Càng về chiều, mưa trở nên nặng hạt, nhưng chị Nguyễn Thị Nga (thôn Đông Sơn, xã Mai Phụ - Lộc Hà) vẫn cố cấy nốt sào lúa Xi 23 còn lại. Ở vùng đất được xem là “tử địa”, sản xuất nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng với họ. Chị cho biết: “Năm nay, tôi làm 8 sào, đã xuống cấy được 1 tuần lễ. Thời tiết từ đầu vụ đến nay khá thuận lợi, không quá rét như mọi năm nên mạ phát triển tốt. Bà con chúng tôi ra đồng đắp bờ giữ nước sớm nên công tác làm đất, cấy lúa cũng dễ dàng hơn”.
Dù trời mưa dầm, bà con xã Mai Phụ (Lộc Hà) vẫn tranh thủ cấy lúa xuân. |
Cách đó không xa, gia đình chị Võ Thị Vinh (cùng thôn) cũng đang tập trung nhân lực cấy hết sào ruộng còn lại: “Tết cận kề rồi, chúng tôi phải huy động người quen, họ hàng luân phiên đổi công cho nhau để cấy hết diện tích. Hôm nay nữa là gia đình tôi hoàn tất cấy lúa để dồn thời gian vào gieo trỉa lạc xuân”.
Ở Nghi Xuân, một tuần nay, không khí xuống đồng cũng rộn rã hơn bao giờ hết. Vừa kết thúc trà xuân trung, khung lịch cho trà lúa đầu tiên của xuân muộn - BTE1 đã đến. Ông Dương Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết: “Bắt đầu xuống cấy từ 13/1, đến thời điểm này, bà con đã cơ bản hoàn thành diện tích xuân trung (Xi23, NX30 và XT28) và đang bước vào vụ cấy đối với giống BTE1. Vụ xuân này, xã chỉ đạo sản xuất 10 ha giống BTE1. Đây sẽ là nền tảng để xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, thay thế dần các giống đã thoái hóa ở địa phương”.
Ngược lên Đức Thọ, đây là thời điểm bà con nông dân xuống cấy lúa P6 - dòng giống đang từng bước khẳng định thương hiệu cho lúa gạo Hà Tĩnh. Năm nay, Đức Thọ chủ trương liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, trong đó, quy hoạch 58 ha tại Trung Lễ sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ sinh học vào chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Cùng đó, tại những cánh đồng xuân muộn của Cẩm Xuyên, Can Lộc và Thạch Hà có đến cả trăm máy móc làm đất chạy băng băng trên đồng ruộng.
Tết Bính Thân đang đến gần, bà con nông dân dồn lực chạy đua với thời gian bởi đây là khung thời vụ xuống giống chủ lực các loại. Chỉ xuống đám ruộng trong ngày đầu tiên xuống giống, ông Nguyễn Văn Duẩn (xã Cẩm Minh - Cẩm Xuyên) cho hay: “Là nếp 98 đấy, làm đất đến đâu là gieo cấy đến đấy, từ nay đến giáp tết là thời gian gieo cấy tập trung của chúng tôi. Ngày thì gieo cấy, đêm đến lại đặt bẫy, đào hang bắt chuột, chúng tôi phải hoàn thành gieo cấy mới về ăn tết được”.
Theo ngành chuyên môn, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo cấy được 1.500 ha lúa xuân, trong đó, 1.000 ha lúa cấy và 500 ha lúa gieo. Khung lịch tập trung nhất của mùa gieo cấy từ nay đến giữa tháng 2 là nhóm: BTE1, Nhị ưu 838, N98, N97, HT1, BT7 và kết thúc là TH3-3, Th3-5.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, thời tiết khá thuận lợi. Tuy nhiên, để đảm bảo ứng phó với khả năng thiếu nước vào cuối vụ, bà con nông dân cần chủ động thực hiện tiết kiệm nước ngay từ bây giờ. Đắp bờ giữ nước, tiết kiệm tối đa nguồn nước mặt, bên cạnh đó, cần gieo cấy đúng mật độ, chăm sóc đúng quy trình hướng dẫn để phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, các địa phương còn gieo cấy giống X cần chú ý theo dõi bệnh đạo ôn”.
Mỗi cánh đồng mang một màu sắc riêng, điều xúc động nhất là dù vất vả, hối hả lao động, nhưng vẫn không vắng đi tiếng cười, lời hỏi thăm năm mới. Một mùa xuân nữa lại về trên những cánh đồng vui…