Việt Nam hợp tác cung ứng lao động cho quốc gia giàu có bậc nhất Trung Đông

Bản ghi nhớ trong lĩnh vực nhân lực vừa được Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) Abdulrahman Al Awar ký kết tại thành phố Dubai, tối 1/12 theo giờ địa phương.

Hợp tác đào tạo nhân lực, tuyển chọn lao động có trình độ

Với Bản ghi nhớ này, cơ quan quản lý về lao động hai nước Việt Nam - UAE thỏa thuận hợp tác quản lý quá trình thực hiện hợp đồng lao động, bao gồm việc sử dụng công nghệ thông tin, trao đổi thông tin và các nghiên cứu đang được thực hiện trong lĩnh vực lao động.

Hai Bộ đã thống nhất quy định về việc cung ứng nhân lực dựa trên nguyên tắc minh bạch, tuyển dụng đúng quy định, công bằng và lợi ích chung; tăng cường biện pháp chống nạn mua bán người và kiểm soát doanh nghiệp tư nhân triển khai các hoạt động tuyển dụng, nhằm đảm bảo công bằng và minh bạch.

Việt Nam hợp tác cung ứng lao động cho quốc gia giàu có bậc nhất Trung Đông

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) Abdulrahman Al Awar ký kết Bản ghi nhớ trong lĩnh vực nhân lực (Ảnh: Hồng Phong).

Hai bên cũng sẽ hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, tuyển chọn và tiếp nhận lao động Việt Nam có kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật trong các lĩnh vực mà thị trường lao động UAE có nhu cầu.

Ngoài ra, hai bên cam kết phối hợp cơ quan đại diện ngoại giao ở mỗi nước để hỗ trợ người lao động và các thủ tục liên quan trong trường hợp cần thiết.

Việc ký kết Bản ghi nhớ lần này góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam - UAE nói chung và trong lĩnh vực nguồn nhân lực nói riêng.

Đây cũng là khuôn khổ pháp lý để lao động Việt Nam đi làm việc có thu nhập ở UAE, việc hỗ trợ hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng để đi làm việc tại UAE phù hợp với pháp luật mỗi nước, nên không ảnh hưởng đến thị trường lao động của hai nước.

UAE hiện là đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với kim ngạch xấp xỉ 5 tỷ USD những năm gần đây.

Việt Nam hợp tác cung ứng lao động cho quốc gia giàu có bậc nhất Trung Đông

Việc ký kết Bản ghi nhớ lần này góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam - UAE nói chung và trong lĩnh vực nguồn nhân lực nói riêng (Ảnh: Hồng Phong).

Việt Nam bắt đầu đưa người lao động sang làm việc tại UAE từ năm 1993, chủ yếu làm xây dựng tại các công trường dân dụng và công nghiệp. Đến năm 2009, Chính phủ hai nước thống nhất ký Bản ghi nhớ trong lĩnh vực nhân lực.

Xây dựng kế hoạch hợp tác lao động dựa trên 5 tiêu chí

Trước khi ký Bản ghi nhớ, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lần lượt có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực UAE Abdulrahman Al Awar.

Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Nguồn nhân lực UAE đã có buổi làm việc hiệu quả, ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nguồn nhân lực.

Ông tin văn kiện này sẽ giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy hợp tác về nguồn nhân lực giữa hai nước, đồng thời đảm bảo hơn nữa quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc tại UAE.

Việt Nam hợp tác cung ứng lao động cho quốc gia giàu có bậc nhất Trung Đông

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Nguồn nhân lực UAE Abdulrahman Abdumannan Al-Awar (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng đề nghị Bộ Nguồn nhân lực UAE phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam để nghiên cứu, đánh giá nhu cầu lao động của UAE, xây dựng kế hoạch hợp tác lao động dựa trên 5 tiêu chí.

Những tiêu chí này gồm: Cơ cấu lao động của Việt Nam; các lĩnh vực lao động cụ thể mà UAE đang có nhu cầu; số lượng lao động cần tuyển dụng trong mỗi lĩnh vực; yêu cầu về chất lượng lao động; giai đoạn triển khai cụ thể trong ngắn hạn (3 năm), trung hạn (5 năm) và dài hạn (10 năm).

Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo lao động, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Bộ Nguồn nhân lực UAE hỗ trợ đào tạo, dạy nghề để người lao động Việt Nam không chỉ nâng cao kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp, mà còn nắm vững văn hóa, pháp luật và tập quán của UAE.

Bộ trưởng Nguồn nhân lực UAE cho biết nước này đang có nhu cầu rất lớn về lao động nước ngoài. Ông đánh giá cao và khẳng định lao động Việt Nam có đóng góp rất quan trọng cho thị trường lao động tại UAE.

Bộ trưởng Abdulrahman Al Awar cho biết sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam xây dựng các kế hoạch cụ thể để tăng cường đưa lao động Việt Nam sang UAE.

Song song với đó, UAE sẽ có kế hoạch đưa đoàn công tác của Bộ Nguồn nhân lực UAE sang Việt Nam thời gian tới, đề xuất hỗ trợ các trung tâm đào tạo nghề ở Việt Nam trong công tác đào tạo người lao động.

UAE là thị trường lao động tiềm năng tại Trung Đông

Năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Nguồn nhân lực UAE ký Bản ghi nhớ trong lĩnh vực giúp việc gia đình.

Thực hiện Bản ghi nhớ ký năm 2009 và Bản ghi nhớ năm 2019, hàng chục nghìn lao động Việt Nam đã sang làm việc tại UAE với nhiều ngành nghề khác nhau, mức thu nhập bình quân từ 600-800 USD/tháng.

Theo số liệu thống kê, hiện nay có khoảng 4.500 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại UAE, ngành nghề chủ yếu là xây dựng, cơ khí, dịch vụ nhà hàng, khách sạn.

UAE là thị trường lao động lớn và tiềm năng tại khu vực Trung Đông, luôn có hàng triệu người lao động nước ngoài đến làm việc và đa dạng trong các lĩnh vực, ngành nghề.

Hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi tiếp ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã khẳng định Việt Nam rất coi trọng thị trường Trung Đông và UAE.

Khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực, ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi cho biết nước này muốn nâng tầm hợp tác và tiếp nhận nhiều hơn lao động chất lượng cao từ Việt Nam.

Theo Dantri.vn

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.