Người tham gia giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: AFP)
Báo The Asean Post đánh giá, Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, đã tích cực tham gia vào khối này kể từ khi gia nhập năm 1995 để cùng các quốc gia Đông Nam Á khác thúc đẩy hòa bình, tự do và sự thịnh vượng của khu vực.
Việt Nam đã và đang có những bước tiến lớn nhằm thúc đẩy vị thế là một nhà lãnh đạo khu vực, đặc biệt với sự ngăn chặn hiệu quả đại dịch Covid-19, chính sách biến đổi khí hậu và sự ổn định chính trị. Gần đây, đã có những nhận định cho rằng Việt Nam đang đóng vai trò là nhà lãnh đạo mới của khu vực ASEAN.
Indonesia từ lâu đã được xem là quốc gia lãnh đạo của ASEAN dựa trên các quan niệm lịch sử và một thực tế rằng nước này là một trong những thành viên sáng lập của khối. Tuy nhiên, hậu quả đại dịch Covid-19 và các biến động chính trị tại nước này đã bộc lộ những điểm yếu và sự bất ổn của quốc gia đông dân nhất khối.
Việt Nam đã đạt được mục tiêu hành động của Liên Hợp Quốc, trong khi Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore đều chưa đạt. Theo chương trình này, các quốc gia phải đạt 5 mục tiêu, trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2 và đầu tư vào vào khả năng chống chịu với khí hậu. Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được mục tiêu đó. Việt Nam cũng đi trước các quốc gia Đông Nam Á nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Việt Nam có tăng trưởng kinh tế ấn tượng so với các quốc gia trong khu vực (Nguồn: Oxford Economics / Haver Analytics)
Dù trong thời điểm khó khăn hiện nay, kinh tế Việt Nam vẫn có sức bật đáng kể. Việt Nam đang có vị thế tốt để thoát khỏi bẫy kinh tế của đại dịch Covid-19 nhờ 3 lý do.
Thứ nhất, chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các doanh nghiệp.
Thứ hai, luật đầu tư tại Việt Nam đã được sửa đổi chủ yếu nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư bằng cách giảm các thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhờ đó, FDI vào Việt Nam đã đạt 12 tỷ USD trong thời gian từ tháng 1-4/2020. Nhờ vào dòng vốn đầu tư nước ngoài nhanh chóng, hiện vẫn đang tăng lên, Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Đáng chú ý là, trong 4 năm qua, có tới gần 1 tỷ USD đã được đầu tư cho lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.
Thứ ba, Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định thương mại quan trọng với Liên minh châu Âu - hiệp định EVFTA. Bắt đầu từ tháng 7/2020, EU đã dỡ bỏ 85% các thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam và dần cắt bỏ phần còn lại trong 7 năm tới. Đổi lại, Việt Nam sẽ giảm 49% thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa của EU và xóa phần còn lại con 10 năm tới.
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2020, với mức tăng trưởng có thể đạt 2,9%.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định tại Đông Nam Á. Đây là một lợi thế nếu so sánh với các quốc gia ASEAN khác như Thái Lan, nơi đang đối mặt với các cuộc biểu tình lan rộng. Trong khi đó, các quốc gia khác như Malaysia và Singapore đang vất vả kiểm soát đại dịch Covid-19. Philippines cũng gặp khó khăn về kinh tế và bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, tương tự Indonesia.
Sự thành công trong chiến lược chống Covid-19 của Việt Nam - được rút ra từ các kinh nghiệm đối phó với các đại dịch vi rút trong quá khứ - đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Việt Nam được đánh giá cao vì các chính sách hiệu quả về đại dịch, dẫn đến mức độ lây truyền và tử vong thấp.
Tất cả những điều đó đã khiến Việt Nam trở thành động lực mới của khu vực ASEAN, The Asean Post nhận định.