Từ món ngon thường ngày trở thành sản phẩm OCOP

(Baohatinh.vn) - Sau khi đạt OCOP 3 sao, sản phẩm giò và xúc xích của cơ sở sản xuất Hiên Tý (thị trấn Vũ Quang, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã được nhiều khách hàng tin dùng.

z5328214056787_e9a7fa6ffe4c89f94ec7fc193e7fdd6a copy.jpg
Quy trình sản xuất xúc xích và giò của cơ sở Hiên Tý đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ việc làm giò, xúc xích để phục vụ nhu cầu của gia đình, bạn bè và được mọi người đón nhận, chị Thái Thị Hiên (SN 1988, trú tại TDP 3, thị trấn Vũ Quang) đã quyết định “nâng tầm” sản phẩm để bán ra thị trường.

Từ quyết định đó, năm 2019, chị cùng chồng là anh Phạm Đình Tý (SN 1984) vay vốn và mở xưởng sản xuất giò, xúc xích. Bước đầu, các sản phẩm xuất bán tại địa phương và được người dân nơi đây biết đến rộng rãi, tiêu thụ thuận lợi. Đến đầu năm 2023, với mong muốn đưa các sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường, chị Hiên đã quyết định đầu tư, cải tạo nhà xưởng, nâng cấp thiết bị chế biến… để tham gia chương trình OCOP.

Chị Hiên chia sẻ: “Vợ chồng tôi đã đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng rộng gần 200 m2. Những ngày đầu khi đi vào sản xuất chuyên nghiệp, chúng tôi gặp không ít khó khăn vì chưa quen cách sử dụng máy móc, nhiều sản phẩm làm ra không đạt chất lượng theo yêu cầu. Tuy vậy, chúng tôi không nản chí mà quyết tâm tìm ra công thức phù hợp, học cách vận hành máy móc… Dần dần, thành phẩm làm ra đã đáp ứng các yêu cầu ngon - sạch - đẹp mắt”.

Cuối năm 2023, với sự đầu tư chỉn chu về chất lượng, mẫu mã đẹp mắt, sản phẩm giò và xúc xích của cơ sở sản xuất Hiên Tý đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Anh dai dien.jpg
Sản phẩm giò và xúc xích của cơ sở sản xuất Hiên Tý đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất giò và xúc xích đạt OCOP, chị Hiên cho biết: “Để sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch, thơm ngon, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Cơ sở của chúng tôi thường nhập thịt lợn từ các trang trại đạt chuẩn trên địa bàn, còn các nguyên liệu như nước mắm, gia vị… được nhập từ các cửa hàng OCOP, thực phẩm sạch. Riêng với thịt lợn làm giò và xúc xích phải lấy loại thịt mông còn tươi bởi đây là phần thịt có độ kết dính cao, chắc và thơm. Thịt lợn sau khi được xử lý sẽ cho vào máy xay nhuyễn”.

Trong quá trình sản xuất, chế biến, cơ sở sản xuất Hiên Tý luôn tuân thủ quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các trang thiết bị, người và dụng cụ sản xuất luôn được vệ sinh khử khuẩn kỹ càng trước, trong và sau mỗi lần chế biến.

IMG-7412.jpg
Đoàn liên ngành huyện Vũ Quang kiểm tra chất lượng sản phẩm giò của cơ sở Hiên Tý.

“Phương châm của cơ sở là luôn đặt tiêu chí vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu, các công đoạn từ chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói… đều phải đảm bảo an toàn. Sản phẩm cũng không sử dụng chất bảo quản hay các phụ gia ngoài danh mục cho phép nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng” - chị Hiên cho hay.

Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở Hiên Tý sản xuất khoảng 60 - 70 kg giò và 50 kg xúc xích. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình… Tổng thu nhập mỗi năm của cơ sở khoảng 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động trên địa bàn với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

IMG_7178 copy.jpg
Vợ chồng chị Thái Thị Hiên đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chị Hiên cho biết: “Khi sản phẩm giò và xúc xích được công nhận đạt OCOP, tôi đã tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; đồng thời, tích cực quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Nhờ vậy, các sản phẩm của cơ sở đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Thời gian tới, cơ sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đặt mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm làm trọng và tích cực quảng bá sản phẩm”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Quang Lê Thị Ngọc Chiến chia sẻ: “Với ý chí, nghị lực cùng khả năng tìm tòi, sáng tạo, vợ chồng chị Thái Thị Hiên và anh Phạm Đình Tý đã mạnh dạn xây dựng nhà xưởng, sản xuất giò và xúc xích đạt chất lượng OCOP. Từ sự thành công của mô hình này, địa phương đang tiếp tục vận động các cơ sở sản xuất khác trên địa bàn tham gia chương trình OCOP nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đô thị văn minh”.

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Khi cây lúa lên xanh

Khi cây lúa lên xanh

Dù phải đối mặt với áp lực thời vụ lớn và ảnh hưởng của mưa lũ bất thường, cây lúa vẫn bén rễ, vươn lên mạnh mẽ từ sự bền bỉ và tình yêu với đồng ruộng của người nông dân Hà Tĩnh.
Can Lộc đẩy mạnh phát triển thuỷ sản nước ngọt

Can Lộc đẩy mạnh phát triển thuỷ sản nước ngọt

Tận dụng tiềm năng ao hồ, mặt nước dồi dào, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tập trung chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích, đầu tư nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng thâm canh, đa dạng hoá đối tượng nuôi.
Người dân Hà Tĩnh nuôi tằm trong phòng điều hòa

Người dân Hà Tĩnh nuôi tằm trong phòng điều hòa

Để tằm sinh trưởng, phát triển đạt hiệu quả tốt nhất, một số hộ dân ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn lắp điều hòa trong phòng nhằm duy trì nền nhiệt. Các mô hình mang lại hiệu quả, cho thu nhập khá.
Trồng rừng bản địa, lợi ích lâu dài từ đất rừng Hà Tĩnh

Trồng rừng bản địa, lợi ích lâu dài từ đất rừng Hà Tĩnh

Không chỉ là "lá phổi xanh", rừng bản địa Hà Tĩnh còn là nơi gìn giữ đa dạng sinh học, điều tiết nguồn nước, chống xói mòn và góp phần tạo sinh kế cho người dân. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm diện tích rừng tự nhiên, trồng rừng bản địa được xem là giải pháp bền vững, hướng tới những lợi ích lâu dài.