28 năm đi săn mô hình ôtô, xe máy

Ngày bỏ ra 70.000 đồng mua mô hình chiếc Kawasaki Nijna Zx-9r, anh Linh không ngờ đó là khởi đầu của một cuộc chơi kéo dài 28 năm, tốn gần một tỷ đồng.

“Năm 18 tuổi, tôi tình cờ thấy mô hình chiếc phân khối lớn này tại một cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can nên quyết định tiết kiệm tiền ăn sáng để mua”, anh Phạm Mạnh Linh, 46 tuổi, ở quận Đống Đa, hiện làm việc tại một công ty du lịch, kể.

Chiếc xe mô hình làm bằng nhựa, sơn xanh, hình dáng sơ sài, thiết kế đơn giản, kém xa các phiên bản hiện đại nhưng vẫn khiến cậu học trò lúc đó mê mẩn.

Anh Linh khẳng định đây không phải sở thích nhất thời bởi từ nhỏ đã có niềm đam mê với xe phân khối lớn, thiết kế khỏe khoắn, mạnh mẽ, thể hiện rõ cá tính và bản sắc của từng hãng.

“Từ đó, tôi ấp ủ kể hoạch xây dựng một bộ sưu tập xe mô hình tĩnh, bản thu nhỏ của xe thật cho riêng mình. Còn sưu tập xe thật thì không thể đủ khả năng”, chủ nhân bộ sưu tập hơn 400 mô hình, trị giá gần một tỷ đồng, nói.

28 năm đi săn mô hình ôtô, xe máy

Chiếc Kawasaki Nijna Zx-9r mô hình tỉ lệ 1:18 được anh Mạnh Linh mua từ năm 1994, có giá 70.000 đồng. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Anh Linh tiết lộ, nhiều người nhầm lẫn xe mô hình với đồ chơi trẻ em. Thực tế, các mô hình xe cao cấp chỉ khác các mẫu xe thật là không có động cơ, còn lại tất cả các chi tiết máy, hệ thống phanh, lò xo giảm xóc, xích, chìa khóa, đồng hồ đo tốc độ... đều có thể hoạt động; nội thất và ngoại thất đều được thiết kế tinh xảo, giống xe thật trên 90%. Đặc biệt, nhiều phiên bản được lắp ráp từ 300 đến 400 linh phụ kiện, rất khó phân biệt với xe thật, nếu chụp cận cảnh.

Đầu những năm 1990, sưu tập mô hình xe máy, ôtô là thú chơi xa xỉ bởi đắt, không có chỗ bán và hiếm người biết. Ngoài việc tích góp tiền ăn sáng, anh Linh lùng sục khắp các ngóc ngách ở Hà Nội từ phố đồ chơi Lương Văn Can, khu bách hóa tổng hợp, chợ trời để tìm mua nhưng gần như không có.

Về sau, anh nhờ người thân đi nước ngoài hoặc đặt qua bên trung gian, tiền mua mô hình đều do tiết kiệm và đi làm thêm, nhưng cả năm chỉ mua được 1-2 chiếc vì đắt, khiến bộ sưu tập phát triển chậm.

Chỉ đến khi đi làm, kinh tế vững, anh bắt đầu mua nhiều, số lượng tăng từ vài chục lên cả trăm chiếc. Tất cả đều được đặt tại Anh, Đức, Mỹ hoặc thức đêm canh giờ đấu giá qua các kênh trực tuyến. Giá mỗi mô hình trong giai đoạn này dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng, tùy thuộc vào độ hiếm, chi tiết và hãng sản xuất. “Chỉ cần thích là tôi đặt mua, không quan tâm đến giá cả, bởi đó là đam mê”, anh nói.

Ban đầu, anh Linh chủ yếu sưu tầm mô hình xe máy dân dụng và xe đua thể thao của các hãng Yamaha, Honda, Suzuki, Ducati... có tỷ lệ 1:12 và 1:10, sau đó mở rộng thêm mô hình ôtô của các hãng nổi tiếng như Ferrari, Porsche, BMW, Mercedes, Lamborghini... có kích cỡ 1:18.

28 năm đi săn mô hình ôtô, xe máy

Anh Linh cầm trên tay mô hình Pagani Zonda Cinque Red Metaliic 2012, cả thế giới chỉ sản xuất 20 chiếc. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Trong bộ sưu tập, anh Linh ưu ái nhất chiếc Pagani Zonda Cinque Red Metaliic 2012, cả thế giới chỉ có 20 chiếc, đặt mua từ Đức, giá hơn 25 triệu đồng. Chiếc MotoGP của tay đua huyền thoại người Italy Valentino Rossi, có biệt danh “The Doctor” giá 4 triệu đồng, nhưng khiến anh mất gần một năm tìm kiếm, canh đấu giá và chờ vận chuyển về Việt Nam. Ngoài xe máy, ôtô anh cũng sưu tầm hơn 80 mẫu mũ bảo hiểm tỷ lệ 1:12, phần lớn mô phỏng mũ của tay đua Valentino Rossi, giá từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng một chiếc.

Sau 28 năm xây dựng bộ sưu tập, anh Linh thừa nhận sưu tầm mô hình không đơn giản bởi tốn kém, mất thời gian, không đặt nhanh phải mua lại với giá cao hoặc thậm chí mất cơ hội sở hữu.

“Nhiều người có thể nói tôi sưu tầm để chứng tỏ độ khủng về số lượng hay giá trị tiền, nhưng tất cả chỉ là đam mê và tôi may mắn nhận được sự ủng hộ của gia đình để có thể kiên trì cho đến giờ”, anh bộc bạch.

Sở hữu lượng lớn mô hình xe, nhưng diện tích nhà có hạn buộc người đàn ông 46 tuổi phải cất giữ hơn nửa trong các hộp, số còn lại trưng bày trong tủ kính. Ngoài việc bảo quản cẩn thận, tỉ mỉ, mỗi năm anh Linh phải vệ sinh, bảo dưỡng và kiểm tra chất lượng xe hai lần vì một số mẫu có thể bị bong sơn, biến dạng lốp, nứt kính sau thời gian dài cất giữ trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.

Riêng các xe bị han gỉ, bạc màu anh Linh sẽ đem đến các cơ sở gia công để phun sơn chuyên dụng hoặc “độ” lại (thay đổi màu sắc, lắp thêm chi tiết) để làm mới. Nhiều chiếc sau khi trùng tu được giới chơi xe mô hình đánh giá cao, không ít người sẵn sàng bỏ số tiền lớn để mua lại, nhưng anh Linh từ chối bởi đa phần đây là các mẫu hiếm, thể hiện rõ phong cách, dấu ấn riêng của người sở hữu.

28 năm đi săn mô hình ôtô, xe máy

Một góc nhỏ gồm các mô hình mô tô đua được anh Linh trưng bày trong nhà. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Là một trong những người sưu tầm đời đầu, người đàn ông Hà Nội nhận thấy số người chịu chơi và chịu chi ngày càng lớn. Anh nói, trước năm 2015, phần lớn là người chơi mô hình đơn lẻ, số lượng ít, nhưng nay các hội nhóm quan tâm đến thú chơi này trên mạng xã hội ngày càng lớn, nhu cầu mua bán, trao đổi tăng chóng mặt. Câu lạc bộ của anh Linh hiện có hơn 20.000 thành viên tham gia trên khắp cả nước.

“Thị trường cung ứng ngày càng nhiều, nhưng người chơi cũng cần cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo”, anh Linh cảnh báo và khuyên những người mới chơi nên tìm đến những địa chỉ mua bán uy tín hoặc nhờ người có kinh nghiệm hỗ trợ.

28 năm đi săn mô hình ôtô, xe máy

.

28 năm đi săn mô hình ôtô, xe máy

Trong thời gian tới anh dự định tìm thêm nhiều mô hình ôtô, xe máy độc, lạ để làm phong phú hơn cho bộ sưu tập. Đồng thời tổ chức buổi triển lãm xe mô hình cho những người cùng đam mê được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo Quỳnh Nguyễn/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast