Sẽ còn mãi, ca trù…

(Baohatinh.vn) - Cô bạn nhà văn đã thốt lên như thế khi theo tôi đến gặp những ca nương, kép đàn trên miền đất hát Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đó là một buổi chiều mùa đông nắng đượm, tiếng hát vang lên trong từng khúc cầm phổ, dìu dặt, khoan thai rồi đổ dồn, níu kéo, da diết… như tiếng gọi từ quá vãng vàng son của ca trù…

Đã bao nhiêu năm rồi, mỗi lần tôi trở lại đi nghe hát ca trù, vẫn gặp chừng ấy gương mặt. Thế nhưng, người ca nương không chỉ ca chừng ấy bài hát, cũng không chỉ cất lên tiếng hát của mình bằng cảm xúc cũ.

Sẽ còn mãi, ca trù…

Những nghệ nhân ca trù hát bằng chính niềm say mê trong trẻo thuở ban đầu, hát bằng niềm tin rằng ca trù sẽ mãi mãi được lưu giữ, bảo tồn, được phát huy trong đời sống.

Tôi nhớ lần đầu tiên, khi tôi theo chân họ đến từng lớp học hát của những nghệ nhân thời giáo phường Ty Cổ Đạm (nhà Nguyễn), lúc ấy, họ hát bằng tất cả niềm say mê trong trẻo. Sau này, khi ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, họ đã hát không chỉ bằng niềm đam mê mà còn bằng trách nhiệm với tiền nhân. Và bây giờ, khi ca trù đã qua giai đoạn được quan tâm “sục sôi”, họ vẫn lặng lẽ hát, hát bằng chính niềm say mê trong trẻo thuở ban đầu, hát bằng niềm tin rằng ca trù sẽ mãi mãi được lưu giữ, bảo tồn, được phát huy trong đời sống.

- Em còn nhớ chị không?

Khi tôi đang loay hoay tìm khung cảnh để ghi lại hình ảnh chiếu hát của các ca nương thì một giọng nói thanh thoát cất lên từ phía sau. Tôi ngoảnh lại nhìn: Chị Xanh!

- Em nhớ chứ, chị là nhân vật trong nhiều bài viết của em, từng đưa em đi đến nhà các cố nghệ nhân ở làng Cổ Đạm, từng mang về bao nhiêu huy chương danh giá cho ca trù Hà Tĩnh, sao em có thể quên được.

- Năm đó, khổ quá, chị phải đi xuất khẩu lao động, sang đó, ngày đi làm thì thôi chứ đêm về là chị lại nhớ nhà, nhớ chiếu hát cùng những nông dân trong làng.

- Chị về lâu chưa ạ?

- Chị về 3 năm rồi, về nước là chị đi hát trở lại!

Tôi bất giác giật mình, 3 năm rồi, mình mới có dịp trở lại với các chiếu hát ca trù trên mảnh đất Nghi Xuân…

“Non xanh xanh, nước xanh xanh/ Sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa/ Ấy ai tháng đợi năm chờ/ Mà người ngày ấy bây giờ là đây!” - chị Xanh khẽ cất tiếng hát, một bài hát chị đã từng hát trên nhiều sân khấu lớn nhỏ. Thời gian không làm phai phôi những tuyệt kỹ ca trù mà chị đã học được, ngược lại, lại tô đậm thêm sự sang trọng trong làn hơi, sự điêu luyện khi đổ hột, ngân rung, luyến láy, làm cho lời hát trở nên tinh tế và biểu cảm cao hơn.

Sẽ còn mãi, ca trù…

Nghệ nhân Dương Thị Xanh và chồng là kép đàn Trần Văn Đài luôn nuôi dưỡng niềm đam mê để gắn bó với ca trù.

Chị Dương Thị Xanh là một trong những ca nương đầu tiên trong phong trào khôi phục ca trù Cổ Đạm. Chị cùng chồng là kép đàn Trần Văn Đài và các ca nương, kép đàn khác ở Nghi Xuân từng bước đưa các làn điệu ca trù từ các cố nghệ nhân còn sót lại ở làng Cổ Đạm; diễn xướng các thể cách đó trên sân khấu và làm cho nhiều người biết đến các chiếu hát, hiểu hơn về di sản của cha ông. Họ cứ hát say mê như thế, trách nhiệm như thế, khó khăn quá thì tìm thêm việc khác kiếm sống…

- Không mấy ai mà từ bỏ rồi lại quay trở lại như chị Xanh đâu em, cũng không mấy ai bền bỉ với ca trù như các nghệ nhân Thùy Vân, Văn Đài, Thanh Tuấn… đâu em!

Một tiếng nói vang lên từ ngoài cổng đền Nguyễn Công Trứ khi tôi đang trò chuyện cùng vợ chồng anh Trần Văn Đài. Hóa ra là chị Trần Thị Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Nghi Xuân. Chị Cảnh cũng là một trong những người gắn bó lâu dài, bền bỉ nhất với ca trù Nghi Xuân. Trong vai trò của mình, chị là một trong những người tâm huyết, đóng góp nhiều công sức để giúp ca trù được khôi phục và phát huy trong đời sống!

Sẽ còn mãi, ca trù…

Cổ Đạm xưa có cả giáo phường ca trù, Cổ Đạm nay vẫn còn đó những đào nương chân lấm tay bùn, ngày cày cấy trên ruộng đồng bờ bãi, tối lại quây quần hát cho nhau nghe và truyền dạy cho con cháu trong làng.

- Chế độ cho những ca nương, kép đàn ở các CLB bây giờ như thế nào chị? - Tôi hỏi

- Ngoài những người thuộc biên chế của Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện, hiện nay, các ca nương, kép đàn hợp đồng được trả mỗi tháng 1.490.000 đồng/người, còn các thành viên khác của CLB thì sinh hoạt bằng niềm đam mê và trách nhiệm thôi em - chị Cảnh cho hay.

Tôi lặng người nhìn lên mái ngói thâm nâu huyền hoặc trong màn sương chiều buông. Tôi nhớ đến những hình ảnh ca trù thời hoàng kim trong quá khứ. Bao nhiêu đào nương, kép đàn đã từng được vời vào cung biểu diễn phục vụ vua chúa, đã từng là nguồn cơn sáng tạo cho bao văn nhân tài hoa…

Cổ Đạm xưa có cả giáo phường ca trù, Cổ Đạm nay vẫn còn đó những đào nương chân lấm tay bùn, ngày cày cấy trên ruộng đồng bờ bãi, tối lại quây quần hát cho nhau nghe và truyền dạy cho con cháu trong làng. Tất cả họ đều không coi việc hát ca trù là nghề kiếm sống nên việc có thu nhập hay không có thu nhập từ chiếu hát đối với họ không mấy quan trọng. Thường xuyên, mỗi CLB đều có 8-10 người tham gia sinh hoạt và các thành viên là lao động tự do đều tự tìm cách mưu sinh để trang trải cuộc sống, nuôi dưỡng niềm đam mê đó.

- Có lẽ ca trù là nghiệp và cũng là sứ mệnh mà tiền nhân trao gửi cho chúng tôi. Vì thế, dẫu còn nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn luôn động viên nhau cố gắng. Không chỉ thực hành các thể cách, chúng tôi còn dày công sưu tầm, khôi phục các thể cách khó của ca trù rồi truyền dạy cho các thế hệ trẻ - ca nương Đặng Thị Thùy Vân tâm sự.

Sẽ còn mãi, ca trù…

Các nghệ nhân Đặng Thị Thùy Vân (bên trái) và Dương Thị Xanh thuộc thế hệ ca nương đầu tiên trong phong trào khôi phục ca trù Cổ Đạm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, hoạt động của các CLB ca trù có được quan tâm hơn trước, mỗi năm, mỗi CLB đều có 30 triệu kinh phí hoạt động từ Nghị quyết 93/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, truyện Kiều, Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo). Nhờ đó, sênh phách hư hỏng đã được thay mới, trang phục cho các nghệ nhân cũng mới được mua sắm, các hoạt động truyền dạy có thêm kinh phí trang trải.

- Phách trong ca trù có vai trò như thế nào ạ? - bạn tôi bất giác hỏi nghệ nhân Dương Thị Xanh.

- Để hát được ca trù, trước hết, ca nương phải thuần thục 5 khổ phách. Các khổ phách đó nghe thì đơn giản nhưng nó được ví như một lực cân bằng bên ngoài nhằm giữ nhịp cho tiếng hát của ca nương. Hơn thế nữa, khi ca nương đạt đến độ điêu luyện còn sử dụng phách một cách biến hóa, sáng tạo, khiến cho nhịp phách tựa như tiếng hát phụ, làm bật lên giọng hát chính của ca nương - chị Xanh nói rồi cầm tay bạn tôi dạy cách gõ phách.

Sẽ còn mãi, ca trù…

Các nghệ nhân ca trù hướng dẫn khách nghe hát cách gõ phách.

- Vậy các nghệ nhân có thường xuyên biểu diễn ở các sự kiện không? - bạn tôi vừa cầm phách gõ vừa quay sang hỏi chị Cảnh.

- Thời gian qua, nhằm tạo động lực cho các nghệ nhân, Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện cũng đã nỗ lực kết nối với các hoạt động du lịch, các sự kiện trên địa bàn để đưa các tiết mục ca trù vào biểu diễn. Tuy thu nhập không đáng kể nhưng những “sân chơi” đó phần nào khẳng định sức sống của ca trù. Hy vọng, trong tương lai du lịch trải nghiệm được khai thác sâu hơn, ca trù sẽ trở thành một thành phần của các tour du lịch trên địa bàn.

** *

“Năm ngoái, liên hoan ca trù do huyện tổ chức đã thu hút hơn 80 gương mặt tham gia, trong đó, xuất hiện thêm nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng và có nhiều cháu đã sinh hoạt thường xuyên ở CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ như Phan Thị Trâm, Lê Thị Hồng Hạnh, quan viên nhí Phùng Anh Nguyên… Đó là điều chúng tôi rất mừng và là động lực để chúng tôi gắn bó bền bỉ hơn với các chiếu hát”, anh Bùi Thanh Tuấn - Chủ nhiệm CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ nói với tôi khi đang sửa soạn trải chiếu để mở cuộc hát buổi chiều trên sân đền Nguyễn Công Trứ.

“Tùng chi tùng chi tiến phẩm tân kỳ, lan quế huệ trương, nguyện nhất chi, nhất chi, nhất chi…” - tiếng hát cất lên, ngay lập tức tiếng đàn, tiếng trống chầu hòa thanh hưởng ứng.

Tôi nhìn gương mặt có phần cương nghị của kép đàn Trần Văn Đài mà nghĩ về những ngày anh vất vả tìm thầy học đàn đáy. Loại nhạc cụ chỉ có duy nhất ở Việt Nam này có thanh âm trầm đục, sâu lắng mà nền nã, chỉ có 3 dây thôi mà học mãi mới thành.

Sẽ còn mãi, ca trù…

Đàn đáy là loại nhạc cụ chỉ có duy nhất ở Việt Nam, đàn có 3 dây với thanh âm trầm đục, sâu lắng mà nền nã.

Bây giờ anh Đài đã trở thành kép đàn xuất sắc với những ngón nghề điêu luyện. Người nghe ca trù tinh thông sẽ nhận biết được rất rõ điều này, bởi anh không chỉ theo từng hơi, từng chữ, từng hồi đổ hột của ca nương mà trong những “cơn lên đồng” trên sân khấu, tiếng đàn của anh còn tách ra, “via” trước mở đường dẫn lối cho tiếng ca, có khi “lẩy” một khúc dài rồi chờ đợi, tạo ra khoảng “lưu không” để cho đào nương thả sức ngân rung, đổ hột hoặc nghỉ hơi trong những thể cách dài.

Chiều đông trên sân đền Nguyễn Công Trứ, các thể cách ca trù như liêu trai hơn, tưởng như bao nhiêu suối nguồn dân tộc tuôn chảy trong từng hồi đổ hột, trong từng tiếng phách giòn tan, trong những ngón đàn điêu luyện, trong từng tiếng chầu dứt khoát mà đầy say mê… Giữa thanh âm đó, nhọc nhằn của cuộc sống cũng như được phủ lấp.

Sẽ còn mãi, ca trù…

Với các ca nương, tiếng trống chầu cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cảm xúc trong giọng hát.

Ca trù tuy đang gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cùng nhịp sống đương đại nhưng tôi tin, với tâm huyết, với trách nhiệm của các nghệ nhân, không chỉ ngày càng có nhiều thể cách ca trù được khôi phục, thực hành mà công tác truyền dạy, biểu diễn cũng sẽ tìm được những hình thức phù hợp, hiệu quả hơn. Để rồi, trong nhịp đời mới, những tuyệt kỹ ca trù qua cách ngân rung, đổ hột của ca nương, qua tiếng lia, tiếng vẩy trầm đục, ấm áp của kép đàn, qua thanh âm giòn sắc của sênh phách và tiếng tán dương tom chát của trống chầu vẫn còn vang mãi... Như lời bạn tôi đã thốt lên như vậy trong phút đầu gặp gỡ những nghệ nhân ca trù trên sân đền thờ Uy Viễn Tướng công.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Podcast tản văn: Nhớ bóng tre làng

Podcast tản văn: Nhớ bóng tre làng

Tôi sinh ra và lớn lên từ làng, nơi có lũy tre xanh rì rào khăng khít, nơi ôm ấp tôi từ thuở ấu thơ đầu trần chân đất, nơi thật thà chất phác ruộng đồng vàng hươm, dòng kênh miệt mài tưới tắm đi qua bao vật đổi sao dời…
Podcast mỗi tuần một câu chuyện: Mùa lúa trổ bông

Podcast mỗi tuần một câu chuyện: Mùa lúa trổ bông

Chiều quê yên ả, những cánh đồng mướt xanh như tấm thảm trải dài vô tận. Màu xanh ngút ngàn căng tràn sức sống của lúa đương thì con gái khiến người xem như được tiếp thêm nguồn sinh lực sống mạnh mẽ...
Thái Lan lo du lịch Việt Nam vượt mặt

Thái Lan lo du lịch Việt Nam vượt mặt

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 tăng gần 50% so với trước đại dịch, trong khi Thái Lan tăng trưởng chậm khiến các doanh nghiệp lữ hành lo lắng.
Podcast truyện ngắn: Mùa cau trở lại

Podcast truyện ngắn: Mùa cau trở lại

"Mùa cau trở lại" của tác giả Sơn Trần. Với giọng kể chân thành, mộc mạc, câu chuyện không chỉ nói về mùa cau – mùa vụ gắn bó với đời sống người dân quê – mà còn thấm đẫm những tình cảm gia đình, nỗi nhớ quê hương, và tình yêu âm thầm mà sâu sắc.
Podcast tản văn: Nhớ nhung mít ta ở làng

Podcast tản văn: Nhớ nhung mít ta ở làng

Có những hương vị tuổi thơ chỉ cần nhắc tới thôi đã khiến lòng ta thổn thức. Trong ký ức của nhiều người, trái mít quê – mộc mạc, thơm nồng – không chỉ là món quà ngọt ngào của đất trời mà còn là biểu tượng của tình làng nghĩa xóm, đầy ắp yêu thương.
Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025

Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025

Sáng 6/5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025 đã khai mạc trọng thể tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững".
Phong cảnh hữu tình dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Phong cảnh hữu tình dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Trên tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh có nhiều đoạn tuyến băng qua đồng ruộng, đồi núi, sông suối tạo nên những cảnh đẹp hữu tình. Tuyến cao tốc được kỳ vọng tạo động lực quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cho Hà Tĩnh.
Du lịch Hà Tĩnh - bước tiến mới về khách lưu trú

Du lịch Hà Tĩnh - bước tiến mới về khách lưu trú

Thời tiết khá tốt, nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, giao thông thuận tiện... là những yếu tố quan trọng giúp các khu, điểm du lịch Hà Tĩnh thu hút hơn 734 nghìn lượt khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Podcast tản văn: Về Hà Tĩnh nghe biển hát

Podcast tản văn: Về Hà Tĩnh nghe biển hát

Hà Tĩnh được thiên nhiên ban tặng cảnh quan sơn thủy hữu tình với những bãi biển cát mịn, nước trong, nhiều làng chài cổ có tuổi đời hàng ngàn năm. Về Hà Tĩnh, du khách không chỉ được đắm mình trong làn nước biển xanh trong, ngắm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn được nghe những huyền tích thú vị.
Podcast giai thoại danh nhân: Bóng dáng người vợ

Podcast giai thoại danh nhân: Bóng dáng người vợ

Danh họa Nguyễn Phan Chánh có mối tình lớn với người vợ đầu tiên, người đã sinh cho ông 6 người con và dâng hiến cả cuộc đời cho gia đình. Dù là vợ của một danh họa nổi tiếng, nhưng bà có một cuộc đời vất vả, lo toan và nhiều hy sinh.
Nhớ về kẻ sĩ Ngàn Hống Võ Hồng Huy

Nhớ về kẻ sĩ Ngàn Hống Võ Hồng Huy

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Võ Hồng Huy là người có nhiều đóng góp cho kho tàng văn hoá dân gian xứ Nghệ với danh xưng: “kẻ sĩ Ngàn Hống”.
Trương Ngọc Ánh duyên nợ với thơ lục bát

Trương Ngọc Ánh duyên nợ với thơ lục bát

Duyên nợ với thi ca đã giúp thầy giáo dạy Sử sinh ra từ miền quê mặn mòi ven biển Đỉnh Bàn (TP Hà Tĩnh) đến với những vần thơ thấm đẫm phù sa quê hương. Trương Ngọc Ánh làm nhiều thơ, đủ các thể loại nhưng nhiều nhất, đặc sắc nhất vẫn là những bài thơ lục bát.
Dấu ấn 50 năm nền văn học nghệ thuật Hà Tĩnh

Dấu ấn 50 năm nền văn học nghệ thuật Hà Tĩnh

50 năm sau ngày thống nhất đất nước, các thế hệ văn nghệ sỹ Hà Tĩnh đã góp phần xây dựng được một nền VHNT dày dặn. Với hàng ngàn tác phẩm trên các lĩnh vực,  phản ảnh sinh động về sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của Hà Tĩnh qua các giai đoạn lịch sử.
Ca khúc cách mạng - sức mạnh chiến thắng

Ca khúc cách mạng - sức mạnh chiến thắng

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc đã 50 năm nhưng âm hưởng hào hùng của những ngày tháng khói lửa vẫn vẹn nguyên bởi những ca khúc đi cùng năm tháng. Lời ca tiếng hát đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, hun đúc tâm thế của cả dân tộc cùng ra trận và làm nên chiến thắng 30/4/1975.
Podcast truyện ngắn: Chuyến tàu Thống Nhất

Podcast truyện ngắn: Chuyến tàu Thống Nhất

Hai người bạn già ngồi bên nhau, nhấp từng ngụm trà cảm nhận vị đắng chát tan ra trong khoang miệng. Rồi chỉ còn lại vị ngọt cứ mênh mang nơi cuống họng. Ánh mắt họ hướng về phía lá cờ đỏ sao vàng treo trước cổng nhà đang tung bay trong gió…
Đêm không ngủ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đêm không ngủ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tối 29/4 - rạng sáng 30/4, hàng nghìn người dân tập trung trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM để chờ xem Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Màn trình diễn 7 phút của 10.500 drone

Màn trình diễn 7 phút của 10.500 drone

Tối 28/4, 10.500 drone lần lượt thắp sáng bầu trời TP.HCM trong khoảng 7 phút, chào mừng 50 năm thống nhất đất nước với hàng loạt hình ảnh biểu tượng như Bác Hồ, Dinh Độc Lập...
Khai trương mùa du lịch biển Thạch Hải

Khai trương mùa du lịch biển Thạch Hải

Đây là sự kiện khởi động cho mùa du lịch biển sôi động năm 2025, góp phần quảng bá vẻ đẹp nguyên sơ, hấp dẫn của vùng biển Thạch Hải (TP Hà Tĩnh) đến với du khách gần xa.
Podcast truyện ngắn: Trái tim hòa bình

Podcast truyện ngắn: Trái tim hòa bình

Bước đi trong lòng địa đạo, cô thấy tim mình rung lên trong lồng ngực. Còn người cựu chiến binh già, có biết bao hồi ức đẹp ùa về, hồi ức về một thời binh lửa...
Podcast tản văn" Về đâu tháng Tư

Podcast tản văn: Về đâu tháng Tư?

Rồi mùa hạ sẽ bước những bước chân dập dồn mạnh mẽ, cái nắng non nớt run rẩy tháng Tư sẽ thay bằng những trận nắng trập trùng tháng Năm, tháng Sáu...
Những bài ca bất tử…

Những bài ca bất tử…

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa nay đã trở thành những địa chỉ đỏ. Bài ca bất tử về những người đã sống, chiến đấu trên quê hương Hà Tĩnh vẫn còn vang vọng mãi...