Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Theo đó, kinh tế Việt Nam được đánh giá tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ kinh tế toàn cầu hồi phục bền vững và nhiều biện pháp cải cách trong nước được thực hiện.
Tăng trưởng dự báo của Việt Nam năm nay được nâng lên 6,8%, so với 6,5% trong báo cáo này hồi tháng 4. Dù vậy, trước đó, tốc độ này đã được WB nâng lên trong báo cáo điểm lại về kinh tế Việt Nam hồi tháng 6.
Ông Sudhir Shetty – Kinh tế trưởng của WB phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương giải thích: “Việt Nam là một trong số ít quốc gia được nâng triển vọng năm 2018. Dù căng thẳng thương mại trên thế giới trầm trọng hơn, xuất khẩu quý I của Việt Nam lại tăng mạnh. Đây là nền tảng tốt cho hoạt động kinh tế mạnh lên năm nay”.
Công nhân trong một nhà máy may ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Reuters |
Dù vậy, sang năm 2019 và 2020, tăng trưởng của Việt Nam được dự báo chững lại. Tốc độ này theo WB sẽ lần lượt là 6,6% và 6,5%.
Tại phiên họp thường kỳ cuối tháng 8, Chính phủ dự báo GDP năm nay có thể đạt trên 6,7%, cao hơn mục tiêu đặt ra. Lạm phát cũng sẽ dưới 4%.
Trong khi đó, WB dự báo lạm phát của Việt Nam tăng tốc lên 4% năm nay và giữ nguyên trong 2 năm tới. Nợ công trên GDP cũng sẽ về 58,3% năm 2018 và giảm dần sau đó. WB cho rằng trong môi trường nhiều biến động như hiện tại, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến ổn định môi trường vĩ mô, theo dõi chặt nợ công và tiếp tục duy trì mở cửa với thương mại, đầu tư để đảm bảo sự thành công của nền kinh tế.
Nhận định chung về cả khu vực, WB cho rằng dù môi trường bên ngoài kém thuận lợi, triển vọng tăng trưởng ở các nước đang phát triển tại Đông Á – Thái Bình Dương vẫn tích cực. Dù vậy, GDP khu vực dự kiến tăng 6,3% năm nay, thấp hơn năm 2017, do tăng trưởng tại Trung Quốc tiếp tục chững lại trong quá trình tái cân bằng nền kinh tế. Nước này được dự báo chỉ tăng trưởng 6,5% năm nay, giảm so với năm ngoái.
Các thách thức chính với khu vực hiện tại là căng thẳng thương mại trên toàn cầu, Mỹ nâng lãi suất, biến động tài chính tại các nền kinh tế mới nổi và lạm phát tăng cao. Theo WB, để vượt qua các thách thức, các nước Đông Á có 4 cách tiếp cận, là ổn định vĩ mô, tăng mở cửa đầu tư và thương mại, tăng cường cải cách cơ cấu và củng cố an ninh kinh tế.
“Trong bối cảnh rủi ro tăng lên, các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á – Thái Bình Dương cần áp dụng đầy đủ các chính sách tái cơ cấu, ổn định vĩ mô để chống chịu các cú sốc từ bên ngoài và nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng”, ông Shetty kết luận.