Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục xâm nhập, lây lan trong cộng đồng và cán bộ y tế trở thành những chiến sỹ trên mặt trận “không tiếng súng”. Họ đã chiến đấu, hy sinh niềm riêng để từng bước kiểm soát dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, tạo sự ổn định để phát triển KT-XH.
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại huyện Cẩm Xuyên.
Từ 2 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng xuất phát tại bãi tắm Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà) vào ngày 4/6/2021, dịch bệnh đã lan ra TP Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn, Thạch Hà… Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, ngành y tế đã chủ động phối hợp các ban, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch.
Theo bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế, ngành đã chỉ đạo và thực hiện xuyên suốt, nhất quán, có hiệu quả chiến lược: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả”. Trong đó, 3 hoạt động nòng cốt là giám sát chặt chẽ các nguy cơ; truy vết thần tốc; xét nghiệm diện rộng, phong tỏa hẹp. Toàn bộ hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đã cùng với các địa phương có dịch tập trung cao cho việc điều tra, truy vết, xét nghiệm F1, F2 và các trường hợp có nguy cơ cao, từ đó nhanh chóng khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch, hạn chế thấp nhất số lượng ca mắc trong cộng đồng.
Ngành y tế huy động tổng lực các cán bộ, nhân viên tham gia công tác lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm.
Theo bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, qua ứng phó với đại dịch, năng lực xét nghiệm của Hà Tĩnh dần đáp ứng các tình huống dịch xảy ra trên diện rộng. Ngoài 2 cơ sở ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh và CDC tỉnh, còn có thêm cơ sở xét nghiệm tại Trung tâm Y tế Hương Sơn. Ngành y tế đào tạo gần 1.000 người và huy động tổng lực cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở tham gia lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm nghi ngờ mắc COVID-19 tại các địa phương.
Tính từ ngày 4/6 - 1/1/2022, ngành y tế đã xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho trên 500 nghìn mẫu, khẳng định 1.614 mẫu dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Công tác giám sát, hướng dẫn, theo dõi, cách ly của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở cũng ngày càng vững vàng thông qua việc triển khai hiệu quả cách ly hơn 6.000 F1 tại nhà trên toàn tỉnh.
Năng lực xét nghiệm của Hà Tĩnh được nâng lên để ứng phó với mọi diễn biến của dịch bệnh.
Ngành y tế đã triển khai điều trị riêng bệnh nhân không có triệu chứng tại Khu cách ly F0 Mitraco (TX Kỳ Anh); bố trí bệnh nhân nhẹ và vừa tại 3 cơ sở là Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh; kích hoạt, triển khai xây dựng khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại trụ sở cũ của Sở Y tế.
Ứng phó với đại dịch, ngành y tế cũng đã có sự linh hoạt, thích ứng nhanh trong công tác khám, chữa bệnh. Các đơn vị trong ngành đã tăng cường triển khai khám, chữa bệnh từ xa với các chuyên gia hàng đầu Trung ương. Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng hỗ trợ tối đa cho tuyến dưới thông qua hội chẩn trực tuyến và thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh trong cấp cứu các trường hợp nguy kịch.
Ngành cũng đã mạnh dạn triển khai điều trị bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà. Từ đó đã nâng cao năng lực giám sát, theo dõi, điều trị bệnh nhân tại nhà của hệ thống y tế cơ sở. Đồng thời đây là cơ sở để tiếp tục phát triển việc chăm sóc, theo dõi bệnh nhân theo nguyên lý y học gia đình đối với các bệnh mãn tính, bệnh lây nhiễm trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Hà Tĩnh đang triển khai hiệu quả việc cách ly, điều trị F0 tại nhà.
Bác sỹ Lê Văn Tịnh - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) cho biết: “Qua ứng phó với dịch bệnh đã tôi rèn cho đội ngũ y tế cơ sở khả năng thích ứng trước những áp lực chưa từng có. Giờ đây, không chỉ truy vết, cách ly mà cán bộ trạm y tế còn thực hiện việc lấy mẫu, xét nghiệm test nhanh, điều trị bệnh nhân tại nhà và tổ chức tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Khối lượng công việc lớn đòi hỏi mỗi cán bộ y tế phải xây dựng kế hoạch, quy trình làm việc khoa học hơn và năng lực làm việc cũng được nâng lên rõ rệt”.
Để phục vụ công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, thông qua nguồn lực xã hội hóa, Hà Tĩnh đã tiếp nhận 10 máy thở đa năng, 20 máy monitor theo dõi bệnh nhân 5 thông số, 10 máy chạy thận nhân tạo, 10 máy siêu âm 3D, 2 máy X-quang kỹ thuật số, 1 máy gây mê hồi sức, 10 máy oxy dòng cao cùng nhiều xe cứu thương. Các trang thiết bị này không chỉ phục vụ phòng chống dịch mà còn được các đơn vị sử dụng hiệu quả trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân hằng ngày.
Qua sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các cơ sở y tế tiếp nhận nhiều máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ công tác phòng, chống dịch và khám chữa bệnh cho người dân.
“Nhìn lại chặng đường gần 2 năm phòng chống dịch, nhất là năm 2021, hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đã có những bước trưởng thành không chỉ trong năng lực cách ly, truy vết, xét nghiệm, điều trị mà còn cả về mặt ý thức, tư duy và kinh nghiệm. Qua phòng chống dịch đã giúp mỗi đơn vị, mỗi cán bộ y tế luôn có tâm thế chủ động để ứng phó với các tình huống; ngành y tế có thêm kinh nghiệm trong công tác phối hợp với các địa phương, đơn vị để xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn, mang lại hiệu quả cao nhất”, bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế khẳng định.
Những thành quả, kinh nghiệm phòng chống dịch thời gian qua sẽ là nền tảng để ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục ứng phó an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.