Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

(Baohatinh.vn) - Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.

Thanh Tài: Hát bằng tất cả sự tự hào

Với những ai yêu mến dòng nhạc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ chắc hẳn đều biết đến Thanh Tài - một giọng ca sâu lắng, truyền cảm với rất nhiều ca khúc trữ tình để lại ấn tượng đẹp trong lòng người nghe như: “Thương ơi điệu ví”, “Bến xưa ví, giặm tìm về”, “Về xứ Nghệ cùng anh”…

bqbht_br_thanh-tai-3.jpg
Ca sĩ Thanh Tài. (Ảnh: NVCC)

Thanh Tài sinh năm 1991, quê ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân). Nam ca sĩ chia sẻ, từ bé anh đã yêu thích các làn điệu ví, hò, tứ hoa, hát khuyên… Khi theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp, Thanh Tài lựa chọn dòng nhạc dân gian là hướng đi cho mình và đã khẳng định được bản thân thông qua nhiều giải thưởng như: Giải nhất Sao Mai tỉnh Nghệ An; giải nhì Sao Mai khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2017; quán quân Giọng ca xứ Nghệ 2017 dòng nhạc dân gian; HCV tài năng trẻ toàn quốc 2015; top 9 Sao Mai toàn quốc 2017 dòng nhạc dân gian…

Thanh Tài cho biết, bằng tất cả sự tự hào khi được sinh ra ở mảnh đất được xem là cái nôi của dân ca ví, giặm, anh luôn mong muốn và cố gắng mang những làn điệu, các ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ đến với nhiều sân khấu để lan tỏa vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống tới khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Anh cho rằng, điều quan trọng để tạo ra chất riêng ở dòng nhạc dân gian chính là tâm tình của mỗi người hát. Do vậy, trước mỗi ca khúc, anh đều dành thời gian để tìm hiểu về ý nghĩa ẩn sâu trong ca từ. Chính vì vậy, mỗi bài hát mà Thanh Tài thể hiện đều có sự chân thành, dạt dào cảm xúc.

VIDEO: Thanh Tài thể hiện ca khúc "Bến xưa ví, giặm tìm về"

Bên cạnh đó, nam ca sĩ luôn tìm cách làm mới các ca khúc dân gian để phù hợp với xu hướng âm nhạc đương đại mà không làm mất đi giá trị cốt lõi của chúng. Chính sự sáng tạo này đã giúp Thanh Tài trở thành một trong những ca sĩ trẻ nổi bật, một giọng nam hiếm được lòng khán thính giả ở dòng nhạc này.

Lê Minh Ngọc: Niềm cảm hứng bất tận từ những câu hò, điệu ví

Với Lê Minh Ngọc - quán quân dòng nhạc dân gian Sao Mai toàn quốc năm 2022, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh chính là niềm cảm hứng bất tận của nữ ca sĩ GenZ.

bqbht_br_le-minh-ngoc-2.jpg
Ca sĩ Lê Minh Ngọc - quán quân dòng nhạc dân gian Sao Mai toàn quốc năm 2022. (Ảnh: NVCC)

Lê Minh Ngọc sinh năm 2000 tại thị trấn Thạch Hà. Cô từng đạt giải nhì Cuộc thi Sao Mai 2019 tại Nghệ An; giải nhì Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2020; giải nhất dòng nhạc dân gian Cuộc thi Sao Mai toàn quốc 2022.

Minh Ngọc khẳng định, quê hương chính là cái nôi nuôi dưỡng nguồn năng lượng âm nhạc cho mình: “Từ bé, tôi đã được đắm mình trong những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, những câu hò, điệu ví, giặm nồng nàn tình yêu quê hương, đất nước. Ký ức tuổi thơ được nghe lời ru, câu ví của bà, của mẹ nên hồn quê thực sự như dòng thác luôn tuôn chảy mãnh liệt trong tôi”.

Nữ ca sĩ tiết lộ, nhạc phẩm “Điệu ví giặm là em” qua phần thể hiện của ca sĩ Bùi Lê Mận chính là cơ duyên thúc đẩy cô theo đuổi dòng nhạc dân gian. “Khi nghe xong ca khúc, tôi sởn gai ốc vì giọng hát quá truyền cảm của chị Lê Mận. Dòng nhạc này có rất nhiều bài hát hay, lại viết về quê hương, tôi tự hỏi tại sao từ trước đến nay mình không thử hát các ca khúc dân gian. Từ đó về sau, càng tìm hiểu, càng nghe, tôi càng yêu thích” - Minh Ngọc kể.

VIDEO: Lê Minh Ngọc thể hiện ca khúc "Thập ân phụ mẫu" tại cuộc thi Sao Mai toàn quốc năm 2022.

Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, sự nghiêm túc với con đường đã chọn, Lê Minh Ngọc giành ngôi vị cao nhất dòng nhạc dân gian tại sân chơi Sao Mai toàn quốc năm 2022, mang niềm tự hào về cho quê hương Hà Tĩnh sau 13 năm kể từ thành tích của đàn chị Bùi Lê Mận.

Trở về từ Cuộc thi Sao Mai toàn quốc, Minh Ngọc tiếp tục hoàn thiện việc học ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, đồng thời sôi nổi tham gia các hoạt động nghệ thuật.

Hoàng Thu Hà: Lan tỏa dân ca trên các nền tảng số

Cũng là một giọng ca thuộc thế hệ GenZ, nữ ca sĩ Hoàng Thu Hà (SN 2003, quê huyện Nghi Xuân) đã lựa chọn dòng nhạc dân gian để theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Quán quân Cuộc thi Sao Mai xứ Nghệ 2024 không phải là gương mặt mới với khán giả. Giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực của Hoàng Thu Hà lần đầu tiên được khán giả truyền hình biết đến qua Cuộc thi Giọng hát Việt Nhí - The Voice Kids 2017.

bqbht_br_hoang-thu-ha-2.jpg
Nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà. (Ảnh: NVCC)

Thu Hà kể, những năm học phổ thông, cô được xem là một trong những “hạt nhân văn nghệ” của nhà trường. Thời điểm này, phong trào phát triển, lan tỏa dân ca ví, giặm trong các trường học ở Hà Tĩnh diễn ra sôi nổi. Được tiếp xúc với những làn điệu dân ca cổ, lại có sẵn năng khiếu âm nhạc trời phú, Hoàng Thu Hà cảm thấy như tìm được “tình yêu âm nhạc đích thực” của đời mình trong những câu hò, điệu ví.

Là một người trẻ hát nhạc dân gian, Hoàng Thu Hà tìm cách kết nối âm nhạc truyền thống với khán giả trẻ thông qua các nền tảng số. Những sản phẩm âm nhạc mới, những bản thu âm đặc sắc mà trong đó phần nhiều là các ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ được nữ ca sĩ GenZ ra mắt đều đặn trên các nền tảng như: Youtube, Facebook… và nhận được lượng tương tác khá lớn.

VIDEO: Hoàng Thu Hà thể hiện ca khúc "Cung đàn Thúy Kiều" tại cuộc thi Sao Mai xứ Nghệ năm 2024.

Những giai điệu mượt mà, sâu lắng của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây mà còn là tài sản văn hóa quý báu của dân tộc. Trong dòng chảy mạnh mẽ của âm nhạc hiện đại, dân ca ví, giặm vẫn định hình được cho mình một chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Và các giọng ca như: Thanh Tài, Lê Minh Ngọc, Hoàng Thu Hà cùng nhiều ca sĩ khác đã và đang góp phần làm phong phú thêm bức tranh âm nhạc dân gian Việt Nam.

Các ca sĩ trẻ không chỉ góp sức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn mang đến những làn gió mới, giúp kết nối quá khứ với hiện tại. Tình yêu mãnh liệt dành cho âm nhạc truyền thống được nuôi dưỡng từ chính mảnh đất quê hương qua phần thể hiện của các giọng ca quê Hà Tĩnh hiện lên dạt dào, tha thiết. Cũng từ đây, dân ca ví, giặm tiếp tục được trao truyền, lan tỏa, tiếp cận, mở rộng nhiều hơn đến các “tệp” khán thính giả khác nhau, đặc biệt là thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế.

Chủ đề 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh

Đọc thêm

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.