Xuất phát từ niềm đam mê, cùng với sự năng động, người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi này vẫn dày công, tốn của đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Bà Lý chia sẻ: Năm 2015, với diện tích 3ha đất đồi, bà bắt tay vào đầu tư xây dựng trang trại “đa hệ” với số tiền đầu tư gần 2 tỷ đồng. Ngày đó, làm việc quên ăn, quên ngủ bởi số tiền mình đầu tư chủ yếu vay mượn là chính. Những khó khăn bước đầu không thể tránh khỏi do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm chắc về quy trình kỹ thuật nên “nếm mùi” thất bại.
“Có lúc tôi cũng nghĩ mình buông xuôi khi các loại cây ăn quả chưa mang lại hiệu quả; đàn bò, đàn lợn “dính” phải dịch bệnh, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Nhưng với phương châm “vạn sự khởi đầu nan” dường như đã tiếp thêm sức mạnh, ý chí, kinh nghiệm để tôi nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách. Và giờ đây, trang trại của tôi cũng đã cho thu nhập, mỗi năm “kiếm” vài trăm triệu đồng” – Bà Lý phấn khởi nói.
Hơn tháng nay, trang trại của bà đang cho thu hoạch giống ổi Đài Loan. Nhiều thương lái đã tìm đến tận nơi thu gom ổi về bán ra thị trường. Được biết, trang trại của bà có 500 gốc ổi, mỗi ngày bán ra gần 1 tạ quả. Với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, tính ra đến nay nguồn thu từ ổi xấp xỉ 80 triệu đồng.
Trang trại của bà còn có hàng trăm cây bưởi, cam, chanh các loại đang phát triển tốt. Bà Lý nhẩm tính, hàng trăm gốc cây ăn quả trên đến kỳ thu hoạch ước tính đạt từ 4 - 5 tấn quả, thu về không dưới 150 triệu đồng.
Hiện tại, trong chuồng đang có gần 30 con lợn giống vừa mới “tái đàn” sau khi hết dịch tả lợn châu Phi. Với quy mô 300 con, bà chuẩn bị mua thêm con giống để từng bước “phủ kín” chuồng trại, chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học...
Không chỉ chăn nuôi lợn, mà trang trại của bà Nguyễn Thị Lý còn trồng cây cà gai leo; nuôi thêm đàn bò nhốt, hàng trăm con gà, vịt, bồ câu và các loại cá truyền thống như: trăm, trôi, mè, chép....
Mô hình trang trại của bà Nguyễn Thị Lý được nhiều người ở trong huyện, trong tỉnh tìm đến tham quan, học hỏi, chia sẻ về kinh nghiệm cũng như niềm đam mê, tâm huyết.