm Carter đề xuất rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu nên từ bỏ những yêu cầu quá cao như thay đổi chế độ ở Syria, một trong những điều khoản của nghị quyết 2254 của Liên Hợp Quốc.

“Chúng ta nên có cái nhìn thực tế và thừa nhận rằng hướng tiếp cận cứng rắn trong 10 năm qua không hiệu quả. Các lệnh trừng phạt không thay đổi được điều gì. Sự cô lập và trừng phạt hiếm khi tạo nên được những kết quả như mong muốn. Đã đến lúc thử những hướng đi khác”, ông Balian cho hay.

Hướng tiếp cận mà ông Balian đề xuất cũng được nhà ngoại giao Mỹ Jeffrey Feltman ủng hộ, người được cho sẽ là ứng viên tiềm năng đảm nhiệm vị trí nhà đàm phán Mỹ về vấn đề Syria.

Các quan chức Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ khi mà tính hợp pháp của chúng đang bị đặt câu hỏi. Họ cho rằng Đạo luật Bảo vệ Dân thường Syria Caesar mà Mỹ áp đặt lên Syria vào tháng 6/2020 đang ngăn cản Syria tiếp cận những công cụ cần thiết để tái thiết đất nước và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Cuộc khủng hoảng không có hồi kết

Syria đang chìm sâu vào những cuộc khủng hoảng không có lối thoát khi hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và không có triển vọng đạt được một giải pháp về mặt chính trị.

Mặc dù yên ả hơn so với những năm trước nhưng bạo lực và xung đột vẫn tiếp diễn ở khu vực Idlib nằm ở đông bắc và dọc theo biên giới phía nam với Iraq.

Khoảng 13,4 triệu dân thường đang cần cứu trợ nhân đạo năm nay ở Syria so với con số 11 triệu người vào năm ngoái.

2 triệu dân thường Syria vẫn sống trong cảnh đói nghèo. Bánh mì và nhiên liệu, những thứ từng là các mặt hàng xuất khẩu của Syria hiện trở nên khan hiếm ở quốc gia này.

Sau 10 năm nội chiến với khoảng 600.000 người thiệt mạng và 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, cho tới nay, Syria vẫn chưa đạt được một tiến trình hòa bình khả thi và triển vọng nhằm hướng đến những giải pháp cho cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này vẫn vô cùng mờ mịt./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast