Vụ bê bối làm rung chuyển chính trường Ba Lan trước thềm bầu cử

Vụ bê bối liên quan đến cấp thị thực làm rung chuyển chính phủ chống nhập cư của Ba Lan trước cuộc bầu cử quan trọng. Lãnh đạo phe đối lập Donald Tusk mô tả sự kiện là "vụ bê bối lớn nhất thế kỷ 21 ở Ba Lan".

Vụ bê bối làm rung chuyển chính trường Ba Lan trước thềm bầu cử

Lãnh đạo phe đối lập Donald Tusk mô tả sự kiện là “vụ bê bối lớn nhất thế kỷ 21 ở Ba Lan”. Ảnh: PAP

Chỉ gần 1 tháng trước cuộc tổng tuyển cử quan trọng, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền của Ba Lan đang nỗ lực ngăn chặn một vụ bê bối nghiêm trọng, trong đó nhiều quan chức đã bị sa thải và những người khác bị bắt, bị buộc tội với cáo buộc liên quan đến hối lộ cấp thị thực.

Chính phủ Ba Lan tự hào về các quy định cứng rắn đối với vấn đề di cư của mình nhưng cáo buộc cốt lõi của vụ bê bối là các nhân viên của họ tại các lãnh sự quán trên toàn thế giới - đặc biệt là ở châu Phi và châu Á - đã nhận khoản tiền lớn để cấp thị thực Ba Lan và quyền tiếp cận EU.

Truyền thông Ba Lan cho biết khoảng 250.000 thị thực đã được cấp kể từ năm 2021, trị giá hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn euro mỗi thị thực.

Theo một số thông tin, người di cư thậm chí đã sử dụng thị thực nhập cảnh nhiều lần của Ba Lan để đến Mexico và sau đó vào Mỹ. Lãnh đạo phe đối lập Donald Tusk đã gọi những sự kiện đang diễn ra là “vụ bê bối lớn nhất thế kỷ 21 ở Ba Lan”.

Bộ Ngoại giao Ba Lan cuối tuần trước đã phải hủy tất cả hợp đồng với các công ty bên ngoài để hỗ trợ xử lý thị thực, sa thải người đứng đầu bộ phận pháp lý Jakub Osajda, đồng thời cam kết sẽ thực hiện một cuộc “thanh tra đặc biệt” đối với cơ quan lãnh sự của họ ở Warsaw và các bộ phận lãnh sự quán trên toàn thế giới của Ba Lan.

Tuyên bố của Bộ trên cũng đổ lỗi cho Radosław Sikorski, một chính trị gia đối lập, người giữ chức Ngoại trưởng Ba Lan năm 2014.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan phụ trách lãnh sự Piotr Wawrzyk trước đó bất ngờ bị sa thải vào ngày 31/8 và bị loại khỏi danh sách ứng cử viên quốc hội của PiS. Chính quyền Ba Lan cho biết 7 người đã bị buộc tội và 3 người đang bị bắt giữ trong vụ bê bối.

Sau khi ông Wawrzyk bị sa thải, tờ báo Gazeta Wyborcza của Ba Lan đưa tin cuộc điều tra tập trung vào một hệ thống trong đó các công dân ngoài EU được cho là đã trả tới 5.000 USD cho một thị thực Ba Lan. Thị thực nhập cảnh nhiều lần cũng được cấp cho những người Ấn Độ đã sử dụng chúng để đến Mexico muốn nhập cảnh vào Mỹ.

Những sự kiện này đặt ra một vấn đề ngày càng gia tăng đối với chính phủ, vốn đã xây dựng một phần chiến dịch tái tranh cử dựa trên thông điệp cứng rắn với người di cư, khuyến khích việc xây dựng một bức tường dọc biên giới với Belarus để ngăn chặn những người vượt biên trái phép vào Ba Lan. PiS cũng đang tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cùng ngày với cuộc bầu cử, trong đó một trong những câu hỏi nhằm vào chính sách di cư của EU.

Chính phủ Ba Lan khẳng định họ đã kiểm soát được vụ việc. Thủ tướng Mateusz Morawiecki thông báo: “Không có vấn đề gì về người nhập cư bất hợp pháp ở Ba Lan”, đồng thời đổ lỗi cho lãnh đạo phe đối lập Donald Tusk vì đã “tìm cách tạo ra một thực tế sai lầm và gây rắc rối chính trị bằng các vấn đề ở Bộ ngoại giao".

“Những bất thường liên quan đến hàng trăm thị thực – tôi nhắc lại, vài trăm thị thực – đã được chúng tôi xác định như một phần trong thủ tục thanh, kiểm tra của chúng tôi. Các cơ quan của Ba Lan đã có hành động phù hợp và những người bị nghi ngờ vi phạm pháp luật đã được xác định”, ông Morawiecki nói.

Nhưng phe đối lập coi đây là cơ hội để giành lợi thế trong một chiến dịch tranh cử chính trị khi PiS đang nỗ lực giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có vào ngày 15/10 tới. Ông Tusk đã chỉ trích PiS, nói: “Họ sẽ lên kế hoạch ngăn cản người Ba Lan biết về vấn đề này. Như mọi khi, họ muốn lật ngược 180 độ sự thật về những sự kiện như vậy”.

Các cuộc khảo sát được thực hiện trước khi vụ bê bối nổ ra cho thấy PiS nhận được 38% sự ủng hộ và Liên minh Công dân của ông Tusk xếp sau ở mức 30%, theo cuộc thăm dò ý kiến của Politico. Điều đó là chưa đủ để một trong hai đảng có thể tự thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử, có nghĩa là họ sẽ phải tìm các đối tác liên minh để xây dựng thế đa số.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.