Người khơi dậy tiềm năng hát dân ca trong trường học ở Nghi Xuân

(Baohatinh.vn) - Được Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mời về theo diện thu hút nhân tài nhằm đưa dân ca vào trường học, cô Phan Thị Thùy Diễm đã có nhiều đóng góp cho phong trào này. Những nỗ lực của cô tổng phụ trách đội đã được đền đáp khi năm 2018, cô Diễm được vinh danh nghệ nhân dân gian.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất di sản dân ca (xã Xuân Giang – Nghi Xuân), cô Phan Thị Thùy Diễm (SN 1986) đã sớm nuôi trong mình tình yêu đối với những câu hò điệu ví của cha ông. Được gia đình tiếp lửa đam mê, cô Diễm thi đậu vào khoa sư phạm nhạc - Trường đại học Hà Tĩnh. Sau khi ra trường, cô được mời về công tác tại trường Tiểu học Sơn Tân (Hương Sơn).

Người khơi dậy tiềm năng hát dân ca trong trường học ở Nghi Xuân

Cô Phan Thị Thùy Diễm (bên phải) chia sẻ với PV về các làn điệu do mình tự biên soạn

Năm 2012, khi Hà Tĩnh đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng NTM, huyện Nghi Xuân với bề dày văn hóa đã phát động và triển khai phong trào đưa dân ca vào trường học. Để “khởi động” cho phong trào, huyện có chủ trương thu hút nhân tài. Cô Phan Thị Diễm đã được huyện nhà “chiêu mộ” về trường Tiểu học Cương Gián 1.

Người khơi dậy tiềm năng hát dân ca trong trường học ở Nghi Xuân

Cô giáo Phan Thị Thùy Diễm say mê truyền lửa hát dân ca cho học sinh

Nhớ lại những ngày đầu gắn bó với phong trào đưa dân ca vào trường học, cô giáo Phan Thị Thùy Diễm chia sẻ: “Lúc ấy, phong trào hát dân ca trong trường học vẫn chưa rầm rộ như bây giờ. Để truyền lửa cho các em, tôi đã lồng ghép hát dân ca vào trong các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đội, hội thi hay các tiết học âm nhạc. Tất cả những phương pháp này sau đó cũng được công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh”.

Một trong những phương pháp sáng tạo mà cô Diễm khởi xướng đó là lồng ghép hát dân ca vào các giờ học môn lịch sử. Giáo án dạy môn lịch sử được biên soạn lại theo các thể thơ 5 chữ rồi phổ thành làn điệu dân ca.

Ngoài môn lịch sử, môn học kể chuyện cũng được cô Diễm biên soạn với lối kể bằng làn điệu dân ca hết sức duyên dáng, lôi cuốn. Các tiết học có lồng ghép dân ca ví dặm ở trường Tiều học Cương Gián I được học sinh đón nhận tích cực. Nhờ vậy, phong trào hát dân ca ví dặm ở trường Tiểu học Cương Gián I đi lên một cách mạnh mẽ, trở thành mô hình kiểu mẫu để các trường khác trên địa bàn học tập và nhân rộng.

Người khơi dậy tiềm năng hát dân ca trong trường học ở Nghi Xuân

Cô giáo Phan Thị Thùy Diễm (giữa) - PV biểu diễn tại Lễ tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian năm 2018

Ngoài phong trào ở trường, cô giáo Phan Thị Thùy Diễm còn là hạt nhân trong các hoạt động văn nghệ quần chúng. 10 năm qua, cô Diễm kinh qua rất nhiều hội thi văn nghệ từ cấp xã đến cấp tỉnh. Bằng tài năng, sự đam mê, cô đã gặt hái nhiều thành công ở các cuộc thi, liên hoan dân ca ví dặm các cấp.

Theo đó, năm 2012, cô Diễm đạt giải A tại liên hoan “Hò ví dặm Nghệ Tĩnh”. Năm 2013, cô đạt giải nghệ nhân trình diễn xuất sắc tại liên hoan Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh lần thứ 2. Năm 2015, cô Diễm tiếp tục gặt hái được nhiều thành công khi liên tiếp đạt nhiều giải thưởng khác nhau như: Giọng hát hay nhất tại liên hoan Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, Giải A tại liên hoan văn hóa văn nghệ quần chúng Quân khu 4. Năm 2018, tại lễ vinh danh người có công bảo tồn và phát huy dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, cô Diễm được tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.

Người khơi dậy tiềm năng hát dân ca trong trường học ở Nghi Xuân

Cô Diễm (người thứ 4 bên phải) nhận bằng nghệ nhân dân gian

Say mê dân ca ví dặm, nhiều năm qua, cô Diễm còn đứng ra thành lập CLB dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh tại xã Xuân Yên (Nghi Xuân). CLB hiện có gần 15 thành viên, chủ yếu là các em học sinh nhỏ tuổi. Ước mơ của cô Diễm là xây dựng CLB trở thành “lò” ươm mầm những tài năng trẻ hát dân ca ví dặm.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast