Đi trong mùa thu...

(Baohatinh.vn) - Huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) vốn được xem là vùng đất cổ xưa, trên vùng đất ấy, bao nhiêu sản vật đã đi vào đời sống văn hóa của con người. Và, hồng Đông Lộ (Thạch Đài) cũng đã trở thành thức quà gợi nhớ một miền quê với biết bao cảm xúc đẹp đẽ.

Đi vào làng… Mùa thu ấy mà, cứ se sẽ mà đi. Chân giẫm trên rơm ẩm vừa mới cắt còn thơm ngát hương đồng để rồi lạc lối vào một rừng hồng. Chưa bao giờ tôi hình dung được xứ Bàu mùa hồng đẹp đến thế! Đi đâu cũng thấy hồng. Hồng trĩu trịt cành. Hồng đỏ như thắp lửa trên cao. Hồng lúc lỉu trên mái ngói, hồng nằm dưới lá khô... bên hiên nhà... Hồng trên tay trẻ thơ rổn rảng tiếng cười chạy theo những bà, những chị buôn hồng chở mùa thu qua ngõ...

Đi trong mùa thu...

Đi đâu cũng thấy hồng. Hồng trĩu trịt cành. Hồng đỏ như thắp lửa trên cao. Ảnh Lê Thắng

Thạch Đài vốn dĩ nức tiếng xứ hồng ngon một thời… Huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) vốn được xem là vùng đất cổ xưa bởi danh xưng này đã có cả ngàn năm tuổi. Một vùng đất vừa cận thủy vừa cận sơn có đầy đủ các vùng sinh thái: rừng núi, đồng bằng, ven biển… đã là những yếu tố góp phần thuận lợi cho Thạch Hà phát huy được sức mạnh để phát triển kinh tế một cách phong phú và đa dạng. Một trong những cách đó, huyện Thạch Hà đã đi lên bằng cách phát huy thế mạnh của từng vùng.

Đi trong mùa thu...

Hồng Đông Lộ một thời được xem là vật phẩm tiến vua.

Tương truyền rằng, hồng Đông Lộ một thời được xem là vật phẩm tiến vua. Cái thứ quả to, vuông vắn, ngon giòn sần sật, vị ngọt thanh tao và nhiều cát đường đã bao đời trĩu nặng trên vai những người nông dân ra chốn kinh kỳ được vua chọn ngự dùng trong những ngày thời tiết trở trời sang thu nhẹ nhõm. Lâu dần hồng Đông Lộ đã được khắp nơi biết đến. Vùng Thạch Đài nức tiếng vì có giống hồng ngon. Đến mùa thu, khi lúa ngoài đồng đã gặt xong còn thơm hương rơm mới thì Thạch Đài lại vui như mở hội. Khắp làng trên xóm dưới, nhà nhà cùng rộn rã hái hồng. Trong nhà có thứ gì đựng được, ngâm được là huy động vào để ngâm hồng. Hồng khi hái trên cây xuống, để nguyên cuống, rửa sạch rồi ngâm ngập với nước mưa. Mỗi ngày thay nước một lần khoảng 3-4 ngày sau thì vớt ra để ráo nước là có thể thưởng thức.

Theo kinh nghiệm của các ông bà già trong làng, hồng già ngâm xong thường có cuống đen, hơi cong, da căng bóng, vỏ màu ửng vàng, khi gọt vỏ ra, thịt quả có màu đỏ vàng óng lên như đọng mật, ăn vào ngọt mát và có cát dính ở tay là hồng ngon, vì thế, thương lái khắp nơi về thu mua tận vườn. Nhà nào có được vườn hồng sum suê trĩu quả thì mùa đó không biết đến cái đói.

Đi trong mùa thu...

Hồng Đông Lộ khi gọt vỏ ra, thịt quả có màu đỏ vàng óng lên như đọng mật, ăn vào ngọt mát và có cát dính ở tay.

Trước đây là thế, khi hoa trái còn ít, hồng là một món quà quê vốn được nâng niu nên vùng Đông Lộ này nhà nào cũng trồng hồng. Nhưng rồi một thời gian dài sau đó, do không có tính thương mại, cây già đi, năng suất không cao, nhiều nhà đã không còn thiết tha trồng hồng. Hỏi những người già trong làng mới biết những cây hồng đứng trong sân nhà đã ngót nghét 50 năm tuổi, người ta gần như không còn trồng cây mới để thay cây cũ bởi lẽ cây hồng là thứ cây khó tính, để chờ được ăn trái có khi phải đến cả một đời người!

Cái thứ cây dẫu có chăm bón tốt tươi cũng phải năm bảy năm mới ra hoa bói, mười năm mới cho quả nhiều và phải trên hai mươi năm mới có thể đào được rễ lên để nhân giống cây mới. Bởi thế vòng quanh, quanh vòng mà hết cả một đời người. Cây hồng trở thành cây già cỗi đứng trong góc vườn lặng lẽ như những chứng nhân cho sự thay đổi của làng đang dần bị thu hẹp lại... Cây hồng Đông Lộ tưởng chừng như bị lãng quên…

Đi trong mùa thu...

Giống hồng Đông Lộ có trong trong danh sách đề xuất bảo tồn gần 70 nguồn gen thực vật quý của Hà Tĩnh.

Hòa chung tinh thần “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái” của Liên hợp quốc, Việt Nam cũng đã có chiến lược dài hạn, các giải pháp đồng bộ, phù hợp gắn với thực trạng đa dạng sinh học và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số giải pháp đã được đưa ra để thúc đẩy hoạt động phục hồi, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, giống cây trồng, vật nuôi.

Các sở, ngành, địa phương Hà Tĩnh đã rà soát và đề xuất bảo tồn gần 70 nguồn gen gồm các đối tượng là giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bản địa, cây dược liệu và các loài hoang dã quý hiếm trên địa bàn… Giống hồng Đông Lộ đã có tên trong danh sách đó.

Trong một cuộc khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh về bảo tồn nguồn gen quý này, ông Dương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài cho rằng, tâm nguyện của người dân nơi đây là muốn phục hồi và tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm giống hồng ngon nhất Hà Tĩnh. Xã Thạch Đài đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ tiến hành phục tráng giống cây ăn quả này.

Đi trong mùa thu...

Những vườn hồng mùa thu trĩu quả ở Thạch Đài.

Sau 4 tháng nghiên cứu, viện đã nhân giống được 3.000 cây con từ nguồn gen của các cây hồng bản địa. Hồng Đông Lộ như bước sang trang mới. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới, đã có nhiều hộ mạnh dạn cải tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, hiệu quả. Xã đã phân bổ miễn phí 800 cây cho một số vườn hộ để trồng theo mô hình tập trung. Hiện Thạch Đài đã xây dựng được 3 khu dân cư kiểu mẫu, có 5/19 vườn mẫu đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn.

Thạch Đài vào thu. Trời quang đãng. Đường thôn ngõ xóm sạch sẽ, gọn gàng. Những bờ rào cây xanh nghiêm ngắn ôm quanh chạy dài những khu vườn rực rỡ sắc đỏ của những cây hồng cổ thụ đã vào mùa thu hoạch và màu xanh mướt mắt mỡ màng từ những cây hồng giống bắt đầu bén rễ.

Ông Nguyễn Văn Hoan - một thầy giáo hưu trí về sống ở làng đã cười mà nói rằng: “Bình cũ rượu mới. Cây hồng đất ta lại về trên đất ta trong một tâm thế mới, tâm thế của sự bảo tồn, giữ gìn và phát triển”. Tôi nhìn quanh, muốn đi tung tăng khắp làng để cảm nhận được cho hết vẻ đẹp của vùng quê nơi đây đang dần thay đổi.

Mùa thu mà, cứ thong dong mà đi…

Đi trong mùa thu...

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast