Gian nan giữ màu xanh cho rừng

(Baohatinh.vn) - Một ngày trung tuần tháng 6/2015, tiếng chuông đổ liên hồi, dồn dập khiến nhiều CBCS giật mình tỉnh giấc. “Rừng phòng hộ tại địa bàn Cẩm Minh đang cháy”, nhận thông tin, các anh khẩn trương lên đường...

Vậy nhưng, cuộc chiến giành sự sống cho rừng xanh chẳng khác nào “trứng chọi đá” khi tốc độ lưu thông của chiếc thuyền nan (phương tiện đường thủy duy nhất của đơn vị) không thể thắng nổi sức tàn phá của “bà hỏa”. Kết quả, 4,2 ha rừng đã bị thiêu rụi.

gian nan giu mau xanh cho rung

Tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân là một trong những biện pháp bảo vệ rừng được khu bảo tồn áp dụng.

Đối với những người làm công tác giữ màu xanh, rừng là “đứa con tinh thần” cần được bảo vệ, che chở. Bởi lẽ, dù chỉ một phần nhỏ diện tích bị cháy cũng gây nên mất mát không hề nhỏ. “Nhờ xây dựng và triển khai tốt phương án nên năm 2015, trên địa bàn xảy ra 8 điểm phát lửa nhưng được dập tắt kịp thời. Đáng tiếc, vụ cháy tại rừng phòng hộ Cẩm Minh xuất phát từ nguyên nhân khách quan khi lực lượng ứng cứu không có sự hỗ trợ về phương tiện” - Phó Giám đốc Khu BTTN Kẻ Gỗ Nguyễn Phi Công cho hay.

Sau khi sáp nhập BQL Rừng phòng hộ Cẩm Xuyên và BQL Rừng phòng hộ Thạch Hà, phần diện tích của Khu BTTN Kẻ Gỗ hiện trải dài trên 25 xã thuộc 4 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Kỳ Anh với 10 trạm bảo vệ. Đây được coi là bước đột phá nhằm giảm thiểu bộ máy quản lý tại 2 đơn vị cũ, tăng cường lực lượng cho công tác bảo vệ, PCCC rừng và nâng cao trách nhiệm quản lý của chủ rừng. Tuy nhiên, việc sáp nhập lại nảy sinh bất cập khi phần diện tích tăng thêm chủ yếu trải dài trên địa bàn rộng, bị chia cắt bởi địa hình hiểm trở, khu đô thị; hoặc nằm ở khu vực biên giới nhạy cảm nên công tác bảo vệ rừng và đặc biệt là PCCC rừng trở nên khó khăn hơn. Không chỉ vậy, cuộc chiến ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản quý hiếm, săn bắt động vật hoang dã cũng trở nên khốc liệt.

gian nan giu mau xanh cho rung

Cần sớm thành lập hạt kiểm lâm trực thuộc BQL Khu BTTN Kẻ Gỗ để có đủ thẩm quyền xử lý các vụ vi phạm lâm luật

Cũng theo ông Công, mặc dù địa bàn quản lý rộng lớn, phức tạp (diện tích gần 46.000 ha) và đóng xa trung tâm dân cư nhưng lực lượng bảo vệ lại quá mỏng. Theo đó, 10 trạm chỉ có 72 chiến sỹ thường xuyên “cắm chốt”. Ngoài ra, sự thiếu thốn về trang thiết bị hỗ trợ ứng cứu là một trong những yếu tố khiến công tác bảo vệ rừng gặp trắc trở. Hiện tại, phương tiện “cứu” rừng chủ yếu là dao rạ, máy thổi gió còn thiếu và đơn vị mới chỉ được trang bị duy nhất 1 ô tô công vụ. Chưa kể, Khu BTTN Kẻ Gỗ gồm 4 hồ chứa nước (Bộc Nguyên, Sông Rác, Thượng Tuy, Kẻ Gỗ) trữ lượng lớn, song lại chưa có thuyền máy. Chính vì vậy, khi chẳng may có sự cố xảy ra, ngoài nỗ lực tự ứng cứu, lực lượng chiến sỹ chỉ biết phụ thuộc vào yếu tố may rủi mà điển hình là vụ cháy trong năm 2015.

Một khó khăn khác không thể không nhắc đến là kinh phí hỗ trợ của ngân sách quá hạn hẹp; chế độ đãi ngộ cho CBCS chưa tương xứng. Có thể, về lâu dài, bài toán này sẽ được tháo gỡ nếu nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và của tỉnh. Nhưng trước mắt, theo dự báo, năm 2016, tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu khó lường; để công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao, những người làm công tác quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ mong sớm thành lập hạt kiểm lâm trực thuộc ban để có đủ thẩm quyền xử lý các vụ vi phạm lâm luật; có chính sách ưu đãi tạo điều kiện giải quyết việc làm cho cộng đồng dân cư nơi có rừng; mở trung tâm giáo dục môi trường rừng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ rừng, phòng chống biến đổi khí hậu và phát triển rừng theo hướng bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast