Nét văn hóa cúng họ rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Vào ngày rằm tháng Giêng, các dòng họ ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh lại tổ chức nghi thức cúng họ. Tùy theo quy định riêng, cách thức tổ chức của từng họ lại có những nét khác biệt.

Theo thứ tự phân công trong họ Võ Đại tôn, năm nay đến lượt gia đình con trai ông Võ Hữu Tình ở xã Đức Lâm chuẩn bị cỗ để cúng họ ngày rằm. Con trai làm ăn xa, nên ông Tình đứng ra làm thay. Theo quy định của dòng họ, mâm cúng có một con gà trống nặng từ 1 đến 1,5 kg trở lên, 5 kg xôi, 1 chai rượu nếp và đĩa trầu cau.

Nét văn hóa cúng họ rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

Mâm cúng được gia đình ông Tình chuẩn bị để cúng họ ngày rằm

“Chi trưởng họ Võ Đại tôn thường chọn người làm mâm cúng dựa theo sổ họ. Người con trai nào vào họ trước sẽ được ghi tên trong sổ trước. Mỗi năm, các thành viên trong chi trưởng sẽ họp bàn để quy định số mâm cỗ phải làm trong ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, và ngày giỗ Tổ. Từ đó, xét theo thứ tự vào họ từ trên xuống mà chọn ra số lượng người để làm đủ cỗ theo yêu cầu” - ông Tình chia sẻ.

Rằm tháng Giêng, cứ vào tối ngày 14/1 âm lịch, lễ cúng Túc yết sẽ được diễn ra tại nhà thờ họ Võ Đại tôn. “Mục đích của lễ Túc yết là cho con cháu trong dòng họ tụ họp một đêm trước ngày rằm tháng Giêng, để không khí trong từ đường thêm ấm cúng, tránh tình trạng cúng xong ai về nhà nấy, nhà thờ không có người trông nom” - ông Tình cho biết thêm. Sau khi cúng, mâm cỗ sẽ được đưa xuống cho con cháu sử dụng ngay tại nhà thờ.

Nét văn hóa cúng họ rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

Lễ cúng Túc yết hằng năm được Chi trưởng họ Võ Đại tôn cử hành vào tối ngày 14/1 âm lịch

Là một trong những dòng họ có truyền thống văn hóa, dòng họ Trần Lê Đại tôn (xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ) cũng tổ chức cúng họ hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng. Khác với họ Võ Đại tôn, các chi trong họ Trần Lê Đại tôn không sử dụng sổ vào họ để phân công người làm cỗ, mà dựa vào phả hệ.

Ông Trần Quốc Oanh, thành viên ban trợ sự dòng họ Trần Lê Đại tôn cho biết: “Xét theo gia phả, dựa vào số hộ trong một chi mà phân chia đều thành từng nhóm. Mỗi nhóm khoảng 10 - 12 hộ, làm theo tuần tự vào dịp rằm. Các gia đình trong nhóm hộ được phân công chuẩn bị mâm cỗ, lễ vật để phục vụ ngày rằm tháng Giêng. Đến rằm tháng Giêng năm sau, lại đến nhóm tiếp theo. Tuy nhiên, đối với những chi ít người, các hộ sẽ cùng nhau làm chung mâm cỗ mà không phân chia theo thứ tự trên”.

Khi công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, ngày 14/1, con cháu họ Trần Lê Đại tôn thực hiện lễ cáo giỗ, thắp hương tại nghĩa trang, mời tổ tiên và các bậc tiền nhân về từ đường. Đến sáng ngày 15/1, đông đảo con cháu quy tụ tại nhà thờ đại tôn để thực hiện lễ chính tế. Mâm cỗ chính tế cũng có xôi, gà, rượu và trầu. Sau khi cúng xong, mỗi chi họ sẽ về tại gia đình đã được chọn để tổ chức bữa ăn tập thể.

Nét văn hóa cúng họ rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

Đông đảo con cháu tập trung đầy đủ tại nhà thờ họ Trần Lê Đại tôn để thực hiện lễ chính tế

Ngoài những dòng họ lớn như Võ Đại tôn và Trần Lê Đại tôn, một số dòng họ khác ít người, con cháu đi làm ăn xa, cách thức tổ chức lại có phần giản đơn. Cụ Trần Quyến, 93 tuổi, người cao tuổi nhất dòng họ Trần Án (xã Trung Lễ) cho biết: “Vào ngày rằm tháng Giêng, theo chỉ đạo của tộc trưởng, những thành viên trong họ được phân công thường chỉ lên nhà thờ phụ giúp việc quét dọn hương khói, mua hoa quả... để bày tỏ lòng thành. Còn làm mâm cúng xôi gà, ăn tập thể... thì bao giờ có lễ lớn trong họ mới làm”.

Tùy theo quy định, cách thức tổ chức cúng tế ngày rằm tháng Giêng của từng dòng họ ở Hà Tĩnh nói chung và huyện Đức Thọ nói riêng lại có những nét khác biệt. Mỗi nét riêng biệt, quy tụ lại tạo nên lớp lang văn hóa đa dạng của từng địa phương. Tuy cách cúng mỗi nơi một khác, nhưng tất cả con cháu đều hướng về cội nguồn với tấm lòng thành kính để tưởng nhớ đến công ơn những người đã khuất.

Chủ đề Lễ hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast