Ảnh minh họa: internet
Tờ Business Insider (Mỹ) nhận định, Việt Nam có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng đã đặt ra cho năm 2016 do tốc độ tăng GDP nước này trong quý II khá ảm đạm, chỉ đạt 5,6%, kéo chỉ số chung tính cả giai đoạn 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 5,5% - thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra ban đầu là 6,7%.
Tờ báo Mỹ cho biết, Việt Nam có thể sẽ không tăng tốc đủ nhanh trong nửa cuối năm 2016 để biến bức tranh kinh tế của cả năm trở nên “sáng” hơn. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thẳng thắn thừa nhận “khó để đạt được” tốc độ tăng trưởng kinh tế cần thiết trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2016.
Tuy vậy, theo một nghiên cứu mới từ Ngân hàng HSBC (Anh), sẽ vẫn có những dấu hiệu đầy khả quan cho nền kinh tế Việt Nam bất chấp diễn biến “thụt lùi” trong tăng trưởng kinh tế.
Một trong những nguyên nhân chính, đặt ra những vấn đề cho nền kinh tế Việt Nam năm 2016 là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 3 thập kỷ, mà một phần là do tác động của hiệu ứng El Nino.
Đợt hạn hán tồi tệ đã giáng một đòn mạnh mẽ vào khu vực nông nghiệp - khu vực chiếm đến 13% trên toàn nền kinh tế Việt Nam, bằng việc đẩy sản lượng đầu ra giảm xuống 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hạn hán cũng đe dọa đến chi tiêu người tiêu dùng khi số lao động đang làm việc trong ngành nông nghiệp (chiếm gần một nửa lực lượng lao động Việt Nam) đang phải chứng kiến một sự sụt giảm trong thu nhập.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là khi nông nghiệp Việt Nam đang có bước thụt lùi thì các lĩnh vực khác trong nền kinh tế lại đang tăng trưởng một cách mạnh mẽ, Business Insider cho biết.
Theo HSBC, lĩnh vực sản xuất Việt Nam tăng đến 10% trong nửa đầu năm 2016, trong khi xây dựng tăng đến gần 9%. Bên cạnh đó, sản xuất được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh hơn sau quý II năm nay. Sản lượng đầu ra ngành sản xuất tiếp tục tăng trong tháng vừa rồi. Xu hướng này đã được duy trì trong 8 tháng liên tiếp mặc dù mức tăng trong tháng Bảy là thấp nhất kể từ tháng 3/2016.
Nhiều người kỳ vọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định nhằm thúc đẩy thương mại giữa 12 nước trong đó có Việt Nam, sẽ được thông qua. Cả hai ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ năm nay là Donald Trump và Hillary Clinton đều phản đối TPP, và hiện vẫn chưa rõ ràng liệu hiệp định này có được chấp thuận bởi Quốc hội Mỹ hay không.
TPP được cho là sẽ giúp thúc đẩy GDP của Việt Nam lên 10% đến năm 2030, biến Việt Nam trở thành quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định, theo WB.
* Nội dung bài viết được Báo Hà Tĩnh điện tử lược dịch từ Business Insider.