Người Hà Tĩnh giữ “nếp làng” trong lễ hội

(Baohatinh.vn) - Trải qua bao biến thiên của lịch sử, thời gian, lễ hội truyền thống tại các địa phương ở Hà Tĩnh vẫn giữ được những nét văn hóa tâm linh tốt đẹp của làng quê, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại.

Người Hà Tĩnh giữ “nếp làng” trong lễ hội

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Minh đã trở thành ngày hội của người dân Trung Lương và các vùng lân cận trên địa bàn TX Hồng Lĩnh. Ảnh Nam Giang.

Cứ mỗi dịp năm mới đến, người dân phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) và các vùng lân cận lại háo hức đón chờ lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Minh. Được tổ chức vào ngày mồng 3 và 4 tháng Giêng, trùng với thời điểm năm mới, con em xa quê về đón tết nên lễ hội càng thêm phần sôi nổi, ý nghĩa.

Theo tương truyền, lễ hội đua thuyền có từ xa xưa, là dịp để người dân địa phương cầu mong mùa màng tốt tươi, cây cối đâm chồi nảy lộc; đời sống Nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để mọi người rèn luyện sức khỏe; giao lưu, gặp gỡ đầu xuân, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.

Lễ hội năm nay được tổ chức theo 3 giải đua thuyền với 15 đội tham gia gồm: Giải đua thuyền đoàn thanh niên (5 đội); giải đua thuyền nữ (5 đội) và giải đua thuyền của các tổ dân phố (5 đội), thu hút hàng nghìn người dân đến xem và cổ vũ.

Người Hà Tĩnh giữ “nếp làng” trong lễ hội

Với những người cao niên như ông Trần Viết Vững, dù trải qua bao năm tháng, lễ hội của làng vẫn giữ nguyên những ý nghĩa truyền thống tốt đẹp.

Ông Trần Viết Vững (95 tuổi, ở tổ dân phố Trung Hậu, phường Trung Lương) chia sẻ: “Khi tôi sinh ra đã thấy lễ hội đua thuyền được người dân trong làng tổ chức hằng năm rồi. Trải qua bao năm tháng, bao thế hệ, lễ hội dù có những đổi thay trong công tác tổ chức nhưng ý nghĩa thì vẫn vẹn nguyên, trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, được dân làng gìn giữ và phát huy”.

Người Hà Tĩnh giữ “nếp làng” trong lễ hội

Chùa Chân Tiên ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.

Tại làng Yên Điềm (nay là thôn Yên Điềm), xã Thịnh Lộc (Lộc Hà), chùa Chân Tiên nổi tiếng là ngôi chùa cổ linh thiêng nên những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh đều được chính quyền, người dân địa phương bao đời nay lưu giữ, bảo tồn và phát huy.

Theo các cứ liệu lịch sử, chùa Chân Tiên từng là căn cứ luyện tập của nghĩa quân trong phong trào Cần Vương (từ năm 1885-1896); nơi tập trung của tầng lớp nho sĩ biểu tình chống thuế ở xứ Trung Kỳ (năm 1908). Chùa ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như: là nơi tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Yên Điềm (ngày 25/4/1930); nơi họp bàn kế hoạch hành động chống chiến tranh đế quốc (ngày 29/7/1930); là nơi họp bàn kế hoạch ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga và tiến hành đợt đấu tranh mới của Huyện ủy Can Lộc (ngày 5/11/1930). Ngoài ra, đây còn là chỗ nương náu, tạm lánh của các chí sỹ yêu nước, các nhà cách mạng trong những ngày Đảng còn non trẻ...

Người Hà Tĩnh giữ “nếp làng” trong lễ hội

Các thế hệ người dân địa phương đều chung tay gìn giữ nét đẹp văn hóa, sự tôn nghiêm ở chùa Chân Tiên.

Dù không được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng từ lâu, lễ hội chùa Chân Tiên cũng thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham gia. Cứ mỗi dịp lễ hội truyền thống vào ngày 3/3 âm lịch hằng năm, người dân nô nức bày biện hương hoa, sính lễ, thành tâm theo đoàn rước lên chùa thắp hương, chiêm bái.

Do tác động của thời gian, thiên tai, chùa đã xuống cấp và đang được trùng tu, cải tạo. Ông Nguyễn Khắc Phong - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Để gìn giữ di sản của quê hương, gìn giữ “nếp làng”, cấp ủy, chính quyền cùng Nhân dân địa phương đều có trách nhiệm bảo tồn nét đẹp văn hóa mà tiền nhân để lại. Ngoài số tiền 35 tỷ đồng được Tập đoàn Vingroup tài trợ, người dân và con em quê hương cũng đóng góp công sức, tiền của để trùng tu, xây dựng các hạng mục của chùa, phấn đấu hoàn thành công trình đúng tiến độ nhằm phục vụ tốt hơn đời sống tâm linh của Nhân dân”.

Người Hà Tĩnh giữ “nếp làng” trong lễ hội

Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu ở xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh. Ảnh Đình Nhất.

Có lịch sử 600 năm, đến nay, lễ hội đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) vẫn lưu giữ được những phong tục, nét đẹp truyền thống của địa phương.

Ông Lê Bá Khang - Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (đền Bà Hải) cho biết: “Hằng năm, cứ ngày 11, 12 tháng 2 âm lịch, giữa tiết trời ấm áp, Nhân dân địa phương và du khách thập phương lại cùng nhau về đây tế lễ giỗ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu với lòng tôn kính trang liệt nữ. Các nghi thức bài bản, trang nghiêm vẫn được gìn giữ qua bao đời nay như: rước bài vị, khai trống, dâng hương, đọc văn tế, lễ giỗ, hầu văn, thả đèn hoa đăng, lễ tế gà... Lòng thành và tâm linh của những người đi lễ đã làm cho huyền tích về Chế thắng phu nhân càng thêm sáng đẹp và ngày giỗ Thánh Mẫu trở thành một lễ hội linh thiêng của bà con vùng biển cửa”.

Người Hà Tĩnh giữ “nếp làng” trong lễ hội

Lễ hội Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi được người dân huyện Lộc Hà, Thạch Hà tổ chức hằng năm, trở thành ngày hội của các địa phương.

Hà Tĩnh hiện có gần 70 lễ hội lớn nhỏ, nổi bật như: lễ hội Đô Đài (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh); lễ hội vật (xã Thuần Thiện, Can Lộc); lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên); lễ hội Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (huyện Lộc Hà, Thạch Hà); lễ hội đánh cá Vực Rào (xã Xuân Viên, Nghi Xuân)... được tổ chức thường niên và đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, mang tính cộng đồng của Nhân dân các địa phương.

Những người con của làng dù quanh năm tất bật với công việc, cuốn theo nhịp sống hối hả thường nhật nhưng cứ đến mỗi dịp hội làng lại chung tay thực hành những nghi thức tế lễ, tích cực tham gia hội thi, trò diễn dân gian với lòng tự hào và tình yêu với văn hóa quê hương.

Lễ hội truyền thống không chỉ là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa đời sống tâm linh với cuộc sống thường nhật mà còn góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, là không gian giữ gìn những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân làng. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, nét đẹp văn hóa làng trong lễ hội truyền thống thật sự là những “báu vật” giữa nhịp sống hiện đại. Đây là nguồn lực để khơi dậy sức mạnh cộng đồng, tạo nên những giá trị mới góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Đời sống văn hóa

Chủ đề MỪNG XUÂN GIÁP THÌN

Đọc thêm

Chùa Hương Tích sẵn sàng mùa lễ hội

Chùa Hương Tích sẵn sàng mùa lễ hội

Thực hiện mục tiêu thu hút hơn 14 vạn lượt du khách trong năm 2025, các đơn vị quản lý, kinh doanh tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) đang tập trung nguồn lực chuẩn bị cho mùa lễ hội.
Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Lời mẹ hát

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Lời mẹ hát

Tiết mục Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Lời mẹ hát. Soạn lời: NSND Nguyễn An Ninh. Biểu diễn: Nghệ nhân Văn Sang - Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh.
Tiết mục ca trù: Làm cho tỏ mặt nam nhi

Tiết mục ca trù: Làm cho tỏ mặt nam nhi

Tiết mục ca trù: Làm cho tỏ mặt nam nhi. Thơ: Nguyễn Công Trứ. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác là sự kết nối của Đông và Tây, của các phương pháp cổ truyền và khoa học tiến bộ, của cây cỏ và máy móc, là sự tương đồng và tấm lòng của những bậc lương y, là niềm say mê và trách nhiệm đối với khoa học của những nhà bác học.