Ông Nguyễn Văn Sơn là người luôn trăn trở để diện tích chè được mở rộng, chất lượng sản phẩm được nâng lên, đời sống của người trồng chè khấm khá...
Nhớ về những năm tháng “bén duyên” với cây chè, Giám đốc Nguyễn Văn Sơn tâm sự: “Năm 1983, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi về công tác tại Nông trường Quốc doanh Tây Sơn (tiền thân Xí nghiệp Chè Tây Sơn). Gần 40 năm công tác, từ nhân viên, đến kế toán trưởng, rồi làm giám đốc (năm 2012), tôi đều cống hiến tất cả công sức, trí tuệ, tâm huyết cho những gốc cây chè và người dân ở miền thượng Hương Sơn này”.
Ông nhớ rõ những khó khăn trong giai đoạn đầu trên cương vị người “cầm lái”. Khi đó (trước năm 2015), vùng nguyên liệu của xí nghiệp chỉ bó hẹp trong 150 ha, sản lượng chỉ 700-800 tấn/năm nhưng vẫn khó tiêu thụ do sự cạnh tranh của thị trường. Cùng với đó là những vấn đề nan giải về thiếu vốn đầu tư, thiếu lao động lành nghề... khiến bản thân và cả Ban Giám đốc xí nghiệp luôn lo lắng.
Giám đốc Nguyễn Văn Sơn (người đứng giữa) thường xuyên xuống tận đồi để động viên, nhắc nhở, hướng dẫn kỹ thuật và lắng nghe tâm tư của công nhân, người dân trồng chè
Với trách nhiệm, bản lĩnh của mình, bắt đầu từ năm 2016, vị giám đốc này đã tạo nên một hành trình “lột xác” và mang đến một diện mạo mới, một sức sống mới cho các đồi chè.
Ông đã xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp, đồng bộ từ tư duy sản xuất, phát triển nguồn nhân lực, đưa giống mới, ứng dụng KHKT, mua sắm máy móc đến thu mua, bao tiêu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nhờ vậy, vùng nguyên liệu của Xí nghiệp Chè Tây Sơn đã được mở rộng từ Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 sang Sơn Tây, Sơn Hồng, Sơn Lâm, Sơn Tiến và một số vùng khác. Những giống chè mới tốt hơn đã được đưa về trồng thay thế các giống cũ và phát triển ra những vùng đồi hoang, những diện tích trồng cây khác kém hiệu quả.
Đến thời điểm này, diện tích chè của đơn vị đã lên đến 400 ha (trong đó có 325 ha đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế), năng suất 20-25 tấn/ha (mô hình điểm đạt 35 tấn/ha), cho sản lượng đạt 4.100 tấn/năm…
Người trồng chè ở Hương Sơn đã được đảm bảo việc làm, có cuộc sống ấm no, sung túc...
Là người gắn bó máu thịt với cây chè, vị giám đốc này đã giúp xí nghiệp phát triển sản xuất theo hướng ổn định, mạnh dạn đầu tư máy móc để chế biến chè xuất khẩu (90% sản lượng xuất khẩu sang các nước Trung Đông); đảm bảo việc làm cho 1.154 hộ liên kết và hàng trăm công nhân với mức lương trên 7 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ từ cây giống, phân bón, kỹ thuật đến thu mua, bao tiêu sản phẩm...
Qua đó, đưa thương hiệu chè Tây Sơn đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt OCOP 3 sao; đơn vị là điển hình tiên tiến giai đoạn 2016-2020 của tỉnh. Bản thân ông cũng nhiều lần được tôn vinh tại các hội nghị điển hình tiên tiến, trong phong trào học và làm theo gương Bác, diễn đàn tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu...
Để bảo vệ môi trường trên các đồi chè, giám đốc Sơn thường xuyên quan tâm đến công tác thu gom rác thải, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, quy định...
Giám đốc Nguyễn Văn Sơn chia sẻ thêm: “Khó khăn đến đâu thì tôi cũng luôn hướng về người trồng chè, làm những điều tốt nhất cho vùng chè, luôn quan tâm, trăn trở về những vấn đề có liên quan đến nó. Tôi rất mãn nguyện khi thương hiệu chè Hương Sơn đã được xây dựng, việc làm cho người trồng chè được đảm bảo, môi trường sản xuất luôn an lành...”.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Hương Sơn Đặng Thị Sâm cho biết: “Qua công tác giám sát, tiếp xúc với cử tri và Nhân dân các xã trồng chè, chúng tôi thấy có nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét rất tích cực về công sức, tâm huyết, trách nhiệm của giám đốc Sơn trong việc tạo công ăn việc làm, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu chè nổi tiếng này”.