Nuôi dưỡng văn hóa phi vật thể ở quê hương Đại thi hào Nguyễn Du

(Baohatinh.vn) - Nhắc đến Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là nhớ đến quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du... Vùng đất non xanh nước biếc này từ ngàn đời nay đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng văn hóa phi vật thể. Nghi Xuân không chỉ có ca trù, ví giặm, trò Kiều mà còn có nhiều lễ hội, tập tục và di sản phong phú.

Lễ hội chính là nơi giao lưu tình cảm của cộng đồng, khơi dậy nét văn hóa dân gian và niềm tự hào dân tộc. Tại Nghi Xuân, những vùng đất như Tiên Điền, Hội Thống và các xã vùng biển từ ngàn xưa đã sinh ra nhiều lễ hội phong phú, độc đáo, thu hút hàng ngàn người tham gia.

Nuôi dưỡng văn hóa phi vật thể ở quê hương Đại thi hào Nguyễn Du

Du khách tham quan đền thờ Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân). Ảnh: Đình Khôi

Hàng năm, vào đầu xuân, đúng ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, khắp nơi trên địa bàn huyện Nghi Xuân đều nô nức hội “Rước lão” (người dân địa phương thường gọi làm lễ lên lão). Lễ “Rước lão” kèm theo dâng xôi, oản… đưa lên chùa và cầu nguyện các cụ ông, cụ bà từ 60 - 70 - 80 - 90 tuổi "đức rộng phúc dày". Một nét đáng chú ý trong lễ hội này là người nào càng cao tuổi càng được tổ chức lễ rước long trọng.

Lễ Khai hạ không chỉ diễn ra ở Nghi Xuân mà còn lan rộng cả vùng đất Xứ Nghệ. Theo các bậc cao niên, đây là lễ "xuống đồng", cùng với đó là lễ "hạ nêu". Ngoài ra, ở Nghi Xuân, nhân dân còn tổ chức lễ Cầu khoa, dành riêng cho các sĩ tử với khát vọng muốn thi cử đỗ đạt cao, mang vinh quang về cho mọi người.

Đối với những người nông dân quanh năm vất vả cấy cày, họ có niềm vui riêng sau vụ gặt, đó là lễ Cúng cơm mới. Lễ này không cầu kỳ nhưng lại rất đầm ấm. Bởi sau khi cúng đơm và cầu nguyện, người làng có thể quây quần bên nhau, tận hưởng bát cơm gạo mới và chén rượu nồng chúc tụng. “Lễ bắc mạ” là lễ lưu truyền từ ngàn năm nay trên đất Nghi Xuân.

“Lễ bắc mạ” là tiếng địa phương, thực chất là dân làm lễ "cầu xin trời đất" cho mưa thuận gió hòa trước khi tra hạt thóc giống của mình vào ruộng. Lễ vật bày biện đơn giản, chỉ đặt một ít gạo muối, cau trầu và hương khói để thờ tế Thành hoàng, Thần nông độ trì cho con cháu mùa vàng bội thu.

Nuôi dưỡng văn hóa phi vật thể ở quê hương Đại thi hào Nguyễn Du

Khu lưu niệm Nguyễn Du. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Văn hóa phi vật thể ở Nghi Xuân còn được mở rộng ra và trở thành một tài sản vô giá. Các bậc thiên tài, vĩ nhân như cụ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ hay các anh hùng hào kiệt khác đều có ảnh hưởng rất lớn đến văn nghệ dân gian. Làng Tiên Điền là "cái nôi" văn hóa dân gian của Hà Tĩnh và cả nước. Các thể loại văn hóa dân gian ở Tiên Điền rất phong phú và đa dạng.

Từ câu chuyện thần thoại cổ tích đến ca dao, tục ngữ được truyền miệng đời này sang đời khác, kết thành "tinh hoa" và trở thành kho báu văn hóa phi vật thể. Nó được sàng lọc qua thời gian, trở thành giá trị văn hóa vĩnh cửu mà hậu thế nâng niu, gìn giữ.

Nhiều người dân từ bao đời sống rất thủy chung và tình nghĩa, coi trọng người có chữ và ham thích sáng tạo. Từ lao động sản xuất, họ đã sáng tác nên những bài vè giặm, những câu ca dao, tục ngữ. Cũng vì do văn hóa dân gian trở thành máu thịt nên người làng Tiên Điền hay Cổ Đạm có thể "xuất khẩu thành thơ".

Nhiều câu ca dao, bài vè thành những câu châm ngôn về kinh nghiệm sản xuất và răn dạy đạo đức. Kể cả những câu "dự báo thời tiết" người Tiên Điền sáng tác đến nay vẫn còn lưu truyền:

Làm trai không biết thì khờ

Mây che Ngàn Hống chẳng chờ cũng mưa

Sáng tác dân ca và trình diễn nghệ thuật ở Nghi Xuân từ đời xưa đã được các tài tử giai nhân cả nước ngưỡng mộ. Hát ví phường nón là nghệ thuật được chú ý nhất của các nghệ nhân Nghi Xuân nói chung, làng Tiên Điền nói riêng. Đây là một loại hình văn hóa bình dân có chất "xúc tác" mạnh tới đông đảo tao nhân mặc khách, đặc biệt là các nho sĩ.

Đại thi hào Nguyễn Du, người con của quê hương Tiên Điền thời trai trẻ đã một thời mê hát phường vải. Khá nhiều giai thoại thú vị kể lại mối "lương duyên" của chàng thi sĩ "hé lộ" trong đêm trăng vằng vặc của các cô gái phường vải Trường Lưu để làm nên tuyệt bút "Thác lời trai phường nón". Nghệ thuật hát ví phường nón được thực hiện theo một quy chuẩn khá chặt chẽ, thể hiện qua 3 phần: Hát dạo, hát chào, hát mừng và hát hỏi; hát đố và hát đối; hát mời và hát xe kết.

Nuôi dưỡng văn hóa phi vật thể ở quê hương Đại thi hào Nguyễn Du

Hát ca trù tại Nghi Xuân. Ảnh: Đậu Hà

Cùng với hát ví, thể loại hát giặm cũng là nét đặc trưng khá tiêu biểu của văn hóa Nghi Xuân ở thế kỷ trước. Cho tới nay, một số nhà nghiên cứu văn học dân gian đã sưu tầm được một số di sản hát ví giặm bao gồm cả hát độc thoại lẫn hát đối đáp. Ngoài ra, các thể loại tuồng, chèo và hát ả đào cũng được đông đảo nhân dân hâm mộ. Hát tuồng còn được gọi là hát bội khá phổ biến với vùng đất Nghi Xuân và Xứ Nghệ. Riêng hát chèo đã được người dân làng Tiên Điền sử dụng trong thể hát chèo Kiều. Đưa nội dung Truyện Kiều vào vở diễn, khiến cho thể loại này được lên ngôi và hấp dẫn hơn.

Nếu như Tiên Điền có thế mạnh về lẩy Kiều, chèo Kiều thì Cổ Đạm có thương hiệu riêng của văn hóa phi vật thể, đó là ca trù. Ca trù là hình thức tổng hợp vừa đàn, vừa hát, vừa ngâm thơ...

Thành phần tham gia biểu diễn hát ca trù gồm 3 người: Một ca sĩ nữ (gọi là đào hay ca nương), hát theo lối hát nói và gõ phách; một nhạc công là nam (gọi là kép), đệm đàn đáy cho người hát; một người chơi trống hoặc đánh trống chầu (gọi là quan viên kiêm luôn người thưởng thức), sự tán thưởng mà quan viên dành cho người hát hoặc bài hát được bộc lộ qua cách đánh trống. Quan viên đánh vào thành trống nhiều lần, biểu lộ đắc - ý. Nếu không hài lòng với người hát, quan viên đánh hai nhịp trống. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên.

Không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ và sự tham gia từ phía khán giả là rất cần thiết. Nhạc cụ gồm có phách, đàn đáy và trống chầu. Trang phục của hát ca trù là áo dài cổ truyền màu đen hoặc màu nâu.

Nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể, nhiều năm qua, huyện Nghi Xuân đã tập trung xây dựng, tổ chức các câu lạc bộ ca trù, chèo Kiều, ví giặm… đào tạo các ca nương trẻ có năng khiếu, mặt khác, giáo dục cho cộng đồng trách nhiệm gìn giữ hồn cốt của ông cha và nét đẹp văn hóa dân tộc.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast