Vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam

Trong 7 tháng, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đến đầu tư tại Việt Nam cho thấy môi trường đầu tư tại đây ngày càng hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.

Ông Kim Jenong Dae, Phó chủ tịch Tập đoàn phụ trách tài chính LG Innotek cho biết, LG Innotek đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam và Hải Phòng là địa phương tập đoàn mong muốn được đặt nhà máy.

LG Innotek sản xuất màn hình LCD từ năm 2000; năm 2005 bắt đầu sản xuất camera điện thoại và hiện là nhà sản xuất số 1 thế giới về mặt hàng này, cung cấp camera cho điện thoại thông minh của các hãng Apple, LG và nhiều hãng điện thoại khác. Năm 2015, doanh thu mặt hàng này của tập đoàn trên toàn cầu đạt 3 tỷ USD.

Ngoài ra, LG Innotek còn sản xuất nhiều mặt hàng công nghệ cao sử dụng trên xe hơi… Tập đoàn hiện có 5 nhà máy sản xuất và 9 pháp nhân phân phối, bán hàng trên toàn cầu, mức tăng trưởng hằng năm đạt 20%.

Nếu LG Innotek đầu tư vào Việt Nam thì đây sẽ là dự án đầu tư thứ ba của Tập đoàn LG tại Việt Nam, sau Dự án khu tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử gia dụng 1 tỷ USD và Dự án LG Display, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 4-2016. 3 DN của LG đầu tư tại Việt Nam cho thấy sự dịch chuyển sản xuất của tập đoàn này sang Việt Nam.

Ông Kim Woo Dong - Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Partron Vina (KCN Khai Quang - Vĩnh Yên) cho biết, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn đang tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam để mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Doanh thu trung bình của Partron Vina đạt 60.000 USD/ năm và tạo việc làm cho gần 5.500 lao động. Như vậy, sau Samsung, đến lượt LG đã thiết lập cứ điểm sản xuất toàn cầu tại Việt Nam, với các sản phẩm mũi nhọn, kéo theo ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc đã và đang tìm đường tới Việt Nam để mở cơ sở sản xuất mới.

von fdi tiep tuc do vao viet nam

Nhiều “đại gia” FDI đang đổ vốn vào Việt Nam. Ảnh: minh hoa.

Ngoài Hàn Quốc, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang chuyển hướng vào Việt Nam. Theo thông tin mới đây trên tờ Nhật báo Nikkei (Nhật Bản), nhà sản xuất máy điều hòa không khí lớn nhất của Nhật Bản là Daikin Industries đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam.

Giá trị của khoản đầu tư này ước khoảng 93,6 triệu USD. Nhà máy dự kiến được khởi công vào năm 2018, dự tính sản xuất một nửa triệu máy điều hòa mỗi năm. Nếu tình hình kinh tế thuận lợi, tới năm 2020, sẽ mở rộng năng lực sản xuất lên gấp đôi.

Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn trong ngành da giày của Đài Loan chọn Việt Nam làm điểm dừng chân cho các nhà máy mới của mình. Gần đây, Công ty Vega Balls Việt Nam thuộc Tập đoàn Yuan Chi Đài Loan đã chính thức được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp Đông Mai do Viglacera làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, Vega Balls Việt Nam sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất đồ thể thao xuất khẩu có quy mô lớn với diện tích 32.400m2. Giai đoạn I của nhà máy có tổng vốn lên tới 330 tỷ đồng, sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động ngay đầu năm 2017

Mới đây nhất, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc bộ phận phát triển đường cao tốc của Tập đoàn Vinci (Pháp) Fadi Selwan khẳng định với kinh nghiệm và uy tín của mình, Vinci mong muốn được hợp tác với Chính phủ, các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực phát triển đường cao tốc; hợp tác trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ quản lý, vận hành đường cao tốc; nghiên cứu phương thức để cùng với các đối tác Việt Nam cùng đầu tư phát triển các dự án đường cao tốc mới tại Việt Nam.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, 7 tháng đầu năm ước có 12,94 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới là gần 8,7 tỷ USD, còn vốn tăng thêm là 4,25 tỷ USD. Với vốn FDI giải ngân, 8,55 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những con số tích cực, cho thấy dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam.

von fdi tiep tuc do vao viet nam

Nhiều “đại gia” FDI đang đổ vốn vào Việt Nam.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), công bố ngày 26-7, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đạt tới trên 68,9 tỷ USD. Đánh giá về những tác động của khu vực FDI vào nền kinh tế, báo cáo cho biết, khu vực FDI đã đóng góp một phần đáng kể và ngày càng quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, kích thích khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cùng ngành, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện trình độ công nghệ và trình độ quản lý trong nước thông qua “tác động tràn”.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, các doanh nghiệp trong nước mong muốn có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp FDI để yên tâm đầu tư vào công nghệ sản xuất, trong khi doanh nghiệp FDI đã có mạng lưới cung ứng riêng và thường mong muốn doanh nghiệp trong nước chủ động chào hàng và chứng minh năng lực cung ứng. Trong khi đó, vai trò trung gian của các cơ quan quản lý nhằm giới thiệu, kết nối nhà cung ứng trong nước với doanh nghiệp FDI còn mờ nhạt và rất cần phải được củng cố.

Trên thực tế, dù đang có nhiều tập đoàn lớn FDI đổ vào Việt Nam thì vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam là làm gì để tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn này, thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng ở khu vực. Bởi, doanh nghiệp FDI vào Việt Nam sẽ còn kéo theo nhiều nhà đầu tư vệ tinh giúp phát triển công nghiệp, tăng cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp cận thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo CAND

Chủ đề Khu kinh tế Vũng Áng

Đọc thêm

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Showroom VinFast Hà Tĩnh 2 không chỉ là nơi trưng bày và kinh doanh sản phẩm mà còn là cầu nối giữa VinFast với khách hàng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.
Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Dự án toà căn hộ D' Metropole - Luxury Apartments hứa hẹn sẽ chinh phục được trái tim người mua nhà nhờ vị trí đắc địa, thiết kế sang trọng, tiện ích đẳng cấp, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sống nghỉ dưỡng – tiện nghi của khách hàng.