Phát hiện muộn bệnh glôcôm có thể gây mù vĩnh viễn

(Baohatinh.vn) - Bác sỹ Lê Công Đức - Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết: "Khi phát hiện muộn, việc điều trị glôcôm rất khó khăn, không thể phục hồi, hoặc nặng hơn là bị mù vĩnh viễn”.

Bác sỹ Lê Công Đức, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian gần đây, qua thăm khám đã phát hiện nhiều trường hợp bị glôcôm nhãn áp không cao, đây là một hình thái đặc biệt của glôcôm góc mở. Với các trường hợp này không có triệu chứng rõ ràng, do vậy, người dân thường rất chủ quan, đến khi phát hiện thì bệnh trở nặng. Một số trường hợp phát hiện bệnh rất ngẫu nhiên qua việc khám sức khỏe định kỳ. Với những trường hợp phát hiện muộn, việc điều trị glôcôm rất khó khăn, không thể phục hồi mà chỉ giữ được thị lực hiện tại, hoặc nặng hơn là bị mù vĩnh viễn”.

Phát hiện muộn bệnh glôcôm có thể gây mù vĩnh viễn

Bác sỹ Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh điều trị cho một bệnh nhân bị glôcôm.

Để điều trị, chăm sóc hiệu quả, chu đáo và kịp thời cho bệnh nhân glôcôm, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh đã thành lập Tổ chăm sóc, theo dõi và điều trị glôcôm. Các y bác sỹ trong tổ có nhiệm vụ phát hiện, lập sổ theo dõi, tư vấn điều trị glôcôm cho người bệnh. Khi bệnh nhân bị glôcôm đã được lập sổ theo dõi, các bác sỹ sẽ tiến hành nhắc nhở người bệnh đi khám định kỳ theo đúng lịch hẹn.

Sau hơn 1 năm thành lập, đến nay Tổ đã phát hiện, lập sổ theo dõi, điều trị hiệu quả glôcôm cho gần 200 bệnh nhân trên toàn tỉnh.

Bác Nguyễn Văn Quân (xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên) bị nhức mỏi mắt, vào Bệnh viện Mắt khám được xác định bị bệnh glôcôm thứ phát do đục thủy tinh, thị lực chỉ còn 2/10. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, các bác sỹ Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh đã tiến hành phẫu thuật cắt bè, điều trị glôcôm và thay thủy tinh thể nhân tạo bằng phương pháp phaco. Sau gần 2 tuần phẫu thuật và điều trị thị lực của bác Quân đã được cải thiện đạt 5/10.

Phát hiện muộn bệnh glôcôm có thể gây mù vĩnh viễn

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh điều trị cho từ 5 - 7 bệnh nhân bị glôcôm.

Còn bệnh nhân Trần Thị Hà (xã Sơn Lộc, Can Lộc) vào điều trị trong tình trạng đau nhức hai mắt, đau đầu, chống mặt, buồn nôn. Qua thăm khám các bác sĩ phát hiện chị Hà bị bệnh glôcôm thể mi và được phẫu thuật glôcôm bằng phương pháp Phaco; lập hồ sơ theo dõi định kỳ.

Đây là 2 trong rất nhiều bệnh nhân bị glôcôm được Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh phát hiện và tiến hành điều trị kịp thời. Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh thăm khám cho hơn 100 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho hơn 80 bệnh nhân, trong đó có 5 đến 7 bệnh nhân điều trị glôcôm.

Có nhiều bệnh nhân bị glôcôm tuy đã được phát hiện và điều trị song sau đó người bệnh chủ quan nên không đi khám, theo dõi tiếp. Hậu quả là bệnh vẫn âm ĩ và tiếp tục tiến triển dẫn đến mất dần chức năng thị giác.

Phát hiện muộn bệnh glôcôm có thể gây mù vĩnh viễn

Bác sỹ khuyến cáo người bị glôcôm cần tuân thủ lịch khám mắt theo lịch.

Theo khuyến cáo từ chuyên gia y tế, người bị glôcôm cần phải được chăm sóc, theo dõi thường xuyên, theo quy trình chặt chẽ từ khi được phát hiện bệnh và được điều trị cho đến hết quãng đời còn lại nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác. Đặc biệt, những người trên 35 tuổi cần đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Được biết, để điều trị hiệu quả các bệnh lý về mắt, trong đó có bệnh glôcôm, Bệnh viện mắt Hà Tĩnh đã đầu tư trang thiết bị hiện đại như: máy chụp đáy mắt; máy chụp cắt lớp võng mạc; máy phẫu thuật Phaco; máy sinh hiển vi khám bệnh, phẫu thuật; máy đo khúc xạ…

Bệnh glôcôm là nhóm bệnh lý thần kinh thị giác tiến triển cấp tính hoặc mãn tính, đặc trưng bởi sự chết dần các tế bào hạch võng mạc dẫn đến những biểu hiện tổn hại đầu dây thần kinh thị giác và thị trường. Hậu quả cuối cùng của glôcôm là mù loà vĩnh viễn không có khả năng hồi phục. Bệnh glôcôm rất phức tạp do có rất nhiều hình thái với những cơ chế bệnh sinh, biểu hiện lâm sàng, đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau. Nếu người bị glôcôm chủ quan, không đi khám, điều trị, khi bệnh tiến triển nặng thì đã quá muộn.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast