Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả: Đừng chỉ nhìn vào cây trồng cạn!

(Baohatinh.vn) - Không dưới 3 năm ngành NN&PTNT Hà Tĩnh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây trồng cạn “thế chân” diện tích lúa kém hiệu quả nhằm tăng năng suất và góp phần tái cấu trúc nông nghiệp. Từ đó đến nay, kết quả vẫn gần như “giẫm chân tại chỗ”. Lúa vẫn giữ thế chủ đạo, cây màu thậm chí không hoàn thành kế hoạch trong cơ cấu định sẵn...

Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả: Đừng chỉ nhìn vào cây trồng cạn! ảnh 1

Nhiều năm qua, bà con xã Thạch Xuân (Thạch Hà) đã chuyển đổi thành công hàng trăm ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu xanh.

Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo trỉa hơn 8.000 ha đậu xanh, 401 ha lạc, gần 1.000 ha ngô, gần 800 ha vừng, 2.000 ha rau và gần 950 ha khoai lang. Tất cả đều không đạt kế hoạch ngành nông nghiệp giao từ đầu vụ. Trong số này, chỉ có đậu, vừng, ngô và rau đạt trên 80% diện tích, còn lại “ngấp nghé” quá bán!

Hiện, các địa phương vẫn đang cố “níu kéo” bằng cách tiếp tục xuống giống một số cây thực phẩm mặc dù thời vụ đã kết thúc nửa tháng qua. Hoàn toàn không ngạc nhiên với kết quả này, ở những năm trước, lúc cao nhất, cây trồng chủ lực cũng chỉ đạt từ 80-95% kế hoạch “cứng”. Vốn dĩ thời vụ xuống giống cây trồng cạn trùng vào thời điểm khắc nghiệt nhất của vụ hè thu. Nắng nóng, khô hạn khiến cho các địa phương không thể làm đất, gieo trỉa đúng thời vụ.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: “Chiến lược của tái cơ cấu nông nghiệp chính là chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn nhằm gia tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích. Những loại cây tỉnh đang hướng tới là: rau - củ - quả, lạc, cỏ và ngô. Nhưng, việc chuyển đổi phải được thực hiện trong điều kiện đảm bảo nhất về hạ tầng thủy lợi phục vụ tưới - tiêu, đồng thời, xác định vùng chuyển đổi và đối tượng cây trồng phù hợp nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Muốn vậy thì phải có hệ thống chính sách đi kèm cộng với sự vào cuộc quyết liệt của địa phương”.

Nói cách khác, lâu nay, có lẽ người ta chưa dành cho cây trồng cạn “chỗ đứng” thích đáng mà chỉ xem như “vật thế thân” khi trồng lúa không khả thi. Trên thực tế, dù không yêu cầu lượng nước lớn và liên tục như lúa nhưng không có nghĩa cây màu không cần nước. Chẳng hạn như “điểm nóng” Hà Linh (Hương Khê), đợt hạn hán lịch sử kéo dài gần 2 tháng khiến cho hồ đập, sông suối trơ đáy. Lúa không thể cấy, đất màu cũng cứng như đá.

Ông Phan Đình Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Linh cho biết: “Từ vụ hè thu 2014, chúng tôi tăng diện tích màu lên đến 360 ha sau khi chuyển đổi 100 ha lúa kém hiệu quả. Nhưng vụ hè thu này, chúng tôi chỉ thực hiện được hơn 340 ha. Nếu tình trạng hạn hán như hồi tháng 6 kéo dài nữa thì bất khả kháng, không thể gieo trỉa loại cây gì”.

Ở Lộc Hà, mỗi năm có hàng trăm ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Đáng tiếc, diện tích này lại khó chuyển đổi sang cây trồng khác khi hạ tầng thủy lợi không kháng trụ được thiên nhiên khắc nghiệt ở địa phương này.

Năm 2014, toàn tỉnh chuyển đổi được 273 ha lúa sang cây trồng cạn; vụ hè thu 2015, diện tích này tăng thêm gần 200 ha. So với 2014, diện tích bỏ hoang đã thu hẹp lại, song, so với diện tích được chuyển đổi thì con số bỏ hoang năm nay vẫn gấp hơn 3 lần!

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh thì nguyên nhân lớn nhất vẫn là ruộng đất manh mún, diện tích đất ruộng trên đầu người thấp khiến cho hiệu quả kinh tế giữa cây trồng cạn và cây truyền thống là lúa không thể hiện rõ nên người nông dân ít mặn mà với đầu tư cây trồng mới. Huống gì, những nơi lúa không thể gieo cấy chủ yếu là vùng “đồng khô, cỏ cháy”. Việc bố trí cây trồng khác vào thời điểm khó khăn nếu thực hiện được cũng chỉ mang tính tức thời, “chống cháy”. Chính nguyên nhân này khiến chính quyền địa phương không quyết liệt để “tái cơ cấu”.

Cây trồng cạn phải được đầu tư chiến lược rõ ràng, ngoài việc xác lập đề án cho cây trồng thì vùng chuyển đổi trong chiến lược tái cơ cấu phải có điều kiện hạ tầng thủy lợi tốt nhất cho sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị. Và, ở một góc nhìn khác, diện tích bỏ hoang lớn có thể là bước quá độ để tích tụ ruộng đất, xây dựng hệ thống đồng bộ cho chiến lược tái cơ cấu cây trồng dài hơi.

Đọc thêm

Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Thời tiết Hà Tĩnh duy trì hình thái nhiều mây, có mưa rào, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa thời kỳ trổ tập trung.
Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Năm 2024, Chi hội nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật xã Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) thành lập với gần 50 hội viên tham gia, trở thành nền tảng để đưa thương hiệu mật ong vươn xa.
Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Trở về từ quân ngũ, ông Nguyễn Kiến Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã hăng hái cùng người dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong.
Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Thay vì rộn ràng thu hoạch những giọt mật đầu vụ như các năm trước, năm nay, người dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang trải qua một mùa mật ong chính vụ kém vui.
Hà Tĩnh với chặng nước rút góp phần gỡ thẻ vàng IUU

Gỡ thẻ vàng IUU: Hà Tĩnh quyết liệt "chặng nước rút"

Đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban Châu Âu được xem là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Xác định rõ nhiệm vụ này, Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong "chặng nước rút", đặc biệt tạo nên những thay đổi tích cực, nhất là trong nhận thức, trách nhiệm của ngư dân.