Trưởng ban VH-XH Đoàn Đình Anh chủ trì buổi làm việc
Với sự đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, phân công phân cấp cụ thể, năm 2016, Sở LĐTBXH đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn. Ước tính đến cuối năm, toàn tỉnh có 22 ngàn lao động được giải quyết việc làm mới (đạt 91,7% kế hoạch). Nguyên nhân là do vấn đề giải quyết việc làm còn nhiều bất cập, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh không tăng, lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý và xuất khẩu.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Trí Lạc làm rõ một số nội dung về hoạt động của ngành thời gian qua
Công tác quản lý lao động trong các doanh nghiệp và quản lý lực lượng lao động tại các xã, phường, thị trấn chưa được chú trọng. Việc điều tra cập nhật thông tin về nhu cầu việc làm, tai nạn lao động còn hạn chế; nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế....
Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, tại buổi làm việc, các đại biểu cũng được nghe lãnh đạo Sở LĐTBXH báo cáo dự thảo Đề án Quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Ông Nguyễn Thế Hoàn – Bí thư Tỉnh đoàn: Chất lượng các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện còn lãng phí về cơ sở vật chất
Các dự thảo đề án nêu rõ sự cần thiết về việc xây dựng, quy hoạch, thực trạng mạng lưới cơ sở giáo dục, xoá đói giảm nghèo; những hạn chế, nguyên nhân, giải pháp khắc phục và mục tiêu phấn đấu.
Ông Nguyễn Trọng Nhiễu - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh: Nâng cao chất lượng, phát triển quy mô dạy nghề là những mục tiêu quan trọng, song quy hoạch số lượng cơ sở dạy nghề đến năm 2020, năm 2030 là chưa hợp lý. Nên tăng về quy mô và giảm về số lượng. Trong quy hoạch cần có sự phân tầng, phân cấp cụ thể.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề nghị ngành LĐTB&XH cần xem xét lại các mục tiêu phấn đấu. Tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách quy hoạch các chương trình đề án phát triển ngành đề trình HĐND tỉnh.
Ông Trần Viết Hậu - Trưởng ban KT-NS HĐND tỉnh: Nguồn kinh phí dự kiến thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững còn cao so với đề án giảm nghèo của cả nước, vì thế ngành cần xem xét và tính toán hợp lý.
Đối với việc quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp còn có sự thiếu sót trong việc đề ra nhóm mục tiêu cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo nghề; nên chăng chốt lại độ tuổi, trình độ của đối tượng đào tạo để phân nhóm đối tượng; phân kỳ đầu tư cần cụ thể hơn.
Đối với đề án giảm nghèo, nên tập trung vào các giải pháp chính như nâng cao nhận thức của người nghèo, tạo cơ hội việc làm, hỗ trợ nguồn lực...