Anh Nguyễn Văn Anh và vợ - chị Nguyễn Thị Hà (thôn Đông Hà 2, Thạch Long).
Nhiều năm trước, bà con Thạch Long chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản, thu nhập lên, xuống “nhờ trời” nên cuộc sống gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với chủ trương cơ cấu ngành nghề chuyển dịch dần sang thương mại - dịch vụ, tăng cường XKLĐ, từng ngôi nhà mái ngói dần thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang, cuộc sống người dân không ngừng được cải thiện.
Năm 2008, chứng kiến một số anh em, bạn bè đổi đời sau quá trình XKLĐ, anh Nguyễn Văn Anh (thôn Đông Hà 2) mạnh dạn đi sang Hàn Quốc. Nhanh chóng làm quen với công việc tại xưởng cơ khí, anh Anh dần thu nhập ổn định, trung bình mỗi tháng nhận được hơn 20 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Anh chia sẻ: “Năm 2017, tôi quyết định trở về Việt Nam. Số tiền tiết kiệm được trong thời gian XKLĐ tại Hàn Quốc, vợ chồng tôi dùng vào việc xây nhà, phần nữa sử dụng làm vốn để đầu tư sản xuất giò chả và một ít dành tích lũy cho con cái. Nhờ XKLĐ, cuộc sống của chúng tôi không chỉ được đầy đủ về vật chất mà tinh thần cũng được cải thiện. Nếu chỉ ở nhà quẩn quanh, trông chờ vào 6 sào ruộng, chắc chắn vợ chồng sẽ rất chật vật xoay xở để đảm bảo tương lai cho các thành viên trong gia đình”.
Nhờ XKLĐ, nhiều gia đình tại thôn Đông Hà 2 đã xây dựng nhà cửa khang trang và dành dụm được khoản vốn nhất định để đầu tư sản xuất, nâng cao đời sống.
Ông Trần Minh Hữu - Trưởng thôn Đông Hà 2 trao đổi: “Toàn thôn có gần 400 hộ dân với khoảng 1.700 nhân khẩu, trong đó có khoảng 250 người đi XKLĐ, chủ yếu tại các quốc gia như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và số ít đi Mỹ, Đài Loan. Nhờ XKLĐ, nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa khang trang và dành dụm được khoản vốn nhất định để đầu tư sản xuất, nâng cao đời sống. Không chỉ thế, đây cũng là cơ hội để người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề, đủ khả năng và các điều kiện tạo lập một hướng đi riêng cho bản thân sau khi trở về nước, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế địa phương đúng hướng”.
Trưởng thôn Đông Hà 2 - Trần Minh Hữu trò chuyện với bà Nguyễn Thị Lành (có con trai đang XKLĐ tại Thái Lan) về công tác XKLĐ trên địa bàn.
Nhận thấy XKLĐ là kênh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, chính quyền địa phương nói chung và thôn Gia Ngãi 1 đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân. Theo trưởng thôn Gia Ngãi 1 - Nguyễn Văn Tiến, trên tổng số gần 280 hộ, hiện có hơn 20 người đang đi XKLĐ tại các nước Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. Người đi trước làm ăn khấm khá rồi gửi tiền về hỗ trợ người thân, anh em tiếp tục đi XKLĐ. Thanh niên trong thôn khi đã tốt nghiệp phổ thông nếu không thi đỗ đại học sẽ tiếp tục lựa chọn con đường học nghề hoặc tìm hiểu thị trường, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để đi XKLĐ.
“Phố trong làng” ở thôn Gia Ngãi 1 (xã Thạch Long).
Tính đến tháng 6/2022, toàn xã Thạch Long có tất cả 528 người đang đi XKLĐ ở nước ngoài (Thái Lan: 199 người, Nhật Bản: 113 người, Hàn Quốc: 104 người, Đài Loan 40 người...). Người dân đi XKLĐ nước ngoài chủ yếu theo 2 con đường là hợp đồng với các công ty có giấy phép hoạt động hoặc do người thân giới thiệu. Mức thu nhập của người lao động ở các quốc gia tương đối cao: Thái Lan mức lương từ 10 - 20 triệu đồng/tháng, Nhật Bản từ 20 - 30 triệu đồng/tháng, Hàn Quốc 30 - 40 triệu đồng/tháng.
Công an xã Thạch Long hướng dẫn người dân làm hồ sơ, thủ tục đi XKLĐ.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác XKLĐ đối với sự phát triển kinh tế của địa phương, thời gian qua, công tác tuyên truyền, thông tin, tư vấn cho người lao động có nhu cầu đi XKLĐ được cấp ủy, chính quyền xã Thạch Long quan tâm thực hiện. Theo đó, địa phương thường xuyên thông báo trên hệ thống truyền thanh về việc tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn du học, XKLĐ; phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tư vấn cho người dân có nhu cầu XKLĐ. Đồng thời, quan tâm theo dõi người đi làm việc ở nước ngoài đến hạn hợp đồng để vận động người thân, gia đình thuyết phục con em về đúng quy định, tập trung giải quyết nhanh thủ tục cho người dân đi lao động ở nước ngoài...
Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an Hà Tĩnh) giải quyết các thủ tục liên quan đến hộ chiếu cho người dân có nhu cầu đi XKLĐ.
Chủ tịch UBND xã Thạch Long Phan Tố Hoài cho biết: “Thông qua các cuộc hội thảo, tư vấn, xã đã giúp người dân nâng cao hiểu biết về quy trình, thủ tục cũng như kinh phí đi XKLĐ tại các quốc gia để họ có nhiều lựa chọn phù hợp với mong muốn. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền về vấn đề đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức của người dân trong việc đi XKLĐ qua con đường chính thống. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tăng cường lồng ghép các nội dung về XKLĐ trong các buổi sinh hoạt. Đặc biệt, quan tâm công tác tư vấn, định hướng cho người lao động học nghề, học ngoại ngữ nhằm nâng cao chất lượng khi XKLĐ.
Chúng tôi đánh giá cao cấp ủy, chính quyền huyện Thạch Hà nói chung, xã Thạch Long nói riêng trong chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia đi nước ngoài. Sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể đã mang lại nhiều kết quả tốt, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn ở địa phương.